Người gieo tri thức, ươm mầm thiện ở ngôi trường đặc biệt

11:36 15/11/2024     50

Nhịp sống trẻ   Bao năm gắn bó với nghề là ngần ấy thời gian, chị Lê Thị Hồng Lụa và anh Trần Đại Lượng tiếp xúc những mảnh đời lầm lỗi, có hành vi vi phạm pháp luật lứa tuổi cắp sách đến trường, để dưỡng thiện - diệt ác; làm nấc thang trong bước đường tìm về nẻo thiện.

Chị Lê Thị Hồng Lụa và anh Trần Đại Lượng là hai trong số 60 gương được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.

 

Dùng tình yêu thương để cảm hóa

Chị Lê Thị Hồng Lụa (SN 1990) hơn 10 năm làm công tác giảng dạy tại trường Giáo dưỡng số 2 - Cục C10 Bộ Công an (Ninh Bình). Trong những “chuyến đò” hướng thiện, cứu rỗi sai lầm và để mỗi người trẻ tránh khỏi những tội lỗi, chị Lụa thấu hiểu “dạy dỗ một người đã khó, rèn giũa một đứa trẻ có quá khứ không tốt càng khó gấp bội”.

Chị đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng và luôn cố gắng dùng tình yêu thương để cảm hoá những thân phận đang chông chênh giữa cuộc đời.

 

Chị Lụa đã có 10 năm dạy văn hoá ở trường Giáo dưỡng số 2.

 

Chị Lụa cho biết, từ những năm học phổ thông đã mơ ước theo nghề sư phạm để tiếp nối truyền thống gia đình, được làm cô giáo Công an. Chị có anh chị công tác tại Trường Giáo dưỡng số 2 nên từng có dịp đến thăm và nghe nhiều câu chuyện về những mảnh đời lầm lỡ.

“Được nghe nhiều câu chuyện anh chị kể về những mảnh đời đặc biệt, tôi càng mong muốn được dạy học nơi đây, để giúp những học sinh từng lầm lỗi quay về nẻo thiện”, chị Lụa nói.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Toán, Trường ĐH Hoa Lư, chị Lụa được tuyển dụng vào công tác tại Đội Giáo viên văn hóa - Trường Giáo dưỡng số 2, đảm trách giảng dạy văn hoá.

Theo chị Lụa, phần nhiều học sinh vào trường có điểm chung là đã bỏ học lâu, kiến thức không cơ bản, ý thức học tập kém, lười học và không có mục tiêu học tập. Hành vi vi phạm pháp luật của các em đa dạng, phức tạp như: trộm cắp, cướp, hiếp dâm, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người...

Việc giảng dạy văn hoá không chỉ giúp các em nâng cao trình độ, nhận thức mà còn phải hình thành lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với bản thân, có ích đối với gia đình, xã hội.

 


Trong những chuyến đò qua sông tôi được tiếp xúc với nhiều em học sinh khác nhau. Có em nhiệt tình, tự tin thể hiện khả năng của mình, có em rụt rè, nhút nhát; có những em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi; nhiều em đã bỏ học từ lâu... Bằng trái tim yêu nghề, tôi nhận thấy mình không chỉ là giáo viên truyền thụ kiến thức, còn là người đồng hành, lắng nghe chia sẻ giúp đỡ các em”, chị Lụa nói.

Để việc giảng dạy có hiệu quả, chị Lụa đã nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp trong truyền đạt, thiết kế bài giảng trực quan sinh động; đồng thời tìm hiểu, lắng nghe giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, mặc cảm.

Chị Lụa từng đạt giải Nhất cá nhân và cùng đồng đội đạt giải Nhất toàn đoàn tại Hội thi giáo viên dạy giỏi các trường giáo dưỡng năm 2019.

