Ở lại bên con đường lịch sử
08:56 14/04/2014 2432
Nhịp sống trẻ Gần 10 năm trước, hàng ngàn thanh niên khắp mọi miền đất nước đã xung phong tình nguyện tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Anh Nguyễn Văn Tư làm đường Hồ Chí Minh rồi ở lại lập gia đình với cô gái Cơ Tu và sinh ra những đứa con xinh xắn - Ảnh: Đoàn Cường |
Sứ mệnh với con đường lịch sử đã xong, nhiều thanh niên tình nguyện đã quyết ở lại bên con đường lịch sử này để sinh cơ lập nghiệp, rồi những mái nhà mọc lên, những đôi vợ chồng mới và những đứa trẻ ra đời.
Nên duyên
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Bhalee (huyện Tây Giang, Quảng Nam) có một thôn nhỏ với dăm mái nhà gỗ nằm ven con đường lịch sử. Ở đó có một căn nhà cấp 4 mới xây dựng còn chưa kịp tô trát. Đó là ngôi nhà của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Tư quê ở Lương Sơn, Hòa Bình.
Trong ngôi nhà nhỏ, anh Tư và vợ Alăng Thị Đối đang vui đùa với con trai vừa tròn 3 tháng tuổi. Anh Tư nhìn ra con đường nhựa phẳng lì trước mặt chia sẻ: “Mình có mặt ở đây từ lúc con đường còn nham nhở công trường cho đến khi đã thành đường đi, xe chạy bon bon qua đây. Giờ lại xây nhà và sống ngay bên đường. Cũng vui lắm chứ, dù gì cũng có một phần mồ hôi công sức của mình đổ xuống đó”.
Năm 2002, Tư lúc này là một đoàn viên thanh niên dân tộc Mường ở Hòa Bình, khi nghe Đoàn cấp trên kêu gọi đã đăng ký tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh, thế là xung phong lên đường vào Trường Sơn, tham gia làm đoạn qua A Sờ (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). “Ngày đầu tới còn lạ nước lạ cái nhưng nhìn không khí lao động sôi nổi của anh em mình cũng hòa nhập nhanh. Công việc của mình là đi đổ bêtông nên khá vất vả. Thời tiết ở Trường Sơn ai cũng biết rồi, khi nắng khi mưa. Rồi những trận sốt rét rừng cắn răng bặm môi vì nóng vì lạnh. Có khi anh em phải ôm ghì lấy nhau cho qua cơn” - Tư nhớ lại.
Tư cùng đơn vị của mình thi công một tuyến đường dài hàng chục kilômet kéo dài từ A Lưới vào đến Tây Giang (Quảng Nam). Năm 2004, công việc kết thúc, Tư ở lại thêm một năm để làm nhiệm vụ bảo trì đường. Nhiều đồng đội trước lúc rút về còn kịp dựng cho Tư và một người bạn một lán trại bên con đường. “Trước đây vất vả nhưng có đồng đội, giờ chỉ còn lại hai người nên buồn khủng khiếp. Điện không có, người thân cũng không” - giọng Tư trầm xuống...
Nhưng rồi duyên số đã đưa chàng trai người Mường kết duyên cùng cô gái Cơ Tu. Những buổi Alăng Thị Đối đi rẫy về qua lán của Tư thấy chàng trai hiền lành rồi gật đầu chào nhau. Những lần khác, hái được quả chuối rừng, Đối cũng bỏ trong gùi dành cho Tư. Còn Tư, tranh thủ những khi đi tuần đường, lại vào các bản để học tiếng Cơ Tu. Hai người mến nhau, yêu nhau từ độ đó.
Khi cha mẹ Thị Đối biết con gái yêu “người ngoài” thì phản đối dữ lắm. “Yêu người Cơ Tu còn biết tốt xấu trong bụng. Yêu người ngoài biết trong đục ra răng?” - cha Đối thốt lên. Tư biết và càng thường xuyên đến thăm gia đình Đối hơn. Anh còn lên rừng, lên rẫy như người Cơ Tu thực thụ. Anh nói: “Ban đầu con đã xung phong vào đây tình nguyện lăn lộn làm đường chỉ nghĩ tuổi trẻ thì mình phải cống hiến. Nay con đã trót yêu mảnh đất này rồi xin bác cho con lấy Đối làm vợ, sinh cơ lập nghiệp tại đây luôn”. Thấy Tư thật lòng, cha mẹ Đối mới gật đầu.
Cũng trên cung đường này còn nhiều chuyện tình khác đã được viết nên như cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Thành và chị Alăng Thị Bơ (xã Lăng), anh Nguyễn Văn Bằng (xã Ga Ry) với một người con gái của núi rừng...
Thắp sáng bản làng
Tư lấy vợ người Cơ Tu đã là một điều lạ lẫm đối với đồng bào. Nhưng điều khiến người dân nơi đây ngỡ ngàng hơn là Tư đã tự làm... ra điện từ con suối Brhùa để thắp sáng, mở đài, tivi sử dụng. Hơn 40 hộ dân của thôn Atép vẫn chìm trong ánh đèn dầu thì Tư đã có đèn điện.
Rồi Tư đến từng nhà hướng dẫn cách lắp đặt tuốcbin điện. Ban đầu là nhà Alăng Lăm rồi Tà Lơn Lương, rồi Alăng Nhơ... Từ đó mà cả thôn nhà ai cũng có điện sáng trưng trước khi điện lưới về. Ông Alăng Nhơ vui vẻ nói: “Nhà mình ở bên suối cả đời mà có biết nó làm ra điện mô. Nhờ chú Tư nên chừ nhà mình có điện, có cái tivi để xem”.
Tư còn là điển hình kinh tế khi mạnh dạn đi đầu trong việc đầu tư trồng cây keo lai. Anh nghĩ nếu chỉ dựa vào nương rẫy thì chắc chắn cuộc sống vẫn còn cực khổ, phải bươn ra mà trồng keo mới có thêm thu nhập. Tư chia sẻ: “Đất khách quê người, vượt ngàn cây số vào đây và có vợ con, lại được sống bên con đường lịch sử mà thế hệ thanh niên như mình đã tự nguyện xây dựng nên cũng là cái duyên”.
Yêu nhau nhờ con đường Cách nhà Tư không xa cũng có một mối tình như vậy. Anh Bùi Văn Liêm (quê Kim Bôi, Hòa Bình) nên duyên vợ chồng cùng chị Arất Thị Căn. Gia đình họ giờ cũng ở bên con đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Prao (huyện Đông Giang, Quảng Nam). Giờ đây anh Liêm và chị Căn đã có năm con.
“Tôi gặp và yêu bà nhà tôi cũng chính nhờ khi làm con đường Hồ Chí Minh này đây” - anh Liêm chia sẻ. Lấy nhau xong, anh Liêm tiếp tục công việc làm thợ hồ như ngày xưa, còn chị Căn vẫn ngày ngày lên rẫy. “Chừ nhìn con đường Hồ Chí Minh rộng thênh thang, xe cộ tấp nập nối miền ngược với miền xuôi mà vui lắm”. |