Nữ Phó Giáo sư trẻ nhất với niềm đam mê được đi tới đích cuối cùng của người làm khoa học
16:12 09/03/2021 803
Nhịp sống trẻ ĐTN: Ở tuổi 34, chị Lê Thị Hương - giảng viên chuyên ngành Thực vật học Viện Sư phạm tự nhiên - Đại học Vinh là 1 trong 2 giảng viên trẻ tuổi nhất nước vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư.
Với chị niềm đam mê là được đi tới cái đích cuối cùng của người làm khoa học, nữ giảng viên Lê Thị Hương cũng là người có “duyên nợ” với nhiều công trình nghiên cứu gắn với các khu sinh quyển xứ Nghệ.
Nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn
P.V: Chào chị, xin chúc mừng chị đã được phong hàm Phó Giáo sư trong năm 2021. Rất nhiều người khâm phục bởi chị nhận được danh hiệu này khi còn rất trẻ và ở ngành Sinh học, một ngành không dễ dàng với phái nữ?
PGS. TS Lê Thị Hương
PGS.TS Lê Thị Hương: Thực sự, đây là một sự bất ngờ và tôi vẫn thấy mình may mắn. Bởi lẽ theo quy định, đến tháng 4 hàng năm là Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã chốt danh sách đăng ký; nhưng năm vừa rồi do dịch Covid-19 nên kéo dài đến ngày 4/5 và tôi có lẽ là người nộp hồ sơ muộn nhất, trước khi hết hạn chỉ gần 1 tiếng đồng hồ.
Sở dĩ có sự chậm trễ như vậy, bởi cũng như suy nghĩ của nhiều người, tôi nghĩ rằng mình còn quá trẻ và thời điểm đăng ký, tôi vẫn còn một đề tài nghiên cứu đang chuẩn bị nghiệm thu để hoàn thành các tiêu chí. Người động viên tôi đăng ký là GS.TS Nguyễn Hữu Bằng - nay là Hiệu trưởng nhà trường.
Bây giờ nhìn lại, quá trình hoàn thiện hồ sơ của tôi khá gấp rút. Chưa kể, quá trình bảo vệ chức danh phó giáo sư từ hội đồng đánh giá cấp trường, ngành Sinh học và Hội đồng Giáo sư Nhà nước tôi cũng gặp khá nhiều trắc trở, bởi đúng vào lúc này tôi bị thoát vị đĩa đệm và phải nằm một chỗ, có khi đi lại phải cần người dìu.
Vì vậy, với kết quả đạt được ngày hôm nay, tôi rất vui, hạnh phúc bởi tất cả những nỗ lực của mình dù khá gấp nhưng đã được ghi nhận. Tuy vậy, tôi cũng cho rằng, việc được phòng hàm Phó Giáo sư chỉ là một chức danh trong quá trình nghiên cứu. Quan trọng là sau khi được phong tặng mình phải làm được cái gì và hướng nghiên cứu của mình có giúp được gì cho xã hội mới là cái đích cuối cùng của một người làm khoa học.
P.V: Chị là một người nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực dường như chỉ dành riêng cho nam giới. Từ khi nào chị gắn bó với công việc này?
PGS.TS Lê Thị Hương: Tốt nghiệp phổ thông, tôi thi vào ngành Sư phạm Sinh học và tôi vẫn nghĩ rằng sau này mình sẽ làm cô giáo. Nhưng từ năm thứ 2, khi tiếp cận môn Thực vật học do Tiến sỹ Phạm Hồng Bang giảng dạy, tôi thấy thế giới thực vật thật đa dạng và có rất nhiều giá trị sử dụng (khác với tất cả những kiến thức tôi đã học và đã được biết từ những ngày phổ thông).
Cơ duyên của tôi đến với lĩnh vực này có thể còn bắt đầu từ một người anh khi đó đang học cao học ở trường. Khi đó, tôi đang học thực hành và được anh hướng dẫn. Dù anh chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng “hỏi cái gì anh cũng biết” và tôi thực sự khâm phục. Dần dần, trong quá trình làm thí nghiệm, tôi thấy thích môn học này và dành nhiều thời gian để tìm hiểu từ các chuyên gia và học kỳ II năm thứ 2, tôi đã xin được cùng người anh tham gia làm đề tài. Tôi cũng không nghĩ rằng, sau nay, người anh ấy là chồng của mình, cùng đồng hành với tôi trong rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học (Tiến sỹ Đỗ Ngọc Đài - hiện đang công tác tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An).
