Tấm gương chiến sĩ trẻ hi sinh vì sự bình yên của nhân dân

13:52 13/08/2020     10032

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh vì sự bình yên của nhân dân. Sự ra đi của các anh đã để lại mạch nguồn cảm xúc vô tận, khơi dậy lý tưởng sống cao đẹp trong lòng thế hệ mai sau.

Trong số những cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân ngã xuống trong cuộc đấu tranh với tội phạm, mới đây tại Long An có Thượng úy Tống Duy Tân, ngụ xã Tân Trạch, huyện Cần Đước. Anh hy sinh ở tuổi 30, khép lại bao hoài bão, ước mơ còn dang dở, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới tròn 6 tháng tuổi.

 

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định trao Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Tống Duy Tân

 

Để lại con thơ, vợ trẻ

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân, năm 2017, anh Tống Duy Tân được phân công về công tác ở Công an huyện Đức Huệ. Về làm nhiệm vụ ở địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn nhưng anh hòa nhập rất nhanh, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở đây, anh cùng đồng đội bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội, nổi lên là vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Sau thời gian công tác, nhận thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ mới sinh con nhỏ lại làm công nhân ở xa, tận Khu công nghiệp Tân Hương, tỉnh Tiền Giang nên Công an huyện Đức Huệ báo cáo Công an tỉnh tạo điều kiện cho Tân về công tác tại Công an huyện Cần Đước để được gần nhà. Sự tạo điều kiện của cấp trên giúp anh an tâm công tác và phần nào đỡ đần cho gia đình nhiều hơn.

Thế nhưng, cuộc đời khó có thể ngờ được, về đơn vị mới nửa năm, anh đã hy sinh trong một lần truy đuổi tội phạm. Đó là vào lúc 2 giờ sáng ngày 14/11/2019, Trung úy Tống Duy Tân cùng đồng đội tuần tra, kiểm soát trên địa bàn phát hiện 3 đối tượng trộm xe máy nên ập vào bắt giữ. Bị bao vây, các đối tượng trộm chống trả quyết liệt, bỏ chạy thoát thân bằng xe máy. Đại tá Thái Hữu Đức - Trưởng Công an huyện Cần Đước, cho biết: “Trong lúc truy đuổi, Trung úy Tân bị các đối tượng ném bột ớt vào mặt và bị té ngã chấn thương nặng. Dù được đồng đội đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng anh vẫn không qua khỏi”.

Trong những ngày diễn ra tang lễ, các ban, ngành chức năng, chính quyền và đông đảo đồng đội, hàng xóm đến viếng, chia buồn, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn người sĩ quan trẻ. Những người đến viếng không cầm được nước mắt khi nhìn thấy bé gái mới tròn 6 tháng tuổi chưa biết đi đã phải mất cha, người vợ trẻ mới 28 tuổi góa chồng.

“Tân là người hiền lành, sống hòa đồng với đồng đội, xông xáo trong công tác nên được mọi người tin yêu, quý mến. Em có khuôn mặt hiền, tính tình vui vẻ, gặp ai cũng cười” - Thượng tá Trần Bình Trọng - Trưởng Công an huyện Đức Huệ, thủ trưởng cũ của Tân, nhớ lại.

Trước sự hy sinh của anh, sau tang lễ, Công an tỉnh kiến nghị cấp trên, ngành chức năng xem xét, giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định; đồng thời, Công an tỉnh phát động trong toàn lực lượng đóng góp hỗ trợ, giúp đỡ gia đình anh. Với sự hy sinh anh dũng trong đấu tranh với tội phạm, anh Tân đã được Bộ Công an xét phong thăng cấp hàm vượt cấp từ Trung úy lên Thượng úy. Ngày 17/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Thượng úy Tống Duy Tân là liệt sĩ.

