Vượt ngàn cây số, nữ sinh Kiến trúc quyết tâm bảo tồn làng đá cổ tại Cao Bằng
14:21 25/11/2024 1671
3 Chương trình ĐTN: Thổn thức trước nguy cơ mai một của kiến trúc đá cổ tại Bản Gun, Khuổi Ky do bê tông hóa, nữ sinh Phan Thị Thu Trúc đã quyết tâm thực hiện đồ án tốt nghiệp để kiến thiết một không gian sống hài hòa, không chỉ hướng đến việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng.
Phan Thị Thu Trúc (SN 2001), cựu sinh viên Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh vừa giành giải Nhất Giải thưởng Loa Thành năm 2024. Đây là cuộc thi nhằm tôn vinh những đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên trong các ngành đào tạo về kiến trúc và xây dựng trên cả nước, do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Trung ương Đoàn tổ chức.
Đam mê tiềm ẩn
Thu Trúc sinh ra và lớn lên tại miền biển Nha Trang, Khánh Hòa. Lần đầu tiên tiếp xúc với môn mỹ thuật ở cấp 1, cô bạn thường nhận được nhiều lời khen ngợi từ thầy cô. Tuy nhiên, vẽ chỉ là một sở thích bên lề, chưa bao giờ là mục tiêu chính trong cuộc sống của Trúc. Thay vào đó, cô bạn từng mơ ước trở thành tiếp viên hàng không, bác sĩ hay ca sĩ.
Năm lớp 11, khi bạn bè cùng lớp rục rịch định hướng ngành học, Trúc quyết định đăng ký một lớp vẽ bên ngoài để thử sức. Nhờ những lời khen ngợi của thầy giáo, Trúc tự tin hơn và cho rằng mình đã đủ khả năng để thi đại học nên đã xin nghỉ. Tuy nhiên, sau khi đăng một bức tranh phác họa tượng lên mạng xã hội, nữ sinh nhận được nhiều lời nhận xét chê bai, châm chọc.
“Lúc này, em mới nhận ra kiến thức của mình còn hạn chế vô cùng. Sự kiện này đã thôi thúc em quay trở lại lớp học để trau dồi thêm kỹ năng, phục vụ cho kỳ thi đại học”, Trúc chia sẻ.
Nữ sinh Phan Thị Thu Trúc
Một mình từ quê vào thành phố Hồ Chí Minh để tham gia kỳ thi năng khiếu tại Đại học Kiến Trúc, cô sinh viên "lạ nước lạ cái" nhiều hôm đã phải vòng đi vòng lại một cung đường để làm quen trước khi đi thi.
Đề thi năm đó yêu cầu thí sinh vẽ tượng một ông già. Đúng sở trường, lại được làm quen và trau dồi kỹ năng dựng khối khi quay lại lớp học thêm, Trúc bình tĩnh làm bài và nhận được kết quả đậu ngành Kiến trúc cảnh quan, Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh một tháng sau đó.
Những năm đầu ở môi trường mới, Trúc đã rất sốc khi các bạn đều tài giỏi, năng động, cá tính. “Đa số các bạn trong Khoa đều xuất phát từ trường chuyên nên em có chút áp lực khi thấy các bạn học tập rất chăm chỉ và cạnh tranh”, cô tâm sự.
Tuy nhiên, nữ sinh Khánh Hòa không hề bi quan hay tự ti trước điều đó, mà Trúc luôn tìm kiếm những cơ hội thực tế để rèn giũa tay nghề của mình. Cụ thể, vào năm 4 đại học, Trúc đã tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học Euréka với đề án “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven rạch Cầu Sơn hướng đến cải thiện môi trường sống (Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh)” và đạt giải Khuyến khích.
Thu Trúc (ở giữa) tham gia Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2023
Sáng tạo song hành với thực tiễn
Là người con miền Trung, học tập tại miền Nam nhưng Thu Trúc lại quyết tâm thực hiện đề án về một ngôi làng miền núi giáp biên giới ở phía Bắc. Cơ duyên bắt đầu từ một lần lướt Facebook, cô bắt gặp những hình ảnh về Bản Gun với những ngôi nhà đá độc đáo. Ấn tượng với vẻ đẹp nguyên sơ và kiến trúc đặc biệt của ngôi làng, nữ sinh đã lưu lại bài viết đó.