P.V: Rất nhiều công trình nghiên cứu của chị gắn với những cánh rừng ở dải đất miền Trung, đặc biệt là xứ Nghệ. Điều gì cuốn hút chị ở những cánh rừng nguyên sinh?
PGS.TS Lê Thị Hương: Năm ngoái, lúc bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, khi thăm khám và chụp phim cho tôi, bác sỹ nói rằng cột sống của tôi giống như người 50 tuổi chứ không phải 34 tuổi. Đó có lẽ là hậu quả của những chuyến đi rừng. Như chị biết đấy, hai vợ chồng tôi cùng nghề, nhưng sau khi ra trường, chồng tôi dành gần 10 năm để tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học rồi mới xin vào công việc chính thức ở một trường đại học. Quãng thời gian đó, là đồng nghiệp với anh, chúng tôi dường như dành hết mọi thời gian để đi rừng, gắn bó với rừng.
Những năm qua, hầu hết các đề tài nghiên cứu của tôi gắn bó với các khu rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ và nhiều nhất là ở Nghệ An. Tận dụng thời gian cuối tuần, tôi lại lên các huyện miền núi để làm việc. Tôi chọn Nghệ An bởi ở đây có một Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây với Vườn Quốc gia Pù Mát, 2 Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và Pù Huồng. Hơn nữa, vị trí địa lý của Nghệ An cũng rất đặc biệt với một bên giáp Thanh Hóa, một bên giáp Lào và giáp Biển Đông nên tính đa dạng thực vật rất cao. Riêng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, do mới chính thức thành lập từ năm 2013 nên việc nghiên cứu về hệ thực vật chưa nhiều và từ năm 2017, tôi dành thời gian rất nhiều cho vùng đất này.
P.V: Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về những công trình nghiên cứu khoa học của mình? Điều nào khiến chị trăn trở trong quá trình thực hiện đề tài?
PGS.TS Lê Thị Hương: Tất cả những đề tài tôi nghiên cứu không phải đều nằm trong các dự án được hỗ trợ. Rất nhiều đề tài (đặc biệt trong giai đoạn đầu tiên) là chúng tôi tự bỏ tiền để thực hiện. Sau này, khi đã có một số kết quả, tôi nhận ra ở những khu vực này đang có rất nhiều vấn đề cần phải khám phá và tôi mới bắt đầu xin hỗ trợ. Ví dụ, như đề tài về thảm thực vật ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nghiên cứu về thực vật một lá mầm, nghiên cứu về dương xỉ…
Trong quá trình nghiên cứu, tôi cũng thấy rằng, các khu bảo tồn của mình tính đa dạng rất cao, nhưng còn nhiều điều chưa được khám phá. Chẳng hạn ở đây chúng tôi phát hiện được 3 loại trà hoa vàng là trà hoa vàng Nghệ An, trà hoa vàng Pù Khoạt và trà hoa vàng Pù Khạc. 3 loại này đều thuộc trà hoa vàng và như chúng ta đã biết, hiện ở huyện Quế Phong và Tam Đảo, trà hoa vàng giờ là sản vật có giá trị kinh tế rất cao (loại trà hoa vàng cao cấp ở Tam Đảo có thể lên đến hơn 20 triệu đồng/kg sấy khô).
Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác trà hoa vàng chủ yếu mới xuất phát từ người dân nhưng chưa khai thác hệ thống, vẫn đang bị lẫn lộn. Vì thế, khi đánh giá chất lượng, chúng ta chưa phân biệt được từng loại và đó là lý do vì sao giá trị kinh tế của trà hoa vàng Nghệ An chưa cao như các tỉnh khác. Từ thực tế này, trong quá trình nghiên cứu, mong muốn của chúng tôi không chỉ là phát hiện được nhiều loại trà hoa vàng mà còn phải đánh giá được trong các loại trà hoa vàng loại nào là có chất lượng tốt nhất để có thể phát triển thành thương hiệu.
Hiện nay, xu hướng của nghiên cứu khoa học là phải ứng dụng được vào thực tế và đây cũng là hướng trong tương lai của chúng tôi, thay vì chỉ nghiên cứu cơ bản và về bảo tồn. Chúng tôi cũng sẽ đi sâu vào đánh giá giá trị thực tiễn của tài nguyên thực vật, các loại sản xuất thuốc, dược liệu, tinh dầu và trong công nghệ thực phẩm… để có thể tạo ra các sản phẩm có thể ứng dụng được vào thực tiễn. Tuy nhiên, để thành công ngoài công tác nghiên cứu thì cần sự phối hợp của nhiều đơn vị và nhiều yếu tố hỗ trợ khác.
