Người Thầy giáo nhiệt huyết tình nguyện để góp phần bảo vệ biên cương

15:02 08/01/2015     4266

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Chàng trai trẻ đang làm công việc với lương tháng vài chục triệu đồng nhưng “đột ngột” bỏ sang làm giảng viên đại học với lương chỉ vài triệu đồng để làm thiện nguyện giúp trẻ em vùng cao có cơ hội được học hành xây dựng “nền móng” thoát nghèo.
Câu chuyện được xem là “lạ đời” đó là của thầy giáo Nguyễn Cao Cường - Phó Giám đốc Trung tâm nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Tình nguyện để bảo vệ tổ quốc

Năm 2009, nhiều người cho rằng Cường “gàn dở” khi “đột ngột” chuyển từ VTC với thu nhập lương tháng mấy chục triệu chỉ để nhận vài triệu từ đồng lương còm cõi từ giảng viên đứng lớp. Tuy nhiên, trong thời gian làm báo, đi nhiều nơi thấy đồng bào còn nghèo, học sinh không có điều kiện đến trường, anh đã nung nấu ý định muốn giúp đỡ họ. Lúc đó, vật phẩm giúp tặng người dân chỉ là bạn bè thân quen tự phát gửi chứ chưa tổ chức khoa học như bây giờ.

Hiện tại, với công việc là Phó Giám đốc Trung tâm nghiệp vụ Báo chí truyền thông của trường, nhiệm vụ đào tạo thực hành, làm công tác truyền thông cho nhà trường và thực hiện các dịch vụ truyền thông khá bận rộn, anh Cường vẫn dành nhiều thời gian tham gia các phong trào thiện nguyện khi có các đợt quyên góp. Do đặc thù công việc, khi nào sắp xếp được thời gian, thông qua các trang mạng xã hội Facebook.com, anh lập lên địa chỉ “Bản Lô Lô mếm yêu” lại tranh thủ tổ chức, giới thiệu về các đợt thiện nguyện. Anh cùng bạn bè đứng ra vận động cộng đồng ủng hộ cho các đối tượng bằng những việc làm cụ thể như khám chữa bệnh miễn phí, tặng sách vở, thuốc men, sách gạo, tiền làm phòng học và cho học sinh mất cha hoặc mẹ …tại Nghĩa Lộ, Yên Bái; Lũng Cú Hà Giang ...

5
Trẻ em thôn Lô Lô Chải vui mừng với những quà tặng nhỏ bé của anh- Ảnh: Tác giả cung cấp

Cường bật mí cho biết, cách đây vài năm, trong một lần cùng nhóm bạn đi phượt đến huyện Lũng Cú để được ngắm các cột mốc biên cương của Tổ quốc. Anh vào bản Lô Lô Chải, thấy đời sống đồng bào nơi tuyến đầu biên ải còn khó khăn. Nhất là trẻ em, dù không quá đói nghèo nhưng các em thiếu thốn đủ bề không có cơ hội học tập phát triển như những trẻ em dưới xuôi. “Lần đầu, mình đi tặng đồ ăn, quần áo. Nhưng thấy không có sự bền vững, mình chuyển sang tặng sách, thuốc men, học bổng cho các em nhỏ để mở mang kiến thức và có cơ hội vươn lên thoát nghèo.”

Mặt khác, để phát huy được lợi thế về địa điểm, đặc trưng văn hóa vùng miền, anh Cường còn xây dựng một tour du lịch nho nhỏ từ Hà Nội lên Đồng Văn, Lũng Cú tỉnh Hà Giang. Trong hành trình này, anh thiết kế để du khách có thể nghỉ 1 đến 2 tối ở bản Lô Lô Chải. Việc này, Cường giúp người dân địa phương tự phát triển dịch vụ để phục vụ du khách, kiếm tiền bền vững. “Mỗi du khách khi đăng kí đến đây trong 5 ngày chỉ mất chi phí rất nhỏ khoảng từ 1 đến 1,5 triệu đồng tiền ăn ngủ tại các điểm dừng chân. Khoản tiền tuy nhỏ nhưng không lớn với du khách, nhưng lại rất quý đối với bà con sẽ trở thành một sinh kế tốt để người dân nơi đây phát triển kinh tế, chăm lo cho việc giáo dục của con cái mình” –  Anh Cường hào hứng thổ lộ.

