“Lớp học đột phá”

14:21 22/04/2014     2527

Nhịp sống trẻ   Tô Mạnh Cường (năm thứ ba, Quản trị Kinh doanh Quốc tế, trường ĐH Ngoại thương) đang là “chủ xị” của một lớp học khá đặc biệt mang tên “Lớp học đột phá”.

5
Tô Mạnh Cường(Thứ tư từ trái sang, hàng sau) chụp ảnh cùng các học sinh trong lớp

“Thai nghén” ý tưởng

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Vĩnh Phúc, bố mẹ đều bệnh tật, cuộc sống của Cường vất vả hơn rất nhiều các bạn bè đồng trang lứa. Cường luôn nỗ lực học hành và 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc cùng rất nhiều các học bổng, giải thưởng trong các cuộc thi. Cường trở thành niềm tự hào của bố mẹ nhưng với quan niệm đã có phần cũ kỹ: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”, bố mẹ luôn muốn Cường chọn thi ngành Y. Nhưng hiểu rõ bản thân mình, Cường không đồng tình. Cuối cùng, trước sự “cứng đầu” của con trai, bố mẹ Cường đành nhượng bộ để cậu đăng ký thi vào ngành học mình mong muốn.
Năm thứ hai đại học, ngoài học tập trên trường, Cường tham gia nhiều dự án bên ngoài và thấy mình năng động hơn nhờ những công việc đó. Thế nhưng, bạn bè trong lớp không phải ai cũng tìm được hứng thú như Cường. Cậu sớm nhận ra, nhiều bạn chán nản chuyện học hành thi cử, một phần vì bản thân họ lười, một phần do có những môn thầy cô giảng bài kém hấp dẫn. Nhưng phần quan trọng ẩn chứa bên trong là các bạn ấy chọn sai ngành học ngay từ đầu.
Hè năm trước, Cường rủ hai người bạn tổ chức chương trình định hướng nghề nghiệp cho 500 học sinh trường THPT Bình Xuyên, nơi mình từng theo học. Trong buổi tư vấn, Cường chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân cũng như nêu ra các hiểu lầm thường gặp của học sinh, phụ huynh trong việc chọn ngành, nghề tương lai.

Vay tiền để mở lớp

Những ngày đầu, ngoài số tiền ít ỏi kiếm được nhờ làm thêm, Cường phải vay mượn bạn bè, người thân để có một khoản tiền nhỏ lo cho lớp học. Những lớp học đầu tiên có 40 học sinh, đa phần các em biết đến Cường thông qua những bài viết của cậu đăng trên Facebook cá nhân.
Mỗi lớp học theo chương trình “Lớp học đột phá” sẽ chỉ có tối đa 15 – 20 học sinh nhằm đảm bảo cho học sinh được quan tâm nhiều hơn chứ không nhồi nhét để thu tiền như ở các lò luyện thi. Giáo viên của lớp hiện có 4 người, gồm Cường và 3 bạn trẻ khác đã tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Hà Nội, rất tâm huyết, nhiệt tình và giàu thành tích.
Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, giáo viên sẽ tìm hiểu về tính cách của học sinh để có phương pháp phù hợp, khuyến khích khả năng phản biện của các em.
Mỗi buổi học thông thường kéo dài 2 giờ đồng hồ, học phí 60.000 – 80.000 đồng/buổi. Đến nay, đã có khoảng 100 học sinh “tốt nghiệp” từ “Lớp học đột phá” và hiện có hơn 60 học sinh đang theo học.
Riêng lớp định hướng nghề nghiệp được tổ chức cho các học sinh còn đang hoang mang chưa biết chọn ngành nghề, dưới hình thức hội thảo. Mỗi buổi chia sẻ diễn ra trong vòng 4 giờ, tập trung chia sẻ về các sai lầm trong định hướng nghề nghiệp, cách vượt qua “rào cản” để tiếp cận ngành học yêu thích… “Mình không bao giờ tư vấn cho các em nên hay không nên thi vào ngành/trường cụ thể nào. Mình chỉ cung cấp các công cụ đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân (trắc nghiệm tính cách, các chỉ số IQ, EQ, AQ, CQ…), giúp các em nhận ra thế mạnh của mình, chọn ngành hợp lý và có quyết tâm để theo đuổi ngành học ấy”, Cường nói. Đến nay, bạn đã tổ chức thành công 8 lớp định hướng nghề nghiệp, thu hút hơn 700 học sinh tham dự.

Giúp học sinh không phải loay hoay chọn nghề

“Thay vì kể lể dài dòng hoặc nói về những điều to tát, mình thường bảo các em mở Google ra, tìm kiếm từ khóa về ngành Tài chính – Ngân hàng năm 2008, rồi từ khóa này trong năm 2012 – 2013. Làm thế, các em sẽ thấy rõ sự khác biệt, nếu năm 2008, Tài chính – Ngân hàng là ngành “hot”, các trường ồ ạt tuyển sinh, thí sinh cũng lao vào cuộc đua thì chỉ 4 – 5 năm sau, cũng ngành học này kết quả lại phơi bày tình trạng thất nghiệp. Nhìn vào đó, các em sẽ thấy sống động và thực tế hơn rất nhiều việc mình nói ra kinh nghiệm một chiều của bản thân”, Cường chia sẻ.
Trong quá trình phát triển lớp học, Cường nhận được nhiều phản hồi tích cực của học sinh. Có người đã lặn lội vượt qua 120 km đường từ Phú Thọ để đưa em mình đến với lớp học đột phá. Có học sinh rất thích làm trang trại nhưng vướng phải sự phản đối của gia đình, cuối cùng, nhờ sự tư vấn, chia sẻ của Cường, em đó đã quyết theo đuổi đến cùng, đăng ký ngành học mình thích. Lại có phụ huynh 12 giờ đêm còn gọi điện cho Cường tâm sự, nghe tư vấn về tình trạng học hành của con mình. Những điều nhỏ bé trên là động lực để Cường phấn đấu vì lớp học.