'Nữ sinh công nghệ' vươn lên từ bản làng

22:06 14/11/2024     213

Nhịp sống trẻ   Đam mê sinh học từ sớm, nữ sinh Lê Thị Phương (đến từ Đắk Nông) vượt hơn 1 nghìn km từ bản làng ra phố để theo đuổi ước mơ với ngành Sư phạm Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nữ sinh Lê Thị Phương từng đạt thành tích xuất sắc trong 2 năm liên tiếp về Olympic Sinh học sinh viên Việt Nam và là đồng tác giả báo cáo khoa học tại Hội thảo khoa học quốc tế. Vừa qua, Phương là một trong 20 nữ sinh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam.

 

Vươn lên từ bản làng

Sinh ra và lớn lên ở núi rừng Tây Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), khác với nhiều bạn bè đồng trang lứa đã nghỉ học sau khi hết lớp 9, Phương lựa chọn xa nhà để tiếp tục theo đuổi con đường học tập.

Với niềm đam mê sinh học từ nhỏ, Phương quyết tâm thi vào lớp chuyên Sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, ngôi trường cách nhà 60km.

Ở tuổi 15, sống xa nhà với Phương là giai đoạn khó khăn. Nhớ nhà, thỉnh thoảng cô đều cố gắng tranh thủ về thăm gia đình vào thời gian ít ỏi của ngày chủ nhật nhưng số lần gặp được đầy đủ các thành viên rất ít vì bố đi làm xa, mẹ bận bịu công việc.

“Khi chuyển lên cấp 3, mình hoàn toàn phải sống tự túc một mình. Khi chưa quen với việc sống xa người thân, nhiều lúc mình thấy rất buồn và cô đơn. Nhưng đi lại nhiều tốn tiền xe cộ quá, mình phải tập quen dần”, Phương bộc bạch.

 

Nữ sinh Lê Thị Phương đến từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Suốt 3 năm cấp 3, Phương không có điều kiện đi học thêm như các bạn trong lớp nên phải tự mày mò kiến thức. Ngoài giờ nghe giảng trên lớp, nữ sinh thường mượn vở của các bạn đi học thêm và nhờ giảng lại bài để tham khảo những dạng bài mới không có trong sách giáo khoa.

Khác với các bạn, Phương không học thuộc các kiến thức trong sách mà luôn tìm cách để hiểu bản chất. Với mỗi bài học, Phương sẽ đặt ra các câu hỏi “tại sao” và liên hệ vào cuộc sống để nhớ lâu hơn.

Giai đoạn mới gia nhập “đường đua” thi học sinh giỏi quốc gia, Phương gặp không ít áp lực vì cảm thấy bản thân chưa giỏi. Có khoảng thời gian mắc sốt xuất huyết phải nghỉ học một tuần, Phương lo lắng bị hụt kiến thức so với các bạn nên khi vừa đỡ bệnh, cô bạn đã “điên cuồng” học tập để bù đắp kiến thức.

Cũng có lần mẹ Phương lâm bệnh nhập viện nhưng không có người chăm sóc, một mình cô gái nhỏ mỗi ngày phải chạy xe 60km đề về chăm sóc mẹ. Buổi sáng Phương học đến 11 giờ, học xong chạy xe từ trường về thẳng bệnh viện huyện để chăm mẹ.

“Bố đi làm xa, em trai còn nhỏ nên không ai chăm mẹ, mình về ở với mẹ đến 5h sáng hôm sau, rồi lại chạy xe lên trường học. Sau đợt đó mình cũng mất khoảng một tuần để “cày” lại kiến thức. Mỗi lần nhớ lại mình đều muốn khóc”, Phương kể.

Dù gặp không ít khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực học tập không ngừng nghỉ, từ năm lớp 11 trở đi Phương đều được trường lựa chọn đi thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học và đạt kết quả xuất sắc.

"Tấm vé" thực hiện ước mơ

Tốt nghiệp cấp 3, nhờ thành tích học tập xuất sắc Phương được xét tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Sinh học hệ chất lượng cao tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

Lê Thị Phương nhận bằng khen trong kỳ thi Olympic Sinh học sinh viên Việt Nam 2024

Trước ngày nhập học một tháng, Phương một mình tự bắt xe ra sân bay để di chuyển ra Hà Nội, người tiễn cô duy nhất chính là bố. “Lúc ấy mình không kìm nổi nước mắt nên đã khóc rất nhiều. Mình thương bố mẹ nên không nỡ xa, nhưng cũng vì thương nên mình cần cố gắng nhiều hơn”, Phương kể.

Phương nhớ lại, tấm vé máy bay đầu tiên giúp Phương đi “thực hiện ước mơ” là do cô giáo cấp ba và các bạn góp tiền mua cho.

Mong muốn được học hỏi và thích nghi với cuộc sống mới xa quê, đồng thời kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, Phương tích cực nhận thêm các lớp gia sư dạy cho học sinh giỏi. Tuy thu nhập không cao nhưng cũng giúp cô cải thiện được phần nào chi phí sinh hoạt.

Bắt đầu một chặng đường mới, nữ sinh thể hiện sự hoạt bát, năng động từ những năm đầu tiên học đại học. Đầu tiên, cô được bầu làm lớp trưởng lớp hành chính đại học. Sau đó, Phương tích cực tham gia vào CLB Nghiệp vụ sư phạm, khoa Sinh học và đến cuối năm nhất cô được tín nhiệm trở thành Chủ nhiệm câu lạc bộ. Ngoài ra, nữ sinh còn góp mặt trong nhiều hoạt động ngoại khóa do khoa, trường tổ chức.

Về nghiên cứu khoa học, Phương chia sẻ, nền tảng đầu tiên để cô có cơ hội và động lực thực hiện nghiên cứu sau này là được anh chị khóa trên và cô Lê Thị Tươi - giảng viên bộ môn Hóa sinh Di truyền nhận hướng dẫn nghiên cứu. Sau đó, Phương có cơ hội tham gia trình bày poster tại Hội nghị Khoa học Quốc tế Công nghệ Sinh học Châu Á lần thứ 16 và một số nghiên cứu hội thảo cấp khoa.

Năm nhất đại học, Phương là sinh viên duy nhất của khoa tham gia thi Olympic Sinh học sinh viên Việt Nam và mang về giải Ba. Tuy vậy, Phương vẫn cảm thấy thất vọng về kết quả và nghi ngờ năng lực của bản thân. “Lúc ấy, mình khá nản vì nghĩ năng lực mình chỉ đến thế, vì mình yếu kém nên mới chỉ được giải Ba”, Phương nói.

Phương cho biết hiện tại cô đang tham gia thực hiện nghiên cứu về tính kháng khuẩn của những nano kim loại khi kết hợp với chiết xuất thực vật, cụ thể là trái măng cụt. Nghiên cứu nhằm chỉ ra các số liệu giúp các nhà nghiên cứu ứng dụng tạo ra hợp chất diệt khuẩn lành tính, hiệu quả.

Khi nhắc về những dự định trong tương lai Phương cho hay, cô mong muốn được đi du học, sau đó trở về Đắk Nông để cống hiến cho quê hương. Nhắn nhủ tới những bạn trẻ yêu thích Sư phạm Sinh học và đam mê nghiên cứu khoa học, Phương bày tỏ:

“Đam mê là động lực giúp theo đuổi ước mơ nhưng chủ động, kiên trì và sự cố gắng học hỏi mới là con đường hiện thực hóa ước mơ. Cố gắng học hỏi thật nhiều và tin tưởng bản thân thì cuối con đường sẽ là thành công”.

Theo TPO