"Hoa" giữa đời thường
09:41 23/04/2020 10278
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: Được sự giới thiệu của chủ nhiệm CLB thanh niên khuyết tật huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), tôi biết đến anh Lê Văn Thọ, sinh năm 1990 - một tấm gương tật nguyền biết vươn lên số phận.
Tôi nung nấu ý tưởng gặp và viết về anh, nghĩ ra bao tiêu đề với rất nhiều hình tượng. Để rồi trên cánh đồng chiều của ngôi làng nhỏ thôn Trường An, xã Gia Ninh hôm ấy, tôi đã gặp một tiêu đề giản dị như chính con người anh, như chính cuộc sống của anh: “Hoa” giữa đời thường.
Vâng, cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra trên cánh đồng, bên con đường vào thôn Trường An. Lê Văn Thọ đang cặm cụi dẫn đàn trâu no cỏ trở về, trên đôi vai thêm một bao cỏ vừa cắt để làm thức ăn cho cá. Gương mặt rắn rỏi, ánh nhìn quả quyết, nụ cười hồn hậu, đôi chân lấm láp đất bùn, cánh tay áo bay lật phật trong cơn gió chiều, anh khiến tôi thấy ấm áp với sự hiếu khách đặc biệt của mình. Khi nhận ra chúng tôi đang muốn đi tìm mình, anh ra hiệu rồi thúc giục đàn trâu nhanh trở về.
Gồng mình gánh bao nhọc nhằn, mưa nắng cuộc đời
Tôi chạy xe phía sau anh. Bóng anh đổ nghiêng trên con đường khấp khểnh. Đôi vai Lê Văn Thọ gồng lên để đỡ lấy bao tải cỏ. Đôi vai ấy đã gồng lên để gánh cả bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu mưa nắng, tủi buồn của kiếp người. Đôi vai ấy, đôi chân kia đã in dấu trên con đường quê nhỏ bé này, để viết nên một bài ca về nghị lực, trở thành một tấm gương vượt lên số phận…
Trong căn nhà nhỏ bé của anh, câu chuyện cuộc đời thêm một lần được kể với tôi. Câu chuyện có thể với nhiều người đã biết, nhưng được anh kể với một giọng điệu chậm rãi, một âm hưởng đã khác âm hưởng mà anh kể cách đây nhiều năm, tôi tin là như thế. Khi mà mọi nỗi vui - buồn, những ảo tưởng, sự cay đắng đã thấm lọc qua anh.
Anh không còn nhớ rõ nữa cái ngày định mệnh ấy cách đây 10 năm, không nhớ mình đã khóc, đã kêu gào, hay đã ngất lịm đi khi mảnh bom đã vĩnh viễn lấy đi một con mắt và cánh tay anh trong tiếng nổ vô tình của nó. Có thể lúc đó, tiếng kêu của anh đã vang động khắp một cánh đồng Trường An, để rồi những người thân trong gia đình anh mãi mãi bị ám ảnh giây phút bàng hoàng ôm lấy thân thể đứa con trai không còn vẹn nguyên sau tai nạn kinh hoàng ấy.
Mảnh bom đã gây nên bi kịch cuộc đời Lê Văn Thọ. Nó khiến cho tất cả những người làng đều nghĩ rằng, cuộc đời đã đặt một dấu chấm với Thọ - con nhà nông dân nghèo. Nó khiến giấc mơ trở thành thợ nhiếp ảnh trong anh - tan thành khói mây...
Thọ lặng lẽ với cánh tay áo buông thõng, quanh quẩn với mảnh vườn, với sân nhà, với con gà, con trâu… Chẳng thế mà, chú trâu của gia đình đã trở thành người bạn thân thiết nhất của Lê Văn Thọ. Thọ cũng ham đọc sách, những cuốn sách về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những tấm gương tật nguyền ở xung quanh. Thế là trong lòng Thọ lại thắp lên bao khát khao.
