Nguồn động lực bất tận để nữ sinh Công nghệ chinh phục khoa học
07:58 30/10/2024 256
Nhịp sống trẻ Ngay từ năm nhất đại học đã có bài báo đăng tải tại hội nghị quốc tế, giành nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp khoa, trường… là những thành tích nổi bật Nguyễn Bảo Dung, sinh viên trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đạt được. Dung là một trong 20 gương mặt được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng “Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam” năm 2024
Theo đuổi đam mê
Ngay từ khi học cấp 2, Dung đã có niềm đam mê lớn với môn Toán. Nguồn cảm hứng với môn học này của cô gái trẻ đã được truyền lại từ cả bố và mẹ. Trước kỳ thi vào cấp ba, Dung quyết định thử sức bản thân thi vào khối chuyên Toán của Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Khi đó, cô gái trẻ quyết tâm rời Nghệ An ra Hà Nội học tập, theo đuổi đam mê.
“Vào trường, mình biết đến đội dự tuyển thi Olympic Tin học cấp quốc gia. Khi học trong đội dự tuyển gặp những bài toán tin học hóc búa mình càng quyết tâm chinh phục chúng. Đó cũng là lúc mình nhận ra tương lai sẽ gắn liền với lĩnh vực Khoa học máy tính (Computer Science), dù cho lĩnh vực này được cho là khó đối với nữ giới”, Dung chia sẻ.
Nguyễn Bảo Dung với niềm đam mê với Khoa học máy tính
Tốt nghiệp THPT, Dung được tuyển thẳng vào ngành Khoa học máy tính, khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Được học đúng ngành yêu thích, cô gái trẻ càng muốn khám phá, tìm hiểu sâu hơn. Vì thế, Dung tham gia nghiên cứu khoa học từ rất sớm.
Ngay khi mới “chân ướt, chân ráo” vào trường đại học, Dung đã được nhận vào làm nghiên cứu sinh của phòng Thí nghiệm tương tác người - máy. Với vốn kiến thức về trí tuệ nhân tạo tự học từ những năm cấp 3, cộng với sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ thầy hướng dẫn, cô gái trẻ sớm xác định được đề tài và hướng nghiên. Chỉ sau 6 tháng tham gia nghiên cứu, Dung đã có một bài báo tại hội nghị Quốc tế KSE 2023.
Đây là một trong những dấu mốc đầu tiên trong quá trình nghiên cứu của Dung. Hướng nghiên cứu này cũng giúp cô gải trẻ đạt giải Nhất trong hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa và giải Nhì cấp trường. Những thành tích đáng ngưỡng mộ này Dung đạt được ngay trong năm đầu đại học khiến bạn bè nể phục.
Trong số những nghiên cứu đã thực hiện, Dung tâm đắc nhất với đề tài về độ dễ bị tấn công thành viên của dữ liệu trong mô hình học máy trong trí tuệ nhân tạo. Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, đề tài này đã đạt giải Nhất cấp khoa. Khi đó Dung là sinh viên năm hai duy nhất đạt giải Nhất và nghiên cứu được thực hiện độc lập không theo nhóm như các đề tài khác.
Trong học tập, nghiên cứu khoa học, Dung xác định kỹ năng quản lý thời gian là quan trọng nhất. Cô gái trẻ luôn cố gắng tối ưu hoá thời gian, chủ động nắm bắt kiến thức các môn học. Vì vậy, Dung luôn nằm trong top 8 những sinh viên có điểm trung bình GPA cao nhất ngành. Tuy nhiên, cô gái trẻ cũng xác định, ngoài chuyên môn, phải có kỹ năng mềm. Dung học hỏi, rèn luyện những kỹ năng này qua vai trò Bí thư Chi đoàn và Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi Đoàn khoa Công nghệ thông tin.
Không chỉ là một sinh viên xuất sắc, Nguyễn Bảo Dung còn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên
Quá trình nghiên cứu, khó khăn Dung gặp phải nhiều nhất chính là sức khoẻ của bản thân. “Trong thời gian nghiên cứu, mình phát hiện ra có dấu hiệu cuồng công việc, bỏ mặc sức khoẻ bản thân. Mình bắt đầu bị bệnh đau nửa đầu và xuất hiện các triệu chứng sức khoẻ khác. Điều này khiến mình phải nhìn nhận lại, chọn một thời gian biểu sinh hoạt và làm việc khoa học hơn. Mình dành thời gian cuối ngày sau các lớp học để tập thể dục thể thao, tập thiền để giải tỏa stress bởi sức khỏe có “hợp tác” mình mới làm việc tốt được”, Dung tâm sự.
Theo Dung, kỹ năng mấu chốt, quan trọng nhất trong nghiên cứu khoa học chính là quản lý thời gian. Cô gái trẻ cho biết, từng nghe một người thầy nói rằng ai cũng có 24 giờ một ngày như nhau, tại sao lại có người đạt được nhiều thành tích, người lại chẳng có gì trong tay. Bạn phải biết quản lý thời gian ra sao để có thể tối ưu công việc nghiên cứu mà vẫn nắm bắt được hoạt động khác. Quản lý tốt thời gian giúp chúng ta có thể đạt được những cột mốc tốt và nhanh hơn rất nhiều trong quá trình nghiên cứu.
Dung luôn chia đều quỹ thời gian trong ngày cho cả công việc lẫn cuộc sống. Cô gái trẻ có một thói quen, cuối ngày, sẽ ngồi lại tổng kết đã “chi tiêu” thời gian như thế nào, làm sao để sử dụng nó hiệu quả hơn nữa vào ngày hôm sau. Nhiều bạn trẻ thắc mắc, làm thế nào duy trì động lực học tập và theo đuổi khoa học? Dung cho rằng, động lực luôn là một nguồn lực có giới hạn, điều quan trọng là làm sao mình có thể giữ cho nguồn cung cấp động lực ấy vô hạn.
“Với mình, người tạo ra động lực học tập và theo đuổi khoa học không phải ai khác mà chính là bản thân. Những thói quen tốt như quản lý thời gian, tập thể dục thể thao giảm stress, mở rộng vòng tròn mối quan hệ với các chuyên gia và bạn bè… có thể là những kỹ năng rời rạc. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình, đó là nơi sinh ra nguồn động lực dồi dào nhất bồi đắp cho đam mê, quyết tâm của bản thân mỗi người”, Dung tâm sự.
Theo Tuoitrethudo Tweet