Tiến sĩ trẻ nghiên cứu phát minh thuốc điều trị HIV mới

08:04 03/03/2023     3092

Nhịp sống trẻ   Là một trong 10 nhà khoa học trẻ vừa đạt giải thưởng Quả Cầu Vàng 2021, tiến sĩ Trương Thanh Tùng tiếp tục được đề cử trong top 20 để tìm ra 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”.

Được biết anh có nghiên cứu phát minh thuốc điều trị HIV mới và được thế giới đánh giá rất cao với tiềm năng thuốc điều trị trong tương lai. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về hướng nghiên cứu và tính mới trong phát minh của anh được không?

Thanh Tùng: “Hướng nghiên cứu của tôi là làm thế nào loại bỏ toàn bộ tế bào nhiễm HIV và virut ra khỏi cơ thể. Có thể nói, các loại thuốc hiện có trên thị trường chỉ kiểm soát, loại bỏ bớt nồng độ virut trong máu, chứ chưa thể loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể. Tức các bệnh nhân HIV hiện nay khi sử dụng thuốc đều đặn cũng mới chỉ đạt được ngưỡng “sống, tránh lây nhiễm và cầm cự cùng HIV”.

Hướng nghiên cứu của tôi hướng tới mục đích điều trị hoàn toàn bệnh HIV trong tương lai. Nghiên cứu của tôi được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu bệnh AIDS (amfAR) - quỹ nghiên cứu HIV uy tín nhất thế giới. Nổi bật nhất trong kết quả nghiên cứu của tôi là các dược chất có thể thức tỉnh virut HIV ở trạng thái “ngủ” trong tế bào, đánh dấu rồi tiêu diệt chúng.

Khó nhất đối việc điều trị HIV hiện nay là loại bỏ hoàn toàn virut ở thể ngủ ra khỏi cơ thể - việc mà nghiên cứu của tôi có thể giải quyết được. Hiện nay, phương pháp điều trị theo hướng nghiên cứu này đang được thử nghiệm lâm sàng tại Đức và cho kết quả bước đầu khả quan.”

Hiện nay, thuốc điều trị HIV trên thế giới có những bước tiến cao nhất ra sao? Mong anh chia sẻ?

Thanh Tùng: “Hiện nay, trên thế giới đã có những tổ hợp thuốc trong quá trình điều trị bệnh nhân, chẳng hạn như ARV đang được sử dụng tại Việt Nam và có thể kiểm soát được nồng độ virut trong máu. Về tổng quan, các tổ hợp thuốc này chưa thể loại bỏ hoàn toàn virut HIV ra khỏi cơ thể người.”

Ngày trước, Tùng học môn Hóa học hay Sinh học có giỏi không? Cơ duyên nào đưa Tùng đến với con đường nghiên cứu khoa học này?

Thanh Tùng: “Tôi có niềm yêu thích môn Hóa học từ cấp THCS. Đó cũng là lý do tôi quyết tâm thi và chọn vào học lớp chuyên Hóa Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, tôi cũng rất quan tâm tới những khả năng mà các chất hóa học có thể tác động lên cơ chế, môi trường sinh học. Do đó, môn Sinh cũng là một môn mà tôi yêu thích. Chính nhờ những điều này, cũng giúp tôi có thêm động lực, quyết tâm học tập và đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia môn Hóa.

Tốt nghiệp THPT, cũng vì yêu thích môn Hóa học và Sinh học, tôi muốn lựa chọn các ngành có thể ứng dụng kiến thức của 2 môn học này. Lúc đó tôi đứng trước 2 lựa chọn, ngành Y hoặc Dược. Nhưng với suy nghĩ đơn giản, học Y có thể cứu được một vài người theo từng ca bệnh, còn học Dược nếu thành công, có thể cứu được nhiều, thậm chí rất nhiều người cùng lúc. Chính vì vậy, tôi chọn theo học ngành Dược học của Trường ĐH Dược Hà Nội. Tại đây, tôi có cơ hội được tham gia nghiên cứu khoa học từ rất sớm- con đường nghiên cứu của tôi cũng bắt đầu từ đây.

Tiến sĩ trẻ nghiên cứu phát minh thuốc điều trị HIV mới ảnh 1

 

Trong quá trình làm khoa học, khó khăn nào là lớn nhất mà Tùng đã từng trải qua?

Thanh Tùng: “Khó khăn nhất của tôi là giai đoạn 4 tháng đầu học thạc sĩ Hóa dược tại ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, khoảng năm 2012. Khi đó tôi 23 tuổi. Môi trường nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc khá khắc nghiệt. Thuở đó, có những hôm, tôi phải làm việc tại phòng thí nghiệm từ sáng sớm đến 1-2 sáng ngày hôm sau. Việc làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần là việc hoàn toàn bình thường.

Do chưa quen với nhịp độ công việc nên nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc. Có thể do lúc đó tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học nên việc bắt kịp nhịp độ tại môi trường mới thực sự là một thử thách lớn. Tuy nhiên, sau này tôi nghiệm lại, đó lại chính là những nền tảng giúp tôi thêm bản lĩnh, rắn rỏi để thích nghi với các môi trường thậm chí khắc nghiệt hơn ở những quốc gia khác.

Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong hành trình nghiên cứu khoa học của anh?

