Các nhà khoa học trẻ tiên phong nghiên cứu về ứng phó biến đổi khí hậu

00:05 27/11/2019     1867

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019, chiều 27/11 đã diễn ra tọa đàm: “Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”.

Toàn cảnh Tọa đàm


Các nhà khoa học trẻ tiên phong nghiên cứu về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề: thực trạng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tại Việt Nam; các giải pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam; đưa ra đề xuất, khuyến nghị để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo cho thấy, trái đất đang nóng hơn bao giờ hết trong hơn 800.000 năm qua; phát thải khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại; hơn 1 triệu loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ không thể cứu vãn được vào năm 2030. Việt Nam hiện đang là 1 trong 10 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu; Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa không được xử lý, có 787 đô thị với 300.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý.

Chia sẻ tại tổ thảo luận TS Khưu Thùy Dương cho biết: 97% nhà khoa học trên thế giới khẳng định, hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội của con người là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Từ thực tế đó, TS Khưu Thùy Dương kêu gọi: “Chúng ta không muốn Trái đất kết thúc bởi biến đổi khí hậu, các loài bị tuyệt chủng, xã hội bị chia cắt. Nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế thôi chưa đủ, chúng ta cần phải có sự công bằng xã hội và môi trường trong sạch”.

Anh Nguyễn Duy Tâm, nghiên cứu sinh tại Singapore cho rằng để bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu có hai xu hướng chính, gồm: Tiết kiệm năng lượng và tìm năng lượng mới, trong đó có năng lượng tái tạo. Đưa ra nhận định năng lượng tái tạo dồi dào và theo đuổi năng lượng tái tạo là sự cần thiết trong xu hướng hiện nay; tuy nhiên, theo anh Tâm, chúng ta không nên quá lạc quan vào tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Bởi việc khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo đều có mặt tính hai mặt lợi và hại. Ví dụ như khai thác năng lượng thủy điện gây tác động tới thiên nhiên như thay đổi dòng chảy, thay đổi chất lượng nguồn nước sinh hoạt; hay khai thác năng lượng mặt trời phải phụ thuộc thời tiết, có thể gây ra ô nhiễm nếu không cẩn thận trong khai thác sử dụng…

Đồng thời, anh Tâm cũng đưa ra các giải pháp để khai thác và sử dụng có hiệu quả năng lượng tái tạo: Kết hợp các nguồn năng lượng với nhau; kết hợp công nghệ;...

Tại tổ thảo luận các đại biểu trí thức trẻ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, nghiên cứu mới nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như: Ứng dụng chế phẩm nano trong xử lý kim loại nặng ở môi trường nước; Chiết tách collagen từ vảy cá nước ngọt bằng phương pháp hóa sinh,..

 

Trịnh Lý