Kỳ tích từ đôi tay không ngón
09:22 29/10/2024 245
Nhịp sống trẻ Trở về nhà sau chuyến xe ra Phú Thọ để nhận giải ba cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2024, Hoàng Đức Sơn (học sinh lớp 10A, Trường THPT Vĩnh Linh, Quảng Trị) ôm trên mình tấm bằng khen cùng kỷ niệm chương được trao tặng. Sơn vẫn còn bỡ ngỡ trước thành tích mà cậu đạt được.
Sinh ra đã mang trong mình căn bệnh lạ, Sơn thiếu may mắn khi không có đủ hai bàn tay, chân; cuộc đời cậu bé nhỏ nhắn sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác cầm lấy đôi tay của những người mà mình yêu thương, hay chạy những bước chân mạnh mẽ như bạn bè đồng trang lứa. Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, Sơn đang dần mở ra cho mình những trang đầu tiên về câu chuyện phi thường về nghị lực.
"Khi nhận được tin bài thi của mình đoạt giải ba toàn quốc cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024, em vẫn không tin đó là sự thật. Trước đó, em từng nhận giải ở cấp huyện, cấp tỉnh và xem đó như một thành quả lớn lao mà mình đạt được, em không nghĩ là mình có cơ hội ra Phú Thọ để gặp gỡ, giao lưu với những đại sứ văn hóa đọc khác", Sơn chia sẻ.
Sơn mong muốn sau này sẽ trở thành bác sĩ để cứu chữa cho bố, bản thân và những người đồng cảnh ngộ
Bài thi của Sơn viết về cuốn sách được mẹ mua tặng khi em còn là học sinh lớp 9 (Trường THCS Trung Nam, huyện Vĩnh Linh). Đó là tác phẩm về cuộc đời và tấm gương của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người mà Sơn thấy đồng cảnh ngộ với mình và có nghị lực phi thường để vượt lên nghịch cảnh, trở thành một người có ích cho xã hội.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện trong cuốn sách về thầy Ký, cùng với hoàn cảnh của mình và đặc biệt nhất là từ người cha khuyết tật nhưng vẫn luôn truyền động lực mạnh mẽ, Sơn đã dùng đôi tay không ngón để viết lên những dòng văn đầy cảm xúc.
"Ba em chính là động lực để em khôn lớn từng ngày. Ba mẹ hướng dẫn em cách viết chữ trên hai bàn tay nhỏ teo không có ngón, nhưng hai bàn tay ấy cứng đơ, không theo ý muốn, vài chục hộp phấn vỡ vụn vì lực mạnh. Khi đã quen với cách cầm phấn, ba mẹ hướng dẫn em tập tô các nét ngang, dọc ở khoảng sân láng xi măng trước nhà", Sơn viết trong bài thi.
Căn bệnh của Sơn di truyền từ người cha là ông Hoàng Đức Bốn (47 tuổi). Ông Bốn từ nhỏ sinh ra cũng không có bàn tay, chân…, thời điểm ấy việc thăm khám cũng như điều kiện khó khăn nên dù xót xa nhưng gia đình phải chấp nhận những gì số phận định đoạt.
Không để con trai mình thiệt thòi, dù đôi tay, chân không hoàn thiện nhưng ông Bốn vẫn cùng vợ lên nương, vào rẫy để làm ăn, kiếm tiền cho Sơn ăn học. Ông thấu hiểu được những gì mà Sơn sẽ phải trải qua và nỗ lực không ngừng để con trai luôn có động lực phấn đấu.
Xem những tấm hình của gia đình, bóng dáng của ông Bốn luôn xuất hiện cùng Sơn trong những lần em đi nhận giải cấp huyện, tỉnh. Chỉ mới cách đây vài ngày, hai cha con đã có chuyến đi đáng nhớ ra Bắc, nơi ông Bốn nhìn lên sân khấu chứng kiến cậu con trai nhận giải thưởng quý giá khiến ông đầy tự hào.
Ông Hồ Ngọc Thiên, Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Trị, mong muốn câu chuyện của Sơn cũng như tác phẩm đoạt giải sẽ được lan tỏa đến mọi người, để những người đồng cảnh ngộ với Sơn sẽ tìm được động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
"Chúng tôi rất bất ngờ khi biết được hoàn cảnh của Sơn, khi đọc bài thi ai nấy cũng ồ lên khi bài viết rất cảm xúc, đáp ứng được đủ các tiêu chí để tiếp tục tham dự giải toàn quốc. Tác phẩm của Sơn hiện nay đang trưng bày ở Thư viện tỉnh để mọi người có thể tìm đọc về câu chuyện của Sơn và người cha đã và đang có quá trình vượt khó phi thường", ông Thiên nói.
Theo Thanh Niên Tweet