Nữ tiến sĩ trẻ nghiên cứu vật liệu mới giúp điều trị ung thư

08:54 04/03/2023     2124

Nhịp sống trẻ   Tiến sĩ Lê Thị Phương (SN 1988) được biết đến với hướng nghiên cứu chính là phát triển các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với các phương pháp truyền thống.

 

Nữ tiến sĩ trẻ nghiên cứu vật liệu mới giúp điều trị ung thư ảnh 1

Cơ duyên nào đưa chị đến con đường nghiên cứu khoa học và đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ như vậy?

Lê Thị Phương: Khi vào cấp 2, cấp 3 khả năng học các môn tự nhiên như Hóa, Lý, Sinh của Phương bộc lộ rõ hơn. Được sự động viên của các thầy cô cũng như mong muốn của bản thân nên Phương đã quyết định học theo ngành tự nhiên từ thời điểm đó. Cột mốc quan trọng nhất có lẽ là khi Phương thi vào khoa Hóa của trường Đại học Bách Khoa TPHCM. Đó cũng là nền tảng cơ bản cho những nghiên cứu sau này của mình.

Cơ quan đầu tiên minh lựa chọn đầu tiên sau khi tốt nghiệp là Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN. Đây là một cơ quan tiên phong của đất nước về lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Hai năm làm việc tại Viện cùng với sự nỗ lực cố gắng của bản thân cũng như sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô trong viện thì phương cũng tích lũy được nhiều vốn kiến thức cũng như là kinh nghiệm nghiên cứu. Và may mắn hơn hết là Phương nhận được cơ hội sang Hàn Quốc du học về lĩnh vực vật liệu vi sinh. Hàn Quốc là nước có nền khoa học công nghệ phát triển và cơ sở vật chất khá tốt, cùng với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của bản thân và sự hỗ trợ của giáo sư và các bạn đồng nghiệp Phương cũng đã có được chút thành quả như ngày hôm nay.

Các nghiên cứu của chị đa phần cung cấp những kiến thức mới, vật liệu mới giúp tăng cường hiệu quả trong điều trị bệnh ung thư. Vậy chị có thể nói rõ hơn về những giá trị thực tiễn mà những công trình nghiên cứu của chị đã thực hiện trong việc điều trị bệnh ung thư – một trong những căn bệnh gây tử vong cao trên thế giới?

Lê Thị Phương: Như chúng ta đã biết, ung thư là một trong những căn bệnh rất là nguy hiểm, cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Đa số các bệnh nhân khi đã mắc phải bệnh ung thư phải chịu rất nhiều đau đớn về mặt thể chất và nhiều áp lực về kinh tế bởi việc chữa trị ung thư có thể kéo dài vài năm thậm chí cả chục năm. Với việc phát triển không ngừng của nền y học hiện đại ngày nay thì có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư như: hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hay sử dụng các liệu pháp hóc môn hay miễn dịch. Trong số các biện pháp này hầu hết các bệnh nhân chọn phương pháp hóa trị, tức là sử dụng các loại thuốc chống ung thư, bởi vì so với các biện pháp khác thì biện pháp này khá là hiệu quả và đơn giản và đỡ tốn kém hơn các biện pháp còn lại. Tuy nhiên thuốc điều trị ung thư đều có tính gây độc cho tế bào, nên là ngoài việc tiêu diệt các tế bào ung thư nó cũng gây nên rất là nhiều tác dụng phụ cho các tế bào xung quanh, và đa số các thuốc điều trị ung thư kỵ nước, nên khi đưa vào cơ thể thì nó dễ bị ẩm hoạt tính khá nhiều. Chính vì thế các nghiên cứu của Phương tập trung vào việc khắc phục những khuyết điểm này bằng cách phát triển các hệ dẫn truyền thuốc thông minh. Các chất dẫn truyền thuốc thông minh này có khả năng mang và nhả các loại thuốc chống ung thư; cải thiện độ chọn lọc so với tế bào ung thư và độ hòa tan của thuốc.

Đặc điểm chính của các hệ dẫn truyền thuốc của Phương có kích thước nano nên có thể dễ dàng xâm nhập vào các vị trí sâu bên trong của khối u nhờ vào hiệu ứng IPA (hiệu ứng thẩm thấu và lưu giữ tăng cường). Trong quá trình điều chế các hệ dẫn truyền thuốc này Phương cũng gắn thêm các tác nhân hướng đích. Những tác nhân này có khả năng đặc hiệu với các tế bào ung thư và không ảnh hưởng đến các tế bào lành. Trong suốt thời gian lưu thông trong máu, hệ dẫn truyền thuốc này đã đưa thuốc chống ung thư đến thẳng khối u và khi đã tiếp xúc được đến các tế bào ung thư thì hệ dẫn truyền thuốc có khả năng kiểm soát, nhả thuốc ngay tại vị trí của tế bào ung thư.

