Thừa Thiên Huế: Trao 10 mày tính cho học sinh khó khăn tại huyện Quảng Điền

10:14 08/11/2021     6333

3 Chương trình   ĐTN: Chiều 05/11, tại huyện Quảng Điền, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Đại đức Thích Huệ Trọng đã trao tặng 10 chiếc máy tính dành cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Quảng Điền bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tổ chức dạy học phải được thực hiện dựa theo hình thức học trực tuyến; đối với một số em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thì đây là một trong những trở ngại hết sức lớn khi thiếu trang thiết bị điện tử phục vụ cho các buổi học online.

Biết được điều này, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cùng Đại đức Thích Huệ Trọng đã nhanh chóng kêu gọi những tấm lòng hảo tâm, quyên góp và gửi tặng đến 10 em học sinh khó khăn tại huyện Quảng Điền những chiếu máy tính xách tay, với mong muốn đây sẽ là phần quà ý nghĩa giúp các em có thể yên tâm học tập và đạt được những kết quả cao.

 

Các đồng chí đại biểu trao máy tính cho các em học sinh

 

Được biết, đây là nguồn ủng hộ đến từ đồng chí Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng phần quà là 20 chiếc máy tính, trị giá hơn 200 triệu đồng. Trong buổi trao ngày hôm nay, sẽ trao tặng 10 chiếc, số lượng máy tính còn lại sẽ được trao tặng cho các em sinh viên vùng sâu vùng xa tại chương trình “Tiếp sức đến trường” sắp đến.

Chương trình “Máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, ngoài việc hỗ trợ cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình còn góp phần để chúng ta hướng tới mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số.

Đồng thời lan tỏa được lòng nhân ái của mỗi chúng ta, truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên số và đặc biệt làm cho các học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các em học sinh khó khăn được tiếp cận việc học tập bình đẳng; góp phần gieo từng hạt mầm để những hạt mầm ấy tiếp tục lớn lên và tiếp tục lan tỏa, tạo thành xã hội số, kinh tế số, tạo thành tình yêu thương trên mọi miền của quê hương./.

 

Thùy Trang