Đề nghị đại biểu Quốc hội xem việc tiếp xúc, lắng nghe trẻ em là nhiệm vụ của mình

09:02 28/05/2020     2362

Hoạt động Hội, Đội   Theo đại biểu Quốc hội Lê Quốc Phong (Bình Thuận), Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, một vấn đề rất đáng suy nghĩ là kể từ khi luật Trẻ em có hiệu lực thì số nhà thiếu nhi trên cả nước lại có xu hướng giảm.

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 27/5 về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Lê Quốc Phong (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận), Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho rằng cần quan tâm tới việc tăng cường các điều kiện lành mạnh để giúp trẻ em có môi trường thuận lợi để phát triển, được trang bị các kỹ năng cần thiết.

Để làm được việc này, đại biểu Phong nhấn mạnh vai trò của hệ thống các nhà thiếu nhi, các cung thiếu nhi như một thiết chế hết sức quan trọng.

Luật Trẻ em ra đời, nhà thiếu nhi giảm

"Có một số liệu, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng cần hết sức quan tâm. Năm 2016, khi chúng ta có luật Trẻ em, thì lúc đó chúng ta có 46 nhà thiếu nhi cấp tỉnh và 163 nhà thiếu nhi cấp huyện. Đến năm 2020, chúng ta nhìn lại 4 năm luật Trẻ em đi vào thực tiễn và có giá trị của nó, thì hiện nay số nhà thiếu nhi cấp tỉnh chỉ còn lại 26 và nhà thiếu nhi cấp huyện chỉ 101.

 

Đại biểu Lê Quốc Phong phát biểu tại Quốc hội chiều 27.5

 

Rất nhiều tỉnh, thành đã sáp nhập các nhà thiếu nhi vào các trung tâm văn hóa, hoặc giải thể trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống này. Tôi nghĩ rằng, với nhà thiếu nhi thì chúng ta cần phải ứng xử với nó như là một thiết chế hết sức đặc biệt, bởi vì đây là môi trường, điều kiện để giúp cho trẻ em có một không gian sinh hoạt lành mạnh", đại biểu Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Theo đại biểu Lê Quốc Phong, nếu hệ thống nhà thiếu nhi này hoạt động được tốt, và trên thực tế cũng đã chứng minh được giá trị, sẽ là nơi ươm mầm tài năng, tạo môi trường để tổ chức được rất nhiều những hoạt động trang bị kỹ năng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có những kỹ năng về phòng chống xâm hại cho trẻ em.

Nhấn mạnh việc duy trì phát triển hệ thống này là hết sức cần thiết, đại biểu Lê Quốc Phong "tha thiết" đề nghị, trong nghị quyết của Quốc hội lần này, giao cho Chính phủ chỉ đạo tất cả các tỉnh, thành phải quan tâm và phải đầu tư thỏa đáng để phát triển hệ thống thiết chế này.

Cần lắng nghe trẻ em

Một vấn đề khác được đại biểu Lê Quốc Phong nhắc đến là việc thực hiện trách nhiệm tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Hiện nay, trong điều 77 của luật Trẻ em, T.Ư Đoàn được giao là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Bản thân T.Ư Đoàn cũng đã tổ chức rất nhiều những hoạt động, cố gắng hình thành nhiều mô hình và phương thức để lắng nghe tiếng nói trẻ em, tạo cầu nối với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các mô hình về Hội đồng trẻ em cũng được nhiều địa phương triển khai.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Quốc Phong bày tỏ "rất mong muốn rằng Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các tỉnh, thành, xem việc tiếp xúc và lắng nghe tiếng nói trẻ em là một trách nhiệm của mình". Điều này cũng đã được quy định ở khoản 4 điều 79 của luật Trẻ em, nhưng chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục.

"Nếu như đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội xem đây là nội dung cần phải thực hiện trước các kỳ họp và có một báo cáo đánh giá tổng hợp các ý kiến kiến nghị qua quá trình tiếp xúc, lắng nghe tiếng nói của trẻ em, cùng với bản báo cáo của T.Ư Đoàn, tôi tin rằng chúng ta sẽ có rất nhiều phương thức để lắng nghe được các em một cách thiết thực, cụ thể hơn. Sẽ có nhiều nội dung mà chúng ta có thể giải quyết, giúp cho các em có một môi trường không gian, điều kiện tốt, cũng như thực hiện luật Trẻ em một cách hiệu quả và thiết thực hơn", đại biểu Lê Quốc Phong đề xuất.

 

Theo Thanhnien