Vượt ngàn cây số "gieo chữ"

12:22 16/11/2024     102

Nhịp sống trẻ   “Cuộc sống nơi vùng khó không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn thử thách lớn về tinh thần. Có những ngày băng rừng vượt núi để tới bản nhưng chưa bao giờ tôi nản lòng. Chính ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ của các em là động lực để tôi tiếp tục trên hành trình này”, cô giáo Phạm Thị Thuyết (Lâm Đồng), chia sẻ.

Xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông) được xem là một trong những khu vực khó khăn nhất tỉnh Lâm Đồng. Với tấm lòng tận tụy, trái tim yêu nghề, yêu trẻ, nhiều năm qua, cô gái đất Cảng Phạm Thị Thuyết (32 tuổi), giáo viên trường Tiểu học Liêng Srônh, luôn kiên trì vượt mọi thử thách, từng bước đem con chữ đến với các em học sinh người dân tộc thiểu số nơi đây.

Thuyết sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp sư phạm năm 2012, cô xa gia đình vào dạy học tại Đam Rông - một huyện đặc biệt khó khăn, đang thụ hưởng Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Cô lần lượt công tác tại trường Tiểu học Đạ M’Rông, trường Tiểu học Đa Nhinh và hiện nay là trường Tiểu học Liêng Srônh (cùng huyện Đam Rông).

Năm 2012, lần đầu công tác tại huyện miền núi Lâm Đồng, Thuyết chỉ mới 20 tuổi. Chị phải học làm quen với khí hậu hai mùa mưa nắng, địa hình đồi núi, dốc cao ngoằn nghèo, khó khăn trong đi lại. Để đến được điểm trường, cô giáo trẻ phải băng qua những con đường đất đỏ lầy lội, núi rừng hiểm trở; vào mùa mưa lũ, giao thông bị chia cắt.

 

Cô Phạm Thị Thuyết (bên phải) là một Bí thư Đoàn trường gương mẫu năng nổ trong các hoạt động, phong trào của Đoàn - Hội

 

“Có những ngày, tôi phải đi bộ băng rừng vượt núi cả mấy tiếng đồng hồ, người lấm lem bùn đất nhưng vẫn luôn cố gắng để đem cái chữ đến bản cho các em. Tôi biết, các em bị thiệt thòi nhiều so với bạn cùng trang lứa ở những vùng thuận lợi. Tôi không muốn các em bị mù chữ, tương lai phải gắn bó cả đời với rẫy nương, cái đói, cái nghèo”, cô Thuyết chia sẻ.

Trường Tiểu học Liêng Srônh nằm ở địa bàn khó khăn nhất của huyện Đam Rông. Trường có hơn 87% học sinh người dân tộc thiểu số, thiếu thốn về sách vở, quần áo,… và phụ huynh chưa quan tâm đúng mức. Đã không ít lần, cô Thuyết cùng các giáo viên phải đi vận động, thuyết phục phụ huynh cho con trở lại trường. Nhờ sự chân thành và nỗ lực của cô, nhiều phụ huynh đã thay đổi nhận thức tạo điều kiện tốt hơn cho con đến trường.

“Mình rất sợ các em vì khó khăn mà phải nghỉ học để theo cha, mẹ lên nương rẫy. Phụ huynh đa số người đồng bào dân tộc thiểu số, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học. Các em chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của gia đình”, cô Thuyết nói.

Trong quá trình giảng dạy, cô Thuyết luôn tìm tòi, sáng tạo những cách dạy phù hợp để các em dễ hiểu, bởi đa phần các em chưa nói thành thạo tiếng Việt, một số chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ. Cô đã kiên nhẫn dạy từng từ, từng câu, sử dụng hình ảnh và phương pháp học thông qua các trò chơi để các em dễ tiếp thu hơn. Nhờ đó, sau một thời gian, các học sinh dần tiến bộ và có thêm động lực học tập.

“Niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi thấy các học sinh của mình trưởng thành, có thể tự đọc, tự viết, tự mở ra những cánh cửa tri thức. Dù rằng con đường còn đầy gian nan, nhưng chỉ mong các em tới gần hơn với ước mơ”, cô Thuyết chia sẻ thêm.

Cô Thuyết còn là một Bí thư Đoàn trường gương mẫu trong các hoạt động, phong trào do đoàn các cấp tổ chức, phát động. Cô đã được Hội LHTN Việt Nam huyện Đam Rông tặng Giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào thanh niên giai đoạn 2019-2024”. Cô là 1 trong 60 gương thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, xuất sắc dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức.

 

Cô Phạm Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liêng Srônh cho biết, câu chuyện của cô Phạm Thị Thuyết là minh chứng cho sức mạnh của lòng yêu nghề, tinh thần kiên cường và lòng nhân ái. Cô là “người hùng thầm lặng”, ngày ngày miệt mài mang tri thức đến vùng sâu vùng xa, góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều trẻ em. Những “hạt mầm” tri thức mà cô Thuyết đã gieo trồng đang từng ngày lớn lên và mang đến những đổi thay tích cực cho xã hội.

Theo TPO