Bên cạnh đó, người Lô Lô là một tộc người thiểu số sống giáp biên. Người dân chính là những cột mốc “sống” bền vững bảo vệ biên cương Tổ quốc. Họ nghèo thì rất dễ bị những kẻ xấu lợi dụng để tuyên truyền và lôi kéo họ làm việc không đúng khiến đường biên sẽ không ổn định.
5
Thầy Cường (người thứ hai đeo kính, hàng sau cùng bên phải) trong lần đi phượt lên Hà Giang giúp dân- Ảnh: Tác giả cung cấp

Trong thời gian tới, anh Cường hi vọng các tour du lịch này sẽ đạt hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, giúp người dân nơi đây được nhiều hơn. Cường vẫn còn băn khoăn vì mình không có nhiều thời gian để làm nên chủ yếu là giới thiệu thông tin cho khách tự đi đến các vùng đó.
Hiện nay, anh đang liên lạc với một số trường trung cấp, cao đẳng ở phía Bắc để xin học bổng học nghề cho con em đồng bào Lô Lô ở Lũng Cú, Hà Giang. Mới đây, một trường Trung cấp nghề ở khu vực Tây Bắc đã đồng ý cấp học bổng các học sinh thuộc hộ nghèo ở Lũng Cú. Các em chỉ cần tốt nghiệp cấp 2, thuộc dân tộc thiểu số và là đối tượng hộ nghèo, thì sẽ được cấp học bổng khoảng hơn 20 triệu cho hơn 1 năm học nghề. “Sau khi có thông tin này, mình điện thoại với trưởng thôn Lô Lô, anh ấy không tin nổi, cứ hỏi đi hỏi lại, hỏi rồi vẫn bán tín bán nghi. Chả là trước đây từng có người đòi tiền lót tay để đưa bọn trẻ ở đây đi học, người ở đây, móc đâu ra tiền. Thành ra, cơ hội được học một cái nghề của bọn trẻ cứ trôi qua tuồn tuột” - Anh Cường cho biết.

Người dân ở đây không có nhiều thông tin. Họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin học bổng. Việc giúp các em được đi học nghề sẽ giúp địa phương phát triển bền vững hơn.
Anh Cường không nhớ mình đã tổ chức bao nhiêu chuyến tình nguyện như vậy, chỉ biết công sức dù là rất nhỏ bé nhưng đã giúp tạo nên niềm vui cho người dân và em nhỏ tại vùng cao khó khăn. Trong tâm nguyện của anh làm tình nguyện không bao giờ nghĩ là để nổi tiếng hay được ghi nhận, mình làm được gì tốt, hỗ trợ được gì thì tốt cái đó.
Cùng với việc làm đó, Cường cùng các bạn trẻ tình nguyện mỗi khi đến đây đều qua đồn Biên phòng Lũng Cú đến đây giao lưu hỏi thăm cán bộ chiến sĩ tại đây.

Đặc biệt, khi Trung quốc ngang ngược đưa trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng thềm lục địa của Việt Nam, để thể hiện quan điểm phản đối của cộng đồng yêu nước, anh tổ chức một cuộc nhảy tập thể trên nền bài hát “Khát vọng biển đông” của nhạc sĩ Nhị Độ. Trong một lần thấy nhạc sĩ đưa lên mạng bài hát này thấy rất hay và ý nghĩa có thể làm nhạc nền để nhảy tập thể, ngay lập tức, anh đã đề nghị với nhạc sĩ ấy tổ chức sự kiện này.
Sự kiện đó, nhận được ủng hộ của nhiều giới, hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan được mời làm đại sứ hình ảnh của chương trình; đến bây giờ các clip trên mạng hưởng ứng sự kiện này rất nhiều, dù đã kết thúc dự án. Việc làm này giúp học sinh, sinh viên có cơ hội thể hiện tình yêu đất nước một cách hòa bình và văn minh và đúng cách.

Nguyễn Cao Cường
Nguyễn Cao Cường
“Mình sinh năm 1978, tuổi con ngựa. Con ngựa sinh vào mùa thu vào ban ngày nên nó vận vào mình, suốt ngày chạy như ngựa. Nhưng điều hạnh phúc nhất của mình đó là đem lại niềm vui cho các em nhỏ vùng cao khi những món quà tình nghĩa gửi gắm tình cảm của mọi người do chính tay mình đem đến tận nơi tặng
” – Anh Cường nói.