Quyết tâm trở thành một nông dân chính hiệu
Năm 2017, anh quyết tâm trở thành một nông dân chân chính trên cánh đồng làng khi vừa đến tuổi lao động. Bắt đầu từ những điều quen thân nhất, dễ dàng nhất. Với số vốn vay được từ bạn bè, người thân cùng 20 triệu đồng vay từ ngân hàng chính sách xã hội huyện, anh xây dựng gia trại nuôi gà, cá và ếch rộng gần 500m2. Những ngày đầu thật lắm gian nan, đối với người bình thường cũng đã không hề dễ dàng, huống hồ anh, một tay, một mắt đã không còn vẹn nguyên, thì khó khăn càng nhân lên muôn phần. Có những buổi sáng thức giấc, nhìn đàn gà chết không rõ nguyên nhân, lòng anh như bị thiêu đốt bởi trăm ngàn ngọn lửa. Bởi mọi vốn liếng, công sức đều dành hết cả nơi đây. Nhiều lúc đau đớn chỉ biết thở dài, đã có lần anh nghĩ đến cái chết khi cảm thấy kiệt sức trước những bất hạnh của cuộc sống, nhưng rồi không để bất cứ điều gì quật ngã được bản thân, anh đã đứng dậy, sau mỗi nỗi đau dường như lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có gì đó đã thầm thì vào tai anh mỗi lần anh mệt mỏi, có gì đó đã nâng anh dậy mỗi lần anh khuỵu gối, có gì đó đã dịu dàng ru anh vào giấc ngủ vào mỗi đêm cô đơn xa xót. Bởi vậy, anh lại mày mò lên internet tìm hiểu về kỹ thuật nuôi gà, nuôi ếch hiệu quả, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
Đến nay, sau 3 năm xây dựng gia trại chăn nuôi, mọi thứ đã dần đi vào quỹ đạo, ổn định hơn. Gia trại của anh có thời điểm nuôi gần 5.000 con ếch, 500 con cá trắm cỏ, cá chép; hơn 400 con gà. Thu nhập bình quân từ 100-120 triệu/ năm. Từ hộ gia đình thuộc diện cận nghèo, đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá.
Đầu năm 2020, anh quen Phan Thị Thanh Thúy, một cô gái quê ở Hà Tĩnh. Hai người đem lòng yêu thương nhau, nhưng gia đình cô gái không đồng ý để đi đến hôn nhân, vì cho rằng một người tàn tật như Thọ không thể làm trụ cột gia đình. Bản thân Thúy cũng có vấn đề về sức khỏe khi một tay bị tật nguyền bẩm sinh. Tuy nhiên, vượt qua bao sự ngăn cản, hai người vẫn cùng nhau đi đến quyết định cuối cùng. Họ đã trở thành một cặp vợ chồng.
Hành trình vượt qua số phận của Lê Văn Thọ là một hành trình khó khăn và diệu kỳ, nhưng trong giây phút ngồi với anh dưới mái nhà nhỏ, nghe anh trải lòng, xem anh chăm đàn gà, ao cá…, tôi mới nhận ra có một điều đáng để nói hơn về anh, là hành trình anh vượt qua chính mình. Hành trình ấy khổ đau hơn, quả cảm hơn rất nhiều nỗ lực không ngừng trong lao động của anh.
Tôi nghĩ, đấy chính là chiếc bóng của chính anh, thứ bản ngã không bao giờ mất đi mà trong gian khó càng trở nên sáng tỏ, đã luôn ở bên để che chở, vuốt ve anh mỗi khi cuộc đời tưởng chừng như đã khép lại.
Tôi vẫn hình dung trong căn nhà nhỏ này, bao nhiêu đêm tối buông xuống, khi xung quanh đã chìm vào giấc ngủ, và anh hẳn đã ngước mắt lên thăm thẳm mà tự hỏi vì sao cuộc đời lại dành cho anh quá nhiều ngang trái...
Còn tôi, trên đường trở về đã thầm nghĩ, có những số phận như thế, những con người như thế, mỗi khi cuộc đời khép lại một ô cửa thì một ô cửa khác lại mở ra trong thế giới của họ. Với hoàn canh này, Lê Văn Thọ đã tự mở ra cho mình cánh cửa khác, để không bị giam cầm trong ngôi nhà chật hẹp của số phận, để vẫn có thể hòa nhập với cuộc sống và sự tự do mà một con người xứng đáng được nhận.
Có thể với nhiều người, sự nỗ lực của Thọ cũng bình thường, như bao người tật nguyền vươn lên số phận khác. Nhưng đối với tôi, anh thực sự tạo được những xúc động mạnh. Bởi một bàn tay, con mắt, thứ quan trọng nhất của người nông dân đã bị tước bỏ. Anh vẫn làm lụng trên cánh đồng thân thuộc của mình, yêu nó bằng tất cả trái tim. Những nỗi đau và nhọc nhằn được quên đi sau mỗi lần tâm huyết lao động được đáp đền xứng đáng. Tôi gọi anh là hoa giữa đời thường, bởi hơn cả mọi danh hiệu, đó vẫn là điều mà anh khao khát và thực sự thuộc về.
CTV Lê Hồng - TĐ Quảng Bình Tweet