Trao giải Phạm Ngọc Thạch cho bác sĩ giúp giảm cơn đau nhanh
14:02 24/02/2019 3590
Nhịp sống trẻ Bác sĩ Lê Bình Minh (Bệnh viện quận 2, TP.HCM) và bác sĩ Bùi Văn Anh (Bệnh viện Thống Nhất) đã tìm những giải pháp giúp người bệnh giảm những cơn đau nhanh hơn.
Bác sĩ Lê Bình Minh hỗ trợ bệnh nhân tập vật lý trị liệu
Tối 24/02, Thành đoàn TP.HCM sẽ trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2019 cho hai thầy thuốc trẻ này.
Đam mê với y học cổ truyền
Ở khoa vật lý trị liệu Bệnh viện quận 2, bác sĩ Lê Bình Minh đang trò chuyện với bệnh nhân. Cùng với các kỹ thuật viên, khi phòng bệnh đông, bác sĩ Minh cũng trực tiếp giúp bệnh nhân tập vật lý trị liệu.
Nhẹ nhàng hướng dẫn, bác sĩ dùng chiếc máy xoa lên cổ tay bệnh nhân bị mắc hội chứng ống cổ tay. Rồi chị chia sẻ cách để bệnh nhân về nhà tập thêm cho mau bình phục. Để giúp bệnh nhân bị hội chứng chóp xoay nhanh phục hồi hơn, cô bác sĩ đã nghiên cứu đề tài khoa học: Hiệu quả giảm đau của quang châm laser kết hợp vận động trị liệu trên bệnh nhân hội chứng chóp xoay tại Bệnh viện quận 2.
Sau một năm nghiên cứu và triển khai, hiệu quả giúp người bệnh mau giảm cơn đau hơn so với phương pháp đơn thuần trước đó.
Bác sĩ Bình Minh cho biết: "Sau bốn tuần, các triệu chứng kèm theo như mệt mỏi, mất ngủ, cứng cơ hầu như khỏi hoàn toàn ở nhóm bệnh nhân phối hợp. Quan trọng là không có tác dụng phụ có thể xảy ra của quang châm".
Bà Trương Thế Lan, 55 tuổi (Q.9) là bệnh nhân được bác sĩ Bình Minh thăm khám hơn hai năm qua, cho biết: "Lúc trước nhà tôi ở Q.2, nay đã chuyển về Q.9 nhưng tôi vẫn đăng ký khám chữa bệnh ở đây. Cô Bình Minh đã giúp tôi tập luyện từ lúc chân đau không đi được, tay cầm đôi đũa cũng không thể, đến bây giờ đã gần hết bệnh luôn rồi. Tôi đi đứng và cầm nắm thoải mái hơn nhiều".
Đến với nghề bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ Bình Minh nói "nhân duyên" khi học lớp 7, Bình Minh bỗng bị méo miệng, mắt không thể nhắm kín lại sau một đêm thức giấc.
"Lúc đó ba đã chở mình đến một phòng khám của bác sĩ y học cổ truyền, được day ấn huyện, xông ngải cứu, khoảng một tháng sau mình đã được trả lại gương mặt như cũ" - bác sĩ Minh kể. Từ đó, Minh thôi thúc học và thi vào Đại học Y dược TP.HCM chuyên khoa y học cổ truyền.
Là bí thư Đoàn Bệnh viện quận 2, bác sĩ Minh cùng các thầy thuốc trẻ tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, đem chuyên môn phục vụ cộng đồng, chăm sóc sức khỏe cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa, biển đảo. Hè năm 2018, Minh còn góp mặt cùng đoàn thanh niên tình nguyện của TP.HCM đến nước bạn Lào thực hiện nhiều nội dung hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phát triển cộng đồng.
Bác sĩ Bùi Văn Anh (trái) chăm sóc bệnh nhân lớn tuổi sau khi mổ khớp gối
Đau đáu vì người bệnh
Tốt nghiệp Học viện Quân y Hà Nội, Bùi Văn Anh (quê Hải Dương) vào công tác tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), làm bác sĩ chấn thương chỉnh hình.
Gặp bác sĩ Bùi Văn Anh sau ca trực, anh chia sẻ: "Công việc của bác sĩ khoa này không kể giờ giấc. Khi có ca cấp cứu, chỉ cần nghe thông báo là phải có mặt sau vài phút mới kịp thời cứu bệnh nhân được. Do vậy việc vừa tan ca, về đến nhà chưa kịp bưng chén cơm lên đã quay vào bệnh viện ngay khi gặp ca cần sự huy động của nhiều người là chuyện thường xuyên ở bệnh viện".
Không dừng lại ở những phương pháp chữa trị đang được áp dụng, bác sĩ Anh tham gia nghiên cứu thêm đề tài điều trị phẫu thuật gãy đầu dưới xương quay (ở cổ tay) bằng nẹp vít khóa cho người lớn tuổi tại Bệnh viện Thống Nhất.
Bệnh nhân tại bệnh viện đa phần là người lớn tuổi, loãng xương nên rất khó khăn cho việc tiên lượng điều trị gãy đầu dưới xương quay. Thay vì dùng nẹp thông thường như trước, việc sử dụng phương pháp dùng nẹp vít khóa mà bác sĩ Anh và cộng sự nghiên cứu đã mang lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân bị gãy xương phạm khớp.
Theo đó, bệnh nhân không bị biến chứng và phục hồi nhanh hơn; chỉ sau ba tháng có thể cầm, xách được vật nặng.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng đội ngũ thầy thuốc trẻ của TP đã góp phần cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân. "Các bạn đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong cách điều trị cho người bệnh" - ông Thượng nói.
Theo BS Thượng, cuộc vận động thầy thuốc trẻ tiêu biểu của Thành đoàn TP.HCM cũng gắn liền với quan điểm chỉ đạo chung của ngành y tế, lấy người bệnh làm trung tâm, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân là thước đo giá trị, hiệu quả của người thầy thuốc.
Hành trình vì cộng đồng
Các thầy thuốc trẻ tặng xe đạp cho học sinh khó khăn
Ngày 22/02, những thầy thuốc trẻ tiêu biểu được xét tặng Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch do Thành đoàn TP.HCM bình chọn đã tham gia hành trình "Thầy thuốc trẻ TP.HCM vì cộng đồng".
Các bác sĩ đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho khoảng 200 người dân xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Đoàn còn trao tặng 10 chiếc xe đạp và 200 quyển tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và thăm, tặng quà cho đồn biên phòng Thuận Bình.
Lễ vinh danh 37 gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu trong rèn luyện y đức, y nghiệp và tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện dự kiến diễn ra tối 24/02.
(Nguồn TTO) - ĐH Tweet