Dù khó khăn vẫn theo đuổi đam mê
P.V: Tôi đã xem qua bản báo cáo của chị và rất bất ngờ bởi đến nay chị đã có hơn 100 đề tài, bài báo được công bố, trong đó, có 70 bài báo được đăng ở các tạp chí quốc tế và 30 bài báo được đăng trên tạp chí quốc gia. Để đạt được điều này hẳn không dễ dàng?
PGS.TS Lê Thị Hương: Để được đăng một bài báo thì phải có một quá trình phản biện và dù đăng ở tạp chí trong nước hay quốc tế thì đều khó khăn. Trong những bài báo đã được công bố hoàn toàn không phải là thành tích của riêng cá nhân tôi mà là nỗ lực của cả nhóm nghiên cứu.
Ngoài nỗ lực của tập thể, chúng tôi cũng có những may mắn, bởi trong số các bài đã đăng trên tạp chí quốc tế chủ yếu là hướng nghiên cứu về tinh dầu như thành phần hóa học của tinh dầu, hoạt tính của tinh dầu...
Hiện nay, nghiên cứu về tinh dầu ở Việt Nam và của thế giới chưa nhiều. Chính vì thế, hướng nghiên cứu này được xem là khá nổi bật và dễ dàng được đăng hơn. Nói vậy, không phải bài báo nào cũng được đăng, có những bài phải gửi hơn 2 năm mới có phản hồi của biên tập... Việc phải sửa chữa, biên tập lại cũng không nhiều, bởi hai vợ chồng tôi cùng một nghề và sau mỗi một bài viết, chồng tôi sẽ là người phản biện, chỉnh sửa, góp ý để có một bài viết tốt nhất. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ các nhà nghiên cứu rất giỏi về chuyên môn để chỉnh sửa, góp ý.
P.V: Là một giảng viên đại học, chị có thể lựa chọn một công việc nhẹ nhàng hơn thay vì tập trung cho nghiên cứu. Nhưng vì sao chị vẫn chọn công việc này và làm sao để cân bằng giữa công việc và vai trò của một người vợ, người mẹ?
PGS.TS Lê Thị Hương: Trước tiên là vì yêu thích và đam mê. Nhưng bên cạnh việc nghiên cứu tôi vẫn làm công tác giảng dạy theo đúng sự phân công của tổ bộ môn.
Trong quá trình nghiên cứu, thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi hai chúng tôi đều sống xa quê, sự hỗ trợ gia đình rất ít và hai con còn nhỏ. Ngoài ra, tôi còn làm công tác Đoàn. Việc đảm nhiệm nhiều công việc và vừa chăm con khiến công việc nghiên cứu của tôi bị chi phối rất nhiều. Có thời điểm “nước rút” tôi phải nhờ ông bà nội ngoại hai bên vào giúp đỡ.
Tuy vậy, càng khó khăn lại buộc chúng tôi phải cố gắng. Cách đây không lâu, gia đình chúng tôi vẫn đang thuê trọ trong căn phòng 25m2 và dường như khi nào tôi cũng phải làm việc gấp 2, gấp 3 người khác. Việc khi nào cũng phải nỗ lực “làm 2 việc cùng một lúc” đã khiến sức khỏe của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tháng 3/2019, tôi đã từng bị đột quỵ nhưng sau đó cũng chỉ dám nằm viện 1 tuần bởi còn có con, có công việc không ai có thể thay mình. Hay thời điểm tôi bị thoát vị đĩa đệm, khi ấy nằm một chỗ nhưng tôi vẫn đang dạy cao học và phải chuẩn bị bảo vệ đề tài... Lúc ấy tôi phải xin dạy trực tuyến.
PGS.TS Lê Thị Hương là một trong những Đảng viên trẻ tiêu biểu được Tỉnh đoàn Nghệ An tôn vinh
Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ điều duy nhất giúp mình vượt qua đó là sự lạc quan. Bởi lẽ, dù sức khỏe mình không thuận lợi nhưng tâm lý của mình vẫn thoải mái và luôn muốn theo đuổi niềm đam mê của mình.Tôi cũng quan niệm, niềm vui và hạnh phúc của một người phụ nữ là được làm điều mình thích và có một gia đình hạnh phúc!.
P.V: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Mỹ Hà, Đức Anh - Báo Nghệ An Tweet