 

Anh Tân hy sinh, để lại vợ trẻ, con thơ mới 6 tháng tuổi

 

Chẳng dám tin “anh đi mãi mãi rồi”

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chúng tôi trở lại thăm gia đình liệt sĩ Tống Duy Tân. Cha, mẹ anh vẫn thẫn thờ, nghẹn ngào rơi nước mắt khi nhìn di ảnh con trai. Kể từ khi con trai “ra đi”, ông bà cũng bệnh nhiều hơn, những cơn cao huyết áp càng nhiều hơn nên phải tạm nghỉ việc phụ hồ, ở nhà dưỡng bệnh. Đứa con gái của anh bây giờ đã được 14 tháng tuổi, lững chững bước đi và nói bập bẹ. Chị Nguyễn Ngọc Hương - vợ anh Tân, trên khuôn mặt vẫn thể hiện rõ sự buồn rầu, mệt mỏi. Chúng tôi hiểu rằng, nỗi đau mất chồng vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Hôm chúng tôi đến cũng là lúc chị mới đi nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi công của chồng về. Buổi lễ này được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam, có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân. Nhìn vào bức ảnh chụp đăng tải trên nhiều tờ báo, có lẽ hôm đó, chị là người trẻ tuổi nhất lên nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi công của chồng mình. “Hôm nhận bằng, trong tôi dâng trào nhiều cảm xúc. Vừa nhớ anh, thương anh nhưng cũng mừng vì sự hy sinh của anh đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Nhiều cô chú lãnh đạo biết được trường hợp hy sinh của chồng tôi và hoàn cảnh gia đình nên đến gặp gỡ, hỏi thăm, động viên tôi cố gắng” - chị Ngọc Hương kể.

Thời gian qua, Công an huyện, tỉnh và chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ gia đình cả vật chất lẫn tinh thần. Riêng bản thân chị Hương đã được Công an huyện đứng ra xin chuyển về làm việc tại văn phòng Khu công nghiệp Cầu Tràm ở gần nhà để tiện chăm sóc con nhỏ. Vừa kể, những giọt nước mắt của người vợ trẻ cứ tuôn trào trên hai gò má. Đứa con thơ dại bước đi lững chững, nhìn chằm chằm vào di ảnh trên bàn thờ cứ bập bẹ gọi “ba, ba,…”, càng làm chị nức nở hơn.

Chị Hương kể rất nhiều câu chuyện về người chồng liệt sĩ với sự trân trọng, tự hào, yêu quý. Anh và chị quen nhau hồi còn học chung trường cấp 3. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Tân đã yêu thích màu áo công an. Ước mơ được đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân cứ lớn dần theo thời gian.

Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2010, anh lên đường đi nghĩa vụ trong ngành công an. Với mong muốn được phục vụ lâu dài trong lực lượng nên anh làm hồ sơ thi tuyển vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân. Ước mơ ngày nào trở thành hiện thực khi anh trúng tuyển. Khi đó, ai cũng vui mừng cho anh. “Anh vẫn thường nói với tôi, hạnh phúc và niềm tự hào, vinh dự của người chiến sĩ công an là được bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân” - chị Hương kể.

Sau nhiều năm yêu nhau, năm 2017, anh chị tổ chức đám cưới. Anh là người rất chu đáo, quan tâm, lo lắng, chăm lo gia đình từng chút một. Chị Hương tâm sự, đêm trước lúc hy sinh, anh có về nhà ăn cơm vội với gia đình và tranh thủ thời gian chơi đùa với con rồi mới đi làm. Khi đi, anh còn dặn chị ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe. Anh còn nhắc chị, đi làm phải cẩn thận xe cộ. “Anh vẫn thường hay nói, suốt đời sẽ bảo vệ, che chở, chăm sóc cho vợ, con. Vậy mà, nay anh đã ra đi mãi mãi! Đến bây giờ, hình ảnh, những lời nói, nụ cười hiền từ, sự quan tâm của anh vẫn còn hiển hiện, vang vọng” - người vợ trẻ nghẹn ngào.

“Thời gian cứ trôi qua nhưng dường như tôi vẫn chưa dám tin vào sự thật là anh đã ra đi mãi mãi rồi!” - nhìn bức ảnh cưới của vợ chồng treo trang trọng trên tường, chị Hương lại mếu máo, giọng lạc đi. Ngoài trời, cơn mưa trút xuống càng lúc càng thêm nặng hạt.

 

"Sự hy sinh của anh Tân là mất mát lớn, để lại những nỗi đau, khoảng trống mênh mông cho người ở lại. Nhưng chúng tôi chắc chắn một điều rằng, vợ anh, cha mẹ anh, đồng đội anh, nhất là con anh - bé Tống Nguyễn An Nhiên sau này lớn lên sẽ luôn tự hào về người chiến sĩ công an dũng cảm, đã ngã xuống vì sự bình yên cuộc sống. Anh vẫn sống mãi trong lòng nhân dân"./.

 

 

Lê Đức