Cần lấy thiếu nhi làm trung tâm trong triển khai phong trào
23:27 22/01/2019 8883
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Sáng 22/01, tại Hội quán Văn miếu Trấn Biên, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Hội nghị đánh giá việc triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” (khu vực phía Nam). Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương đã chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương phát biểu tại hội nghị |
Theo Hội đồng Đội Trung ương, thực hiện phong trào "Kế hoạch nhỏ" giai đoạn 2013 - 2018, thiếu nhi cả nước đã thu gom được trên 7,2 triệu tấn giấy vụn, với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng quỹ Đôi và giúp đỡ thiếu nhi nghèo vượt khó.
Đáng chú ý là bên cạnh các đơn vị duy trì hình thức cũ, nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả giáo dục tốt, tạo được sự đồng thuận từ phía phụ huynh và nhà trường, như mô hình: Vườn rau của em, Đàn gà khăn quàng đỏ, Xe đạp giúp bạn đến trường, Hũ gạo tình thương, Nuôi heo đất giúp bạn đến trường, Một triệu cuốn vở giúp bạn đến trường…
Thông qua phong trào kế hoạch nhỏ của đội viên, thiếu nhi, các cấp Hội đồng Đội cả nước đã thực hiện được nhiều công trình măng non ý nghĩa. Điển hình như: xây dựng trên 1.000 tủ sách học đường với nhiều đầu sách, tài liệu, truyện; trao trên 6,3 ngàn Đàn gà khăn quàng đỏ (mỗi đàn 20 con) cho các em thiếu nhi và gia đình thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng hàng trăm ngôi nhà Khăn quàng đỏ cho đội viên thiếu nhi khó khăn về nhà ở; xây dựng 23 điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thiếu nhi…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham gia góp ý vào các mô hình, giải pháp sáng tạo để triển khai, thực hiện tốt phong trào.
Trong thời gian qua, một số đơn vị đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực, góp phần xây dựng nguồn quỹ cho phong trào “Kế hoạch nhỏ”. Tiêu biểu như mô hình “Vườn rau của em”, cải tạo, trồng, chăm sóc vườn rau tại liên đội, phân công các chi đội chăm sóc vườn rau vào các giờ ra chơi; các sản phẩm đa số là rau sạch, rau mầm và được phụ huynh, giáo viên trong trường, người dân xung quanh ủng hộ; hoặc mô hình “Chợ phiên Kế hoạch nhỏ”, các đội viên sẽ làm sạch những vận dụng cá nhân còn sử dụng được, làm các đồ dùng handmade sau đó trao đổi tại phiên chợ do nhà trường tổ chức, số tiền thu được sẽ dùng để thực hiện công trình măng non, xây dựng công viên và sử dụng và các hoạt động từ thiện của nhà trường.
Các đại biểu tham gia góp ý kiến tại hội nghị |
Tại hội nghị, đại diện Hội đồng Đội 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo tại địa phương, đơn vị mình. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp triển khai có hiệu quả phong trào kế hoạch nhỏ nhằm phát huy ý thức tiết kiệm, tinh thần chia sẻ cùng cộng đồng của thiếu nhi cả nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khó khăn của việc triển khai phong trào trong công tác tuyên truyền đối với học sinh về ý nghĩa, tính tự nguyện và cách thức thực hiện phong trào còn chưa sâu sắc, toàn diện dẫn đến các em chưa ý thức hết được ý nghĩa phong trào mà chỉ ý thức được rằng đó là chỉ tiêu của nhà trường.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, nhận thức của cha mẹ học sinh về phong trào còn hạn chế, nhiều bậc cha mẹ còn cho rằng đây như là một trong nhưng khoản phí phải nộp khi các con mình đến trường; một số giáo viên Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm và Ban Giám hiệu nhà trường vẫn còn chạy theo thành tích nên khiến phong trào mất đi ý nghĩa; việc áp đặt chỉ tiêu trích nộp kế hoạch nhỏ trên số lượng thiếu nhi phần nào làm cho phong trào mất đi một trong những nguyên tắc rất quan trọng là tính tự nguyện khi tham gia phong trào của thiếu nhi...
Dịp này, các đại biểu cũng đề xuất với Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng cho giáo viên làm Tổng phụ trách Đội; căn cứ và tình hình thực tiễn từng địa phương để xây dựng phương pháp tuyên truyền phù hợp và hiệu quả nhất đến với phụ huynh và các em thiếu nhi; lồng ghép hình thức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt đội, các cuộc thi tìm hiểu.
Các đại biểu cũng đề nghị, Trung ương Đoàn nên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có sự chỉ đạo thống nhất về việc triển khai phong trào hàng năm trong nhà trường, qua đó giúp giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thuận lợi hơn trong việc thống nhất với Ban Giám hiệu, Hội đồng sư phạm nhà trường trong việc tổ chức thực hiện phong trào đến với học sinh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương đề nghị, trong thời gian tới, tổ chức Đội cần tiếp tục tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào tới phụ huynh, nhà trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, việc triển khai phong trào cần gắn bó chặt chẽ hơn với ngành giáo dục.
“Quan trọng hơn phải lấy thiếu nhi làm trung tâm trong triển khai phong trào để tạo tính tự giác, tình cảm của các em với phong trào hết sức ý nghĩa này”, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, các đại biểu đã tham quan Văn miếu Trấn Biên và Vườn tượng Danh nhân – đây 02 là công trình có sự đóng góp của phong trào Kế hoạch nhỏ từ năm 2015.
Phong trào “Kế hoạch nhỏ” nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Năm 1958, theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) và thành phố Hải Phòng, các em thiếu nhi cùng tham gia làm kế hoạch nhỏ lấy tiền góp chung xây dựng nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong đặt tại Hải Phong. Ngày 02/12/1958, Bác Tôn Đức Thắng đã viết thư hoan nghênh sáng kiến đó và cho phép mở rổng phong trào kế hoạch nhỏ trong thiếu nhi. Phong trào nhanh chóng cuốn hút các em thiếu nhi sôi nổi tổ chức chăn nuôi, sản xuất, tiết kiệm và thu nhặt phế liệu. Phong trào được nhân rộng và phát triển rộng khắp trong hoạt động Đội với nhiều hình thức phong phú. |
CTV Trịnh Tình – TĐ Đồng Nai(PL) Tweet