 “Suýt” bị giữ bằng vì… nợ

Sinh ra trong gia đình công chức bình thường ở Thanh Hóa, cuộc sống khó khăn, bố mẹ Cường ngoài giờ phải bán thêm tạp hóa nhỏ để nuôi 3 anh em ăn học. Ngày nhỏ, ngoài lúc đi học, Cường cùng các em phải trông quán cho bố mẹ. Do nhà tiệm tạp hóa bé bên lề đường quốc lộ, hàng ngày thấy những dòng xe cộ qua lại khiến anh luôn ao ước được lên các chuyến xe đi khắp mọi nơi tìm hiểu và khám phá về cuộc sống. Những kỉ niệm đó, sau này, Cường hình dung giống bối cảnh trong truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của Nhà văn Thạch Lam. Có thể chính điều đó, anh thấy mình “ngấm” chất “xê dịch” cho cuộc sống sau này.

Lúc nhỏ, cơ quan bố mẹ Cường có cái thư viện nhỏ, rất nhiều loại sách hay. Thỉnh thoảng, bố mẹ anh cho anh đến chơi, anh lại vào đó đọc sách. Tâm đắc với những cuốn sách viết về khoa học, khiến anh luôn liên tưởng đến các nhân vật trong truyện. Hồi đó, Cường chỉ ước mơ lớn lên sẽ được thành phi hành gia như trong các câu chuyện viễn tưởng. Học hết cấp 3, thấy nghề báo có thể thỏa mãn niềm đam mê được đi khắp mọi miền đất nước, anh quyết tâm thi vào trường báo.
Bên cạnh đó, người tạo cảm hứng thôi thúc cho Cường trong việc lựa chọn nghề nghiệp là anh Lại Văn Sâm người dẫn chương trình SV96 nổi tiếng khi đó. Chương trình này đã tạo ra những hiệu ứng vô cùng quan trọng trong đời sống của học sinh, sinh viên lúc bấy giờ. Người dẫn chương trình đó rất thông minh, linh hoạt khiến anh Cường rất thích.

Trời như không phụ lòng người, anh đậu với điểm số cao vào ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Thi đã khó, học nghề báo như là một điều quá mới mẻ với Cường. Để thực tế, bất kể mưa nắng, thấy chỗ nào có hội thảo, Cường lại “phi” xe đạp tới để xem các phóng viên họ làm việc thế nào. Sau đó, anh lấy tài liệu về đọc, rồi tự tập viết. Cường kể, có lần lớp tổ chức buổi nói chuyện với nhà báo Vũ Mạnh Cường (TBT Gia đình & xã hội bây giờ), lúc đó anh ấy đang làm cho báo Lao động, anh được giao nhiệm vụ phải xây dựng kịch bản hỏi cho cuộc giao lưu. “Lúc đó, mình bằng mọi cách đi tìm kiếm tài liệu và phân tích các bài viết của anh ấy trên báo để có thể điều khiển cuộc nói chuyện như kịch bản. Tài liệu mình mang về tìm hiểu có khi lên đến hàng chục kilogam” – Anh Cường chia sẻ. Khi Cường thực tập ở đài phát thanh Truyền hình Thanh Hóa, được lãnh đạo đài tin tưởng, giao phụ trách chuyên mục bình luận về bóng đá Tây Ban Nha. Trước đó, Cường chưa có khái niệm gì về bóng đá, anh đã phải nghiên cứu không biết bao nhiêu báo Thể thao hàng ngày, Bóng đá, Thể thao & Văn hóa …trong 1 tuần, để sau đó có thể làm được những chương trình đầu tiên.

Năm cuối đại học, kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ không đủ điều kiện giúp anh thỏa mãn sau những chuyến “xê dịch” học nghề, khiến anh lâm vào nợ nần chồng chất. Khi mọi người hồ hởi sắp ra trường, cũng là lúc các cô hàng thịt, hàng gạo đang đợi “cầm bằng” tốt nghiệp của anh. May sao, đúng thời điểm nhà trường phát bằng cho sinh viên, Cường nắm ngay cơ hội rủ thêm mấy bạn khác trong lớp, đứng ra tổ chức đi chụp ảnh thuê kiếm tiền trả nợ. Trong mấy ngày ít ỏi đó, anh cũng thu lại được bộn tiền trang trải nợ nần. Điều đến bây giờ vẫn nuối tiếc, dù chụp cho tất cả mọi sinh viên khác nhưng chính mình lại không có cái ảnh nào khi nhận bằng tốt nghiệp.

