Thầy giáo của những “Lớp học làm người có ích”

09:14 30/09/2019     1414

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Làm thế nào để giáo dục thành công kỹ năng sống cho học sinh? Đây là điều thầy Nguyễn Thanh Khiết, Trường THPT Chu Văn An (Phú Tân) từng băn khoăn và tìm mọi cách để khắc phục tình trạng học sinh có nhiều biểu hiện sai lệch về hành vi, đạo đức, thiếu kỹ năng sống.

Thầy Khiết (thứ 4 từ trái sang) luôn là người bạn được học trò yêu mến.


Thầy Khiết đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi, tìm hiểu nhiều mô hình giáo dục kỹ năng sống và áp dụng thành công cho học sinh với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo hữu ích thông qua “Lớp học làm người có ích” duy trì từ năm học 2012- 2013 đến nay.

Tốt nghiệp Cử nhân Ngữ văn và công tác tại Trường THPT Chu Văn An từ năm 2005, ngoài sự đánh giá cao của nhà trường về chuyên môn nghiệp vụ, sự năng nổ trong phong trào, thầy Khiết còn được rất nhiều học sinh trên địa bàn huyện yên mến, xem là “Người bạn lớn” đặc biệt. Năm 2010, lần đầu tiên Huyện đoàn Phú Tân tổ chức “Lớp học làm người có ích” với các chuyên gia, diễn giả lĩnh vực giáo dục và lãnh đạo Tỉnh đoàn về báo cáo. Thấy lớp học này khá hay, thầy Khiết dựa theo chương trình để tổ chức tương tự tại trường. Thầy Khiết quyết tâm thực hiện điều này bởi nhận ra giờ học trên lớp mang tính lý thuyết, thiếu rèn luyện kỹ năng, thiếu sân chơi trải nghiệm sáng tạo dẫn đến vốn kỹ năng của học sinh còn kém.

Trong khi tình hình xã hội diễn biến phức tạp, nhiều tệ nạn xã hội có thể xâm nhập vào trường học và tác động tiêu cực của công nghệ, trang mạng xã hội tới quá trình phát triển toàn diện của học sinh. “Lớp làm người có ích” đầu tiên diễn ra năm học 2012-2013. Ngay năm sau, lớp học của thầy được nhân rộng, vừa duy trì trong trường, vừa kết hợp Huyện đoàn tổ chức bình quân 3 lớp cho học sinh THCS trong Chiến dịch hè và Sinh hoạt hè hàng năm. Huyện đoàn thành lập Câu lạc bộ học làm người có ích do thầy Khiết làm chủ nhiệm. Những chuyển biến ban đầu thầy ghi nhận là sự thay đổi rất lớn ở các em học sinh. Các em tích cực, nhiệt tình, xông xáo hơn trong học tập cũng như trong việc tham gia các hoạt động phong trào. Đến nay, chưa có học sinh vi phạm quy chế nhà trường đến mức độ nghiêm trọng hay vi phạm pháp luật.

Thầy Nguyễn Thanh Khiết chia sẻ: “Bác Hồ đã từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Là một giáo viên đứng lớp, đặc biệt những năm tháng làm trợ lý thanh niên, tôi đã từng tìm nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Giải pháp hữu hiệu và đạt kết quả là tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo bằng nhiều mô hình, hoạt động phong trào hướng đến hình thành kỹ năng sống cho học sinh. Từ sáng kiến của mình, tôi hy vọng giáo viên sẽ thấy được tầm quan trọng của việc hình thành kỹ năng sống cho học sinh, góp phần giảm thiểu những thất bại trong học tập, cũng như trong cuộc sống”. Mỗi lớp học diễn ra được thầy Khiết xác định mục tiêu theo đối tượng học sinh, dự kiến trước kết quả và thiết kế chi tiết các hoạt động. Không có một giáo án nào dành riêng cho việc dạy kỹ năng sống. Nội dung truyền dạy chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm, cái tâm của giáo viên dành cho học trò để nghiên cứu, quan sát từng em để lựa chọn phương pháp phù hợp. Các em được chia nhóm, mỗi hoạt động riêng được thầy giao nhiệm vụ và thời gian hoàn thành, hoạt động gồm: vui chơi, xử lý tình huống, giải quyết nhiệm vụ và thầy sẽ kết luận lại cuối cùng. Từng lớp học đều có xếp hạng và trao giải thưởng cho tập thể xuất sắc và cá nhân xuất sắc. Qua hoạt động thực tế, các em hình thành cơ bản một số kỹ năng như: làm việc nhóm, kỹ năng tập trung, kỹ năng sử dụng thời gian hiệu quả, kỹ năng khai thác các trang mạng hiệu quả…. Bên cạnh đó, các em sẽ có suy nghĩ, hình thành những nhận thức, quan điểm đúng đắn như: kỹ năng tư duy tích cực, kiềm chế cảm xúc, bồi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ về tình bạn, tình thầy trò, tình cảm với những người thân trong gia đình, tình người…

Với sáng kiến của mình, thầy Khiết cho biết có thể vận dụng ở bất kỳ trường học nào. Tuy nhiên, trang bị kỹ năng sống cho học sinh không phải chuyện đơn giản, không thể ngày một ngày hai là thành công, mà phải thực hiện xuyên suốt, luôn cập nhật và đổi mới hình thức tổ chức để lôi cuốn các em vào các hoạt động. Mỗi giáo viên có một sự kiên trì áp dụng các biện pháp dạy học tích cực, cùng với tấm lòng thương yêu học sinh, có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra, chính là nhân cách của học sinh. Những điều thầy Khiết đang thực hiện cũng không phải là “Giáo án” duy nhất, thầy vẫn mong có nhiều sáng kiến về công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được chia sẻ để giúp giáo viên - những kỹ sư tâm hồn - đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình kiến tạo những công trình tâm hồn, hình thành nên những thế hệ học sinh có đầy đủ cả tài lẫn đức như Bác Hồ hằng dạy bảo.

 

Thanh Tiền, TĐ An Giang-BA