“Hạnh phúc nhất đối với một người giáo viên đang công tác tại ngôi trường đặc biệt này, là khi các em nhận được giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp đưa vào trường Giáo dưỡng; được các em hân hoan thông báo đã có việc làm, là công dân tốt, có cuộc sống gia đình hạnh phúc”, chị Lụa chia sẻ.

Trao nghề, hướng nghiệp

Anh Trần Đại Lượng (SN 1989) có gần 12 năm công tác tại đội Kế hoạch hướng nghiệp và dạy nghề, Trường Giáo dưỡng số 2. Nói về công việc đang làm, anh Lượng – lớn lên trong gia đình thuần nông, liên tưởng việc gieo mầm, ươm giống làm nên chồi xanh hy vọng, ngắn gọn: “Là người gieo trồng mầm thiện trên những trang đời bất hảo”.

Anh Lượng tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định; năm 2013 về làm giáo viên giáo viên dạy nghề ở trường Giáo dưỡng. Những ngày đầu đi dạy, anh gặp không ít khó khăn, áp lực khi học trò luôn thường trực thái độ bất cần, thiếu hợp tác, lười học… Nhưng với niềm tin khi đến với nghề “giáo dục các em là cứu cuộc đời các em, là đem lại hạnh phúc cho gia đình các em, đem lại bình yên cho xã hội” và sự giúp đỡ của đồng đội, anh Lượng nhanh chóng thích nghi, bắt nhịp với công việc.

Anh tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng hệ thống câu hỏi lý thuyết phù hợp với người học; hướng dẫn cụ thể kỹ thuật trong những tiết thực hành. Qua mỗi bài giảng, giờ học, anh đã trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng thực hành nghề và tạo thêm sự kết nối, tương tác giữa giáo viên và học sinh. Các em đã chủ động chia sẻ tâm tư tình cảm, mong ước cuộc sống.

 

Anh Trần Đại Lượng đã hơn gần 12 năm gắn bó với nghề.

 

Hòa đồng được với các em là thành công quan trọng nhất, bởi sự tác động bằng tình cảm sẽ giúp các em thấy được lỗi lầm của mình, bước qua mặc cảm và cố gắng sửa chữa để trở về với gia đình, hòa nhập với xã hội”, anh Lượng nói.

Đến nay, anh đã trực tiếp giảng dạy 12 lớp học nghề với gần 300 học sinh được cấp chứng chỉ nghề. Nhiều học sinh có “trang đời bất hảo” thái độ bất cần, chống đối đã được anh cảm hóa giáo dục thông qua công tác hướng nghiệp.

Trong đó, có Hoàng Minh Nghĩa (quê Hữu Lũng, Lạng Sơn) từng tỏ ra lầm lì, ít nói, khó bảo đã dần thay đổi, tiến bộ, kết thúc khoá học với chứng chỉ loại Giỏi và được ra trường trước thời hạn.

Hòa nhập với cuộc sống, Nghĩa đi làm thuê ở các xưởng cơ khí, rồi mở xưởng chuyên làm cửa xếp, mái tôn, biển quảng cáo, nhôm kính... tại Bắc Ninh. Nghĩa cũng đã giúp học sinh khác của trường là Giàng Mí Pó (quê Cao Bằng) làm việc tại xưởng và tích luỹ vốn, kinh nghiệm để về quê lập nghiệp.

Theo anh Lượng, học sinh Hoàng Minh Nghĩa, Giàng Mí Pó và nhiều lớp học sinh trưởng thành là “những mùa quả ngọt" được tập thể cán bộ giáo viên nhà trường không quản khó khăn, miệt mài ươm mầm, vun xới.

“Từ những cánh thư, cuộc điện thoại các em sau khi ra trường và biết các em đã đi làm, mở được xưởng cơ khí, sống lương thiện nhờ nghề đã học ở trong trường, tôi càng yêu thích hơn công việc ý nghĩa này. Sự trưởng thành của các em là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vững bước tiến lên”, anh Lượng nói.

TPO