Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn trên địa bàn dân cư

16:33 12/12/2017     4012

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (chiều 12/12), đồng chí Võ Thị Thủy Tiên- Đoàn đại biểu tỉnh An Giang đã có bài tham luận với nội dung "Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn địa bàn dân cư".
Ban biên tập Website Trung ương Đoàn trân giới thiệu nội dung bài tham luận:


f
Đồng chí Võ Thị Thủy Tiên - Đoàn đại biểu tỉnh An Giang

An Giang là tỉnh biên giới nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có 04 dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, Hoa, Chăm, Khmer), với nhiều tôn giáo lớn như Phật giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hồi Giáo..., là tỉnh đông dân thứ 6 cả nước và đứng đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Có thể nói trong công tác quản lý, phát triển đoàn viên, đặc biệt việc đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn địa bàn dân cư là nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn rất quan tâm, xem đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đoàn và phát triển phong trào ở địa phương.

Theo Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chi đoàn là tổ chức tế bào của đoàn, là hạt nhân nòng cốt đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động, sinh hoạt chi đoàn địa bàn dân cư bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của chi đoàn địa bàn dân cư đối với tổ chức đoàn, năm 2004 Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng và triển khai mô hình “Cuộc vận động chi đoàn chủ động công tác” triển khai đến từng đồng chí bí thư đoàn xã, phường, thị trấn và 100% bí thư chi đoàn khóm, ấp để thực hiện. Để đạt và được công nhận là chi đoàn chủ động công tác, chi đoàn phải đăng ký thực hiện ngay từ đầu năm với đoàn cấp trên và được đoàn cấp trên kiểm tra, công nhận hàng năm; định kỳ cấp huyện 3 năm và cấp tỉnh 5 năm phúc tra, công nhận, tuyên dương, khen thưởng. Sau 10 năm thục hiện, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức hội thảo và ban hành kế hoạch số 49-KH/TĐAG ngày 26/4/2013 về thực hiện “Chi đoàn bốn chủ động” giai đoạn 2013-2017 phù hợp tình hình thực tế. Tiêu chí cụ thể như sau:

- Tiêu chí 1: Chủ động nắm bắt tình hình thanh thiếu nhi trên địa bàn.

- Tiêu chí 2: Chủ động xây dựng kế hoạch công tác.

- Tiêu chí 3: Chủ động thực hiện nhiệm vụ.

- Tiêu chí 4: Chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp với các tổ chức liên quan trong triển khai thực hiện công tác thanh niên.

Ngoài 4 tiêu chí, cùng với 19 nội dung cuộc vận động, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo xây dựng tiêu chuẩn người thủ lĩnh thanh niên địa bàn dân cư đối với bí thư chi đoàn là đoàn viên hoặc đảng viên trẻ có trình độ tốt nghiệp THPT; là bộ đội xuất ngũ hoặc đoàn viên có điều kiện kinh tế; là người có uy tín, có tầm ảnh hưởng đối với thanh niên địa bàn dân cư. Đồng thời chỉ đạo đồng chí bí thư hoặc phó bí thư đoàn xã, phường, thị trấn tham dự sinh hoạt chi đoàn hàng tháng, trực tiếp làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, thông tin những chủ trương, chính sách mới đến đoàn viên và định hướng nội dung sinh hoạt chi đoàn tháng tiếp theo. Phân cấp cấp huyện hằng năm tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn thực hiện cuộc vận động cho bí thư chi đoàn khóm, ấp. Để góp phần ổn định cuộc sống, an tâm công tác, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tham mưu Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh chi trợ cấp đối với bí thư chi đoàn khóm, ấp (0,6 x mức lương tối thiểu/tháng), đối với phó bí thư chi đoàn kiêm chi hội trưởng thanh niên khóm, ấp (0,5 x mức lương tối thiểu/tháng).

Công tác bồi dưỡng, kết nạp đoàn viên mới phải đảm bảo tiêu chuẩn về nhận thức và hành động của thanh niên khi kết nạp vào Đoàn, quan tâm đối tượng là đội viên trưởng thành trong các trường THCS, thanh niên địa bàn dân cư, công nhân, lao động trẻ có trình độ từ lớp 9 trở lên; 100% đoàn viên mới kết nạp được trao Huy hiệu Đoàn, Thẻ đoàn viên, có Sổ đoàn viên theo quy định, công tác phát triển đoàn viên đảm bảo đúng quy trình, hồ sơ, thủ tục.

Trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của cấp ủy cùng cấp nên chế độ sinh hoạt chi đoàn được duy trì, chất lượng sinh hoạt chi đoàn địa bàn dân cư được nâng lên đáng kể. Số lượng đoàn viên mỗi chi đoàn từ 15 đoàn viên trở lên, tích cực, chủ động tuyên truyền, cổ vũ đoàn viên, thanh niên chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nòng cốt thực hiện nhiều chủ trương, tham gia giải quyết nhiều vấn đề bức xúc tại địa bàn dân cư.

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, song thực tế cho thấy chất lượng hoạt động của chi đoàn địa bàn dân cư thời gian qua đã và đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định như: đội ngũ cán bộ thay đổi nhanh; lực lượng đoàn viên mỏng, phân tán và luôn biến động; chất lượng hoạt động còn thấp; nội dung sinh hoạt chưa được quan tâm, hình thức sinh hoạt và hoạt động ít sáng tạo, chưa đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu của đoàn viên trong giai đoạn hiện nay. Vai trò của người đoàn viên chưa được phát huy, khả năng vận động, tập hợp đoàn viên, thanh niên còn nhiều hạn chế; một bộ phận đoàn viên còn thụ động, ý thức xây dựng tổ chức chưa cao, do khó khăn về kinh tế nên tình trạng bỏ sinh hoạt đoàn để đi làm ăn xa còn nhiều, v.v…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là: thiếu sự quan tâm của một số cấp ủy, ban nhân dân khóm, ấp; năng lực của đội ngũ cán bộ đoàn hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên cứng nhắc, rập khuôn; nội dung, phương thức hoạt động của chi đoàn cơ sở chậm đổi mới, chưa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên; công tác quản lý đoàn viên thiếu chặt chẽ; kinh phí cho hoạt động đoàn quá hạn hẹp; thời gian dành cho hoạt động đoàn ít, một phần do đời sống ĐVTN còn nhiều khó khăn…

Từ thực trạng trên, thời gian tới các cấp bộ đoàn tỉnh An Giang đang tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn phải gắn với nhiệm vụ chính trị của Đảng, chính quyền, nhiệm vụ của địa phương và tổ chức đoàn các cấp. Hơn nữa, thực tế luôn biến đổi, đội ngũ cán bộ, đoàn viên có sự phát triển nhanh chóng về chất lượng và số lượng, trình độ và chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn đòi hỏi phải nâng cao chất lượng sinh hoạt đoàn địa bàn dân cư là cấp bách và cần thiết. Cụ thể, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đoàn phải gắn với việc chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên. Nội dung sinh hoạt phải thiết thực, phù hợp, lồng ghép các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị. Phát huy tính sáng tạo, vai trò chủ thể của người đoàn viên trong sinh hoạt, xây dựng và hoạt động của chi đoàn.

Thứ hai, hướng dẫn rèn luyện đoàn viên gắn với nhiệm vụ và đặc thù địa phương, lựa chọn các nội dung phù hợp, thiết thực, coi trọng tính tự giác rèn luyện của đoàn viên; thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá hàng năm, có tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt; nghiên cứu nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện; lồng ghép nội dung rèn luyện đoàn viên với cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ của từng đoàn viên thanh niên.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác phát hiện nguồn, quy hoạch cán bộ đoàn cấp cơ sở; tham mưu cấp ủy tạo điều kiện trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ đoàn, đặc biệt đối với đối tượng quy hoạch các chức danh chủ chốt của cơ sở. Lựa chọn đội ngũ ban chấp hành chi đoàn có năng lực, nhiệt tình với phong trào đoàn, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, đây là nhân tố quyết định để tập hợp ĐVTN vào tổ chức, sinh hoạt cùng tổ chức. Quan tâm đổi mới phong cách làm việc và phương pháp công tác của đội ngũ bí thư chi đoàn. Ngoài gần gũi với đoàn viên, có trách nhiệm với công việc, bí thư chi đoàn phải "Nói đi đôi với làm", tạo được đồng thuận, thu hút đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh việc phát huy cán bộ đoàn, cần tham mưu cho cấp ủy đảm nhận thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện trở thành đảng viên, tạo nguồn cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức trong hệ thống chính trị ở địa phương.

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn địa bàn dân cư không phải là chuyện một ngày, mà đòi hỏi phải làm thường xuyên, có sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới trong từng chi đoàn và sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như đoàn cấp trên/.