Vốn yêu thích văn hóa truyền thống, Trúc quyết định thu hẹp phạm vi thực hiện của mình là các bản làng có nghề thủ công truyền thống hoặc kiến trúc cổ xưa để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị này. Song, sau khi tìm hiểu nhiều làng nghề ở miền Nam, vẫn chưa có địa điểm nào thuyết phục được cô.
Thu Trúc (bên trái) là một trong hai thí sinh đạt giải Nhất Giải thưởng Loa Thành năm 2024
“Lúc đó, khi lật lại ảnh trên Facebook, em mới nhớ ra làng đá Bản Gun. Ban đầu, khoảng cách địa lý xa xôi khiến em khá đắn đo nhưng sau khi tìm hiểu về văn hóa và kiến trúc độc đáo của nơi đây, em đã quyết tâm thực hiện đề tài này chứ không do dự thêm nữa”, Trúc nói.
Trúc cho biết, Bản Gun - Khuổi Ky (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), với những ngôi nhà đá cổ kính từ thời nhà Mạc, có ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc đối với người Tày. Tuy nhiên, do lượng du khách đông trong khi chi phí và nhân lực xây nhà đá đắt đỏ khiến ngày càng nhiều ngôi nhà “xi măng, mái tôn” mọc lên, phá vỡ nét cổ kính tổng thể của ngôi làng. Chính vì lẽ đó, nữ sinh quyết tâm thực hiện đồ án tại đây với mong muốn góp phần bảo tồn vẻ đẹp và giá trị văn hóa đặc trưng của ngôi làng đá cổ.
Một mình đến Cao Bằng và sống tại Bản Gun 7 ngày, Trúc dành hầu như toàn bộ thời gian để đi khảo sát thực địa, ghi chép thông tin khảo sát và chụp lại kiến trúc bên trong để phác họa lại một cách chính xác nhất. Ngoài ra, cô chủ động làm quen, nói chuyện với người dân trong làng để tìm hiểu thêm về cuộc sống bản địa, tình hình du lịch và những khó khăn còn tồn tại.
“Khoảng cách địa lý và áp lực thời gian là những rào cản lớn nhất bởi mình chỉ được khảo sát tại địa điểm thực tế một tuần nhưng phải "sống" cùng đề án suốt nhiều tháng sau đó”, nữ sinh tâm sự.
Dựa trên những trải nghiệm thực tế tại bản làng, Thu Trúc đã đề xuất mô hình quy hoạch kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn kiến trúc truyền thống và phát triển du lịch địa phương.
Cụ thể, cô đã lên ý tưởng ốp đá và lợp mái âm dương cho các ngôi nhà bê tông, đồng thời kiến thiết lại hệ thống đường làng, bổ sung các loại cây bản địa để xanh hóa ngôi làng. Bên cạnh đó, các khu chức năng như nhà hàng, cafe đá cũng được nữ sinh thiết kế hợp lý để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến tham quan.
Do khối lượng đồ án lớn, những tuần cuối cùng, Trúc đã phải thức nhiều đêm để hoàn thành chỉn chu và cẩn thận nhất. “Khi nhận được những nhận xét chưa tốt trong lần bảo vệ giữa kỳ, em đã rất thất vọng, áp lực và có suy nghĩ từ bỏ đồ án. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, thầy cô, em quyết tâm lấy lại tinh thần và hoàn thành đồ án một cách tốt nhất”, Thu Trúc tâm sự.
Theo Trúc, trong kiến trúc cảnh quan, ý tưởng sáng tạo và tính thực tiễn phải luôn song hành với nhau. Một công trình không chỉ cần đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn phải đáp ứng nhu cầu của con người, môi trường và phù hợp với văn hóa địa phương. Bằng cách đó, công trình kiến trúc mới có thể góp phần nâng cao giá trị sống và phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử của từng khu vực.
Theo TPO Tweet