Dựa vào các đặc tính đặc biệt của môi trường ung thư, so với các phương pháp sử dụng thuốc hóa trị bình thường, phương pháp của Phương sẽ giảm được các tác dụng phụ của thuốc, giảm được liều lượng cũng như tần suất sử dụng thuốc. Từ đó giảm được nhiều đau đớn cũng như chi phí kinh tế cho các bệnh nhân sử dụng phương pháp hóa trị.

Là một phụ nữ khi dấn thân vào con đường nghiên cứu có phải hy sinh điều gì không? Chị có thể chia sẻ những khó khăn mà chị đã trải qua để gặt hái được những thành tựu như ngày hôm nay?

Lê Thị Phương: Để dành trọn niềm đam mê và tập trung vào nghiên cứu khoa học, bất cứ ai cũng phải đánh đổi rất nhiều thứ như: thời gian, tiền bạc, công sức, thậm chí là sức khỏe và cả tuổi thanh xuân để theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Đặc biệt trong mỗi người chúng ta phải có lòng quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại, kiên định vào lựa chọn của bản thân mình. Phương sống khá thiên về mặt tình cảm nên nỗi buồn lớn nhất trên con đường nghiên cứu khoa học đó là phải xa gia đình một thời gian khá dài, tầm 10 năm để sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Đó cũng là điều khó khăn nhất trên con đường nghiên cứu của mình.

Nghiên cứu nhiều về các phương pháp điều trị ung thư chị có nhắn nhủ gì đến lối sống của những người trẻ để không dẫn đến căn bệnh này?

Lê Thị Phương: Ung thư không phải là một bệnh riêng lẻ mà có rất nhiều bệnh liên quan. Có rất nhiều yếu tố liên quan trong đó có thể là gen hay lối sống và môi trường xung quanh. Mặc dù không thể đảm bảo là hoàn toàn không mắc bệnh nhưng chúng ta có thể phòng ngừa và nâng cao chất lượng cuộc sống để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Phương sẽ liệt kê một số hành động thiết thực mà giới trẻ ai cũng có thể làm được đó là: giữ gìn lối sống lành mạnh, không hút thuốc và uống rượu bia; ăn các thức ăn lành mạnh, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn; trong bữa ăn hàng ngày bổ sung nhiều rau quả; chăm tập thể dục thể thao và đặc biệt là nên khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm sàng lọc ung thư sớm. Bên cạnh đó có thể tiêm các vắc xin dẫn đến các bệnh ung thư như vắc xin viêm gan B, vắc xin phòng HpV.

Vấn đề hiện nay Phương thấy giới trẻ ít quan tâm nhất đó là lắng nghe, chăm sóc sức khỏe tinh thần, giúp cho bản thân luôn cảm thấy vững vàng, tự tin hơn trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nếu trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022 thì anh, chị có dự định gì để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng?

Lê Thị Phương: Nếu vinh dự trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022 thì là niềm hạnh phúc của riêng bản thân Phương, của Viện, của gia đình cũng như của các học trò của mình. Cho dù không được vào top 10, Phương cũng đã cảm thấy vui và tự hào vì những công trình nghiên cứu của mình đã được mọi người biết đến và ghi nhận. Dù kết quả thế nào Phương sẽ tiếp tục thực hiện những đề tài của mình và tiếp tục là lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học đến sinh viên của các trường đại học. Bản thân Phương thấy nhiều thanh niên trẻ Việt Nam ngày càng năng động hơn, chủ động hơn nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Chị Lê Thị Phương, nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN được đề cử là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Chị Phương sở hữu 2 bằng sáng chế quốc tế đăng ký tại Mỹ, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn và 3 bằng sáng chế đăng ký tại Hàn Quốc. Chị có tất cả 28 bài báo đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 21 bài báo thuộc danh mục Q1 (9 bài tác giả chính)… Những nghiên cứu của chị Phương đa phần đều hướng đến việc góp phần cung cấp những kiến thức mới, vật liệu mới giúp tăng cường hiệu quả điều trị bệnh ung thư, một trong những căn bệnh gây tử vong cao hiện nay trên thế giới.

 

Theo TPO