Năm 2001, anh về Đài phát thanh Truyền hình Thanh Hóa công tác. Năm 2007, anh đi học Cao học. Học xong, anh chuyển công tác sang truyền hình VTC. Tại VTC, anh làm rất nhiều công việc ở nhiều kênh khác nhau. Từ phóng viên, MC, tổ chức sản xuất, cho đến Giám đốc sản xuất của một kênh.v.v.. Nhiều người lúc đó nói tại sao đang làm việc ở môi trường Truyền hình Thanh Hóa, có rất nhiều thuận lợi, lại chuyển ra Hà Nội?  Lúc đó, VTC là một thương hiệu quá mạnh và có công nghệ sản xuất hiện đại nhất tại thời điểm lúc bấy giờ. Họ tạo ra đột phá trong truyền hình. Cường nghĩ rằng cần phải vào môi trường này để học hỏi, để trưởng thành.

Phẩm chất người Thầy

Năm 2009, khi tốt nghiệp Thạc sĩ Báo chí, cô giáo cũ là Trưởng khoa Báo chí mời anh đứng lớp cho giảng các buổi thực hành cho sinh viên. Tham gia giảng dạy, thấy công việc thú vị, lại hệ thống được toàn bộ kiến thức lý luận, thực tiễn một cách hiệu quả nhất anh đã nhận lời. Trong các buổi học đó, anh không chỉ tự sáng tạo phương pháp dạy mới, các lớp dạy sản xuất truyền hình, anh yêu cầu sinh viên phải đi sản xuất như một ê kíp thực thụ. Bên cạnh đó, anh cũng mời giảng viên có nhiều kinh nghiệm tham gia làm cố vấn cho các phim của sinh viên. Vì vậy, lớp học của Cường có nhiều người nổi tiếng là biên tập viên của các đài truyền hình lớn của VTV, VTC tham gia giúp đỡ như Quang Minh, Vũ Thanh Hường, đạo diễn  Đức Hòa…

Để phục vụ việc dạy môn học của mình, anh đã đẩy mạnh kết nối sinh viên với các đài truyền hình, các cơ quan báo chí. Anh yêu cầu sinh viên phải đến các cơ quan báo chí để thực hiện các phóng sự về quy trình sản xuất của phóng viên; các chương trình truyền hình, tác phẩm phim tài liệu khoa giáo: Người dẫn chương trình truyền hình; Tổ chức sản xuất gameshow; Truyền hình thực tế…
Trên bục giảng, nhằm sinh viên tìm tòi sáng tạo, anh luôn có nguyên tắc là không bao giờ thỏa hiệp. Anh đề nghị các em sinh viên phải tự xây dựng kế hoạch sản xuất, liên hệ khách mời, đi hiện trường, hoàn thiện tác phẩm, và tự tổ chức họp báo công bố sản phẩm. Tất nhiên xung quanh có rât nhiều cố vấn khác và bản thân giảng viên cũng phải “coi sóc” các em rất kỹ để kịp thời định hướng. Nhiều bạn tỏ ra không “tiêu hóa” nổi các sức ép này. Tuy nhiên, sau khi ra trường, sinh viên thầm cảm ơn thầy vì đã “ép” học trên giảng đường giờ họ không bị “rơi lệ” trên thực tế khi làm việc. Mặt khác, kết thúc khóa học, sinh viên có năng lực về lĩnh vực nào anh Cường đều gửi đến các cơ quan báo, đài để giới thiệu cho họ.

Theo anh Cường, nghề giáo là nghề cao quý, muốn giữ được sự cao quý đó là mình phải yêu nghề và làm vì cần cái tâm trong sáng. Thực tế hiện nay, người làm nghề giáo còn rất khó khăn, vất vả. “Mình đã từng làm báo, từng làm quản lý, mỗi tháng được trả đến vài chục triệu là bình thường. Nhưng khi sang môi trường đào tạo, thu nhập là rất nhỏ so với trước đó. Khi bạn ít tiền, bạn rất dễ loay hoay để tìm mọi cách ra tiền, và đó rất dễ trở thành một cạm bẫy cuộc đời. Cố gắng không để điều đó chi phối và tìm ra những đầu tư dài hạn là cách để vượt qua nó” – Anh chia sẻ.