Khát vọng làm giàu

15:06 11/09/2014     3405

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Trong những năm qua, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế được các cơ sở Đoàn tại Gia Lai đặc biệt chú trọng và triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương nên đã phát huy tác dụng. Nhiều cán bộ Đoàn không chỉ năng nổ tích cực trong công tác đoàn mà còn biết tận dụng thời cơ vươn lên làm giàu chính đáng.
Năm 2003, tốt nghiệp THPT, không có điều kiện để học tiếp, Đinh Văn Vinh chàng trai trẻ người Bahnar ở làng Đáp, xã KôngLơngKhơng, huyện Kbang quay về địa phương với niềm trăn trở tại sao bà con người Ba Na của mình có đất canh tác lại phải chạy từng bữa ăn, mình phải mang kiến thức mình đã học từ nhà trường để phục vụ dân làng. Nghĩ là làm, khởi nghiệp với việc mở trang trại chăn nuôi bò, dê, nhưng thất bại vì vốn đầu tư quá lớn. Không nản chí, ngay lập tức sau đó khi nắm bắt được nhu cầu nguyên liệu mía tăng mạnh, Vinh chuyển hướng đầu tư sang trồng mía. Ban đầu chỉ là vài ha, rồi mỗi năm tăng dần lên đến vụ mía năm nay Vinh đã có trong tay hơn 50 ha mía. Vừa làm vừa học hỏi và với những nỗ lực không mệt mỏi ấy những mùa mía chín đã ngọt ngào đến với Vinh. Vụ mía năm nay không chỉ được giá cao mà năng suất mía của Vinh đều đạt sản lượng rất cao từ 70-77 tấn/ha. Hôm chúng tôi về thăm những cánh đồng mía của Vinh, với tâm trạng hồ hởi phấn khởi nhất, Vinh khoe với chúng tôi vừa tậu thêm một xe tải trị giá gần 350 triệu đồng. Vậy là đến giờ trong tay Vinh đã có nhiều máy móc có giá trị cả tỷ đồng để phục vụ sản xuất. Mới chỉ 29 tuổi nhưng Vinh đã là một tỷ phú và là một ông chủ tạo ra công ăn việc làm cho cả trăm người ở vùng quê của mình.
Các cán bộ Đoàn trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây cà phê
Các cán bộ Đoàn trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây cà phê


Khác với Đinh Văn Vinh, anh Lê Hữu Hoang - Bí thư đoàn xã Ia Phang huyện Chư Pưh phát triển kinh tế bằng cây hồ tiêu. Là một cán bộ Đoàn nên Hoang đã được đi tiếp xúc và giao lưu với nhiều thanh niên nên từ đó Hoang đúc kết kinh nghiệm của mình là để thành công trong phát triển kinh tế là thanh niên ta phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bản thân phải vạch ra kế hoach trước, xem mình phải làm gì để muốn thoát nghèo, trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với địa phương, nguồn vốn ở đâu….Từ những suy nghĩ đó, khởi đầu với nguồn vốn vay 20 triệu đồng qua kênh vay của Đoàn TN, Hoang liền mua 1 ha đất và được gia đình hỗ trợ giống, Hoang đã trồng toàn bộ hồ tiêu. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài Hoang đã mua và dần nâng diện tích tiêu của mình lên. Hiện nay Hoang có hơn 2.000 trụ tiêu đã đưa vào kinh doanh từ năm 2007, hàng năm trừ chi phí thu nhập từ vườn tiêu đạt từ 150 triệu đồng trở lên, bên cạnh đó đã giải quyết việc làm thường xuyên từ 2 đến 5 lao động là thanh niên. Không chỉ dừng lại ở đó hiện nay Anh đang đầu tư một trang trại trồng 4ha hồ tiêu, 05ha càphê, một ao thả cá 350m2 và nuôi gà với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Từ những việc làm của mình mà vừa qua Lê Hữu Hoang được vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của, một giải thưởng của TW Đoàn vinh danh các nhà nông trẻ xuất sắc.

Cũng là địa phương có vùng đất thích hợp phát triển cây hồ tiêu và cà phê nhưng anh Nguyễn Văn Duyên – bí thư chi đoàn thôn 7 xã IabLang huyện Chư Sê lại chọn cho mình một hướng đi khác. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tin học của Đại học khoa học Huế, trở về địa phương bản thân anh thấy nhu cầu học tin học của người dân nhất là thanh niên rất cao, nên anh đã vận động gia đình bán rẫy, thế chấp nhà vay 250 triệu đồng để thành lập Trung tâm tin học điện tử Chu Sê Computer. Với phương châm kinh doanh Khách hàng là thượng đế nên bản thân đã tận tình hướng dẫn chăm sóc khách hàng, lấy chất lượng làm niềm tin cho khách hàng nên trung tâm ngày càng đông khách, ban đầu thu nhập của trung tâm từ 100 đến 150 triệu đồng một năm, đến nay trung tâm đã có mức thu nhập từ 500 đến 650 triệu đồng một năm. Trung tâm đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong đó có 2 lao động có hoàn cảnh khuyết tật. Không chỉ lo kinh doanh, anh còn là một cán bộ đoàn năng nổ và nhiệt tình trong các hoạt động của Đoàn, nhiều năm liền nhận được bằng khen của Tỉnh đoàn, TW đoàn.

Từ những mô hình phát triển kinh tế của các cán bộ đoàn cho thấy sự năng động sáng tạo và vượt khó của các bạn trong việc vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Trong sự vươn lên ấy ngoài nỗ lực của bản thân thì phải kể đến sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tổ chức Đoàn để thanh niên phát huy được vai trò xung kích của mình, đặc biệt Đoàn đã là cầu nối giữa thanh niên với ngân hàng chính sách xã hội để đoàn viên, thanh niên được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh. Từ những mô hình hay, cách làm mới trong việc phát triển kinh tế của tuổi trẻ sẽ là động lực thúc đẩy công tác Đoàn và phong trào thanh niên của tỉnh Gia Lai ngày một khởi sắc.