Thanh Tùng: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất là bài báo ISI đầu tiên mà tôi là tác giả chính, được công bố khi còn là sinh viên đại học năm thứ tư. Đề tài của bài báo về các chất mới có tiềm năng điều trị ung thư. Với tôi, việc một sinh viên có bài báo khoa học trên tạp chí ISI chính là niềm hạnh phúc lớn, là động lực để tôi quyết định theo đuổi nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp. Bởi thời điểm đó, thường các bạn đồng lứa sau khi ra trường sẽ lựa chọn kinh doanh dược - một công việc có thu nhập cao hơn rất nhiều so với theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ trẻ nghiên cứu phát minh thuốc điều trị HIV mới ảnh 2

 

Người ảnh hưởng đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Tùng là ai?

Thanh Tùng: “Người ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tôi là GS.TS Nguyễn Hải Nam, hiện đang là Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội. Nhờ sự dìu dắt, hướng dẫn của thầy (khi đó là Trưởng bộ môn Hóa dược, Trường ĐH Dược Hà Nội), tôi mới có những thành công bước đầu khi còn là sinh viên và vững tin đi theo con đường nghiên cứu khoa học.

Kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn không quên đó là một lần mải mê nghiên cứu xuyên trưa tại trường để giải quyết một công đoạn khó của dự án. Hôm đó, đến hơn 1h chiều, tôi thấy thầy gõ cửa mang theo mỳ tôm và mời tôi cùng ăn. Có thể lúc đó thầy biết rằng, tôi vì say việc mà quên ăn. Việc làm nhỏ của thầy nhưng khiến tôi ấm lòng và trân quý thầy.

Được biết, anh còn là thành viên Ban Biên tập của nhiều tạp chí ISI uy tín trên thế giới. Để trở thành thành viên, có khó không thưa anh, họ lựa chọn anh vì tiêu chí gì? Hiện nay, anh là thành viên ban biên tập của bao nhiêu tạp chí ISI?

Thanh Tùng: “Để trở thành thành viên ban biên tập của các tạp chí ISI uy tín trên thế giới thực sự không dễ dàng. Bởi thành viên ban biên tập các tạp chí này có quyền quyết định chấp nhận đăng hoặc từ chối các bản thảo khoa học gửi về từ khắp nơi trên thế giới. Do đó, nhà khoa học phải có uy tín, được công nhận, đánh giá qua các công trình khoa học mới được chọn.

Hiện nay, tôi là thành viên ban biên tập của 6 tạp chí khoa học ISI.

Công việc của một thành viên Ban Biên tập Tạp chí thuộc danh mục ISI như thế nào, có bận rộn không anh?

Thanh Tùng: “Công việc của một thành viên Ban Biên tập Tạp chí ISI là nhận các bản thảo khoa học từ khắp nơi trên thế giới về lĩnh vực của mình. Sau đó, tôi sẽ phải đánh giá sơ bộ chất lượng của bản thảo đó. Nếu đạt tiêu chí cơ bản, tôi sẽ gửi phản biện độc lập lấy ý kiến trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Mỗi tháng tôi có nhiệm vụ thẩm định khoảng 10 bản thảo/tạp chí. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định, các bản thảo này sẽ được tôi gửi đến cho 2 - 4 nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực đó phản biện độc lập. Do đó, công việc không quá bận rộn nhưng đòi hỏi một sự tập trung cao độ mỗi khi xử lý.

Tiến sĩ trẻ nghiên cứu phát minh thuốc điều trị HIV mới ảnh 3

 

Những phát minh, sáng kiến của anh về điều trị HIV có thể thực hiện được ở tại Việt Nam không? Anh có thể chia sẻ khó khăn khi trong quá trình nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới?

Thanh Tùng: “Những phát minh, sáng kiến của tôi về các chất hóa dược vẫn có thể được tiến hành tại Việt Nam, song công việc thử nghiệm sinh học thì chưa thể, hiện tôi vẫn phải thực hiện ở châu Âu.

Có thể nói, ở Việt Nam chưa đủ các điều kiện để tiến hành nghiên cứu sâu hơn.

Khó khăn nhất trong quá trình phát triển sâu hơn thuốc điều trị HIV mới là việc thử nghiệm phải phụ thuộc vào cơ sở vật chất, trang thiết bị của nước ngoài.

Đến nay, có sản phẩm thuốc “Make in VietNam” nào theo hướng nghiên cứu của anh sắp sửa hoàn thành? Anh có thể chia sẻ về dự định trong tương lai gần?

Thanh Tùng: “Hiện nay, nhóm nghiên cứu của tôi đang phát triển tổng hợp các peptit kháng khuẩn tự nhiên dùng ngoài da để điều trị nhiễm khuẩn, làm liền sẹo. Đây là nhóm sản phẩm về dược mỹ phẩm. Sản phẩm này đang trong quá trình thử nghiệm để trở thành sản phẩm thuốc dùng ngoài da thay thế kháng sinh.

Trong tương lai gần, tôi mong muốn mở rộng nhóm nghiên cứu để trở thành một nhóm nghiên cứu mạnh, tiên phong trong lĩnh vực tổng hợp thuốc tại Việt Nam.”

Trương Thanh Tùng (sinh năm 1989) là một tiến sĩ trẻ được đề cử vào giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 lĩnh vực Nghiên cứu khoa học với nhiều thành tích xuất sắc như: phát minh thuốc điều trị HIV mới, thực hiện các công trình phát triển chất thay thế kháng sinh mới hứa hẹn cho ra đời những sản phẩm thuốc “Make in Vietnam”. Tùng đã vinh dự nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021; Nhà giáo trẻ Tiêu biểu Thủ đô Hà Nội năm 2022; Quả cầu Vàng Khoa học công nghệ năm 2021. Đồng thời Tùng cũng trở thành thành viên chính thức Hội danh dự nghiên cứu khoa học Sigma Xi.

 

Theo TPO