Nam sinh khiến nhiều người yêu thư pháp hơn
08:41 07/11/2024 170
Nhịp sống trẻ Sau 8 năm rèn thư pháp, Võ Văn Khánh (20 tuổi, Trường ĐH Cần Thơ) nhiệt tình "cho chữ", dạy viết để lan tỏa tình yêu đối với môn nghệ thuật này.
Trước đây, viết thư pháp từng là nghề phổ biến. Dần dần, hình ảnh ông đồ trẻ ngày càng ít đi do nghề này không còn nhiều "đất sống". Võ Văn Khánh là một trong những người trẻ có niềm đam mê đặc biệt với môn nghệ thuật này.
Khánh có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật viết thư pháp
Khánh là sinh viên năm 3 ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, Trường Bách khoa, Trường ĐH Cần Thơ. Suốt 15 năm đi học, Khánh đã có 8 năm luyện viết thư pháp. Đam mê của nam sinh này bắt đầu từ năm học lớp 7. Khi đó, một người thầy mới về trường viết thư pháp cho học sinh xem, những chữ viết "có hồn" đã đọng lại ấn tượng sâu sắc với Khánh. Thấy thích thú, một nhóm bạn đã học cùng thầy nhưng rốt cuộc chỉ có Khánh giữ lửa đam mê.
Theo Khánh, từ một người viết chữ "chỉ mình đọc được", việc viết được thư pháp trang nhã khá nhiêu khê, nếu không có quyết tâm thì sẽ dễ bỏ cuộc. Chỉ nói đến cách sử dụng những loại bút (tiểu, trung, đại) và các nét (trụ, sổ, phớt, cung tròn…) thôi đã thấy khó. Tuy nhiên, học viết thư pháp với Khánh không chỉ để thỏa đam mê mà còn có ích trong cuộc sống và học tập. Rèn nét chữ cũng là luyện tính người. Nghệ thuật này giúp Khánh tập trung và làm gì cũng tỉ mỉ, cẩn thận hơn.
Chàng trai quê Cà Mau bắt đầu luyện viết thư pháp từ năm lớp 7
So với những người đồng môn, Khánh vẫn còn phải trau dồi, nỗ lực hơn nữa để chữ nghĩa được bay bổng. Tuy nhiên, nếu nói về tâm huyết của chàng trai này trong việc góp phần gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật thư pháp thì rất đáng trân trọng. Khánh thường đi cho chữ và mang theo cả "combo" dụng cụ (giấy, bút, mực) để ai muốn thì có thể tự trải nghiệm.
Ngoài viết dịch vụ, Khánh còn viết thư pháp tặng mọi người trong một số chương trình của sinh viên, giao lưu văn hóa, văn nghệ ở Trường ĐH Cần Thơ. Chàng trai này chỉ nhận đúng số tiền đã chi ra mua giấy, mực. Không những vậy, Khánh còn đón xe đến các địa phương xa, cho chữ trong những chương trình thiện nguyện, trao quà các hoàn cảnh khó khăn.
Khánh bộc bạch: "Qua những chuyến đi này, em thấy mọi người vẫn còn yêu thích thư pháp lắm. Người đến xin chữ khá đông, có cả cô bác nông dân, học sinh, sinh viên, khách du lịch... Trong đó, có những người am hiểu nhất định về nghệ thuật này, cho em nhiều lời khuyên bổ ích. Đó là động lực để em có thể ngồi viết thư pháp tặng dù thời gian kéo dài trong vài tiếng đồng hồ".
Nội dung thư pháp Khánh viết tặng mọi người là những lời hay ý đẹp về lòng tri ân, tình cảm gia đình, sự nghiệp, sức khỏe và nhiều nhất là viết tên theo yêu cầu. Những chuyến đi cho chữ đọng lại trong Khánh nhiều kỷ niệm khó quên. Không ít lần miệt mài cho chữ, mặc dù nói rõ là tặng nhưng nhiều người vẫn nhất quyết hỗ trợ Khánh tiền giấy mực. Giữ đúng mục đích ban đầu, Khánh đã lấy số tiền này để mua cơm hộp tặng lại những hoàn cảnh khó khăn.
Từng được Khánh viết chữ tặng, Huỳnh Thị Ngọc Hân (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ) chia sẻ: "Em còn nhớ bài thơ đã học về ông đồ, mỗi năm tết đến sẽ viết thư pháp lên giấy đỏ. Tết xưa có nhiều cái hay, khiến người ta lưu luyến. Em rất ngưỡng mộ việc Khánh đi nhiều nơi cho chữ mọi người để lan tỏa vẻ đẹp của thư pháp. Việc này rất ý nghĩa, bởi đây là một nét văn hóa truyền thống cần những người trẻ giữ gìn, nối tiếp để không bị lãng quên".
Theo Thanh Niên Tweet