Hành trình đến với giải Nhì cuộc thi tuổi trẻ học tập và làm theo Bác của nữ sinh Nghệ An
16:18 21/12/2022 2597
Nhịp sống trẻ ĐTN: Để có thể đạt thành tích cao tại cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nguyễn Nhật Vy đã mất gần 3 năm chuẩn bị. Đó cũng là quãng thời gian em trưởng thành, học được nhiều điều ý nghĩa từ những bài học giản dị mà Bác Hồ để lại.
Một bài thi là một bài học về lịch sử
Nguyễn Nhật Vy là học sinh lớp 12C2 - lớp chuyên Lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Vy thừa nhận Sử không phải là sự lựa chọn đầu tiên của mình.
Trước đó, thi vào lớp chuyên Văn nhưng may mắn không đến với Vy và em chỉ đủ điểm vào lớp chuyên Sử. Không có nền tảng sẵn nên những ngày đầu mới làm quen với Lịch sử, Vy gặp khá nhiều khó khăn và có chút bất lợi so với nhiều bạn khác trong lớp.
Nguyễn Nhật Vy là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An tham dự Cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Tuy nhiên, sau này, Vy lại học được nhiều từ những người bạn của mình: Hầu hết học sinh lớp chuyên Sử đều từng là học sinh giỏi ở bậc THCS nên khi vào học Sử các bạn lại càng có cơ hội phát huy khả năng của mình. Nhìn các bạn trao đổi bài, bình luận về một sự kiện, một vấn đề về lịch sử em thấy rất thích thú và chính các bạn đã truyền đam mê môn Lịch sử tới em, giúp em từ e ngại chuyển sang say mê môn học này - Vy chia sẻ.
Tuy nhiên, sau này, Vy lại học được nhiều từ những người bạn của mình: Hầu hết học sinh lớp chuyên Sử đều từng là học sinh giỏi ở bậc THCS nên khi vào học Sử các bạn lại càng có cơ hội phát huy khả năng của mình. Nhìn các bạn trao đổi bài, bình luận về một sự kiện, một vấn đề về lịch sử em thấy rất thích thú và chính các bạn đã truyền đam mê môn Lịch sử tới em, giúp em từ e ngại chuyển sang say mê môn học này - Vy chia sẻ.
Học Lịch sử nên Vy cũng như các bạn cùng lớp biết đến cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” từ rất sớm. Tìm hiểu về cuộc thi này, Vy nhận ra đây là một cuộc thi cần rất nhiều các kiến thức tổng hợp từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Lịch sử, Địa lý, biển đảo Việt Nam...
Để có thể nắm rõ được từng vấn đề, Vy áp dụng tương tự như cách học Lịch sử ở trên lớp, theo một hệ thống và sẽ học để hiểu chứ không học vẹt, học thuộc. Nói về điều này, Vy nói thêm: Những nội dung liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều nhưng mỗi câu nói, mỗi câu chuyện về Bác đều liên quan đến một sự kiện, một giai đoạn lịch sử khác nhau. Vì vậy, em sẽ liên hệ các sự kiện với nhau để có thể hiểu vấn đề một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Trước khi trở thành đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An tham dự vòng chung kết cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Vy đã trải qua vòng thi ở trường và vượt qua 5.000 thí sinh khác trên toàn tỉnh với nhiều vòng đấu loại theo hình thức trực tiếp. Để có chiến thắng cuối cùng, giải Nhì chung cuộc với mức điểm khá cao (270/290) điểm, Vy chia sẻ “điều này thực sự không dễ dàng”. Nói vậy là bởi, Vy đã chuẩn bị gần 3 năm và từng 2 lần tham gia cuộc thi. Lần thứ nhất là năm lớp 11 và Vy lọt vào vòng bán kết và là 5 thí sinh xuất sắc nhất của tỉnh.
Cô giáo Phan Bích Hậu - giáo viên chủ nhiệm và cũng là người trực tiếp dạy môn Lịch Sử cho em Vy chia sẻ: "Vy giành được kết quả cao, cá nhân tôi không bất ngờ bởi em thông minh và trong quá trình thi có một chiến thuật rất rõ ràng. Thay vì học dàn trải, Vy ôn thi và chia các nội dung thi theo từng chủ đề riêng. Trên cơ sở đó, em sẽ ôn một cách khoa học và chắc chắn.
Trong quá trình làm bài, vì kết quả cuộc thi được tính trên 2 tiêu chí là sự chính xác và thời gian làm bài nên Vy trả lời các câu hỏi một cách khoa học, những câu nào chưa biết, em sẽ khoanh vùng để chuyển sang các câu hỏi khác dễ dàng có điểm hơn. Kỷ lục của Vy là ở vòng bán kết, em trả lời 30 câu hỏi theo hình thức trực tuyến chỉ mất 1 phút 10 giây”.
Chia sẻ thêm về cuộc thi này, Nguyễn Nhật Vy kể rằng, em có hai áp lực, thứ nhất là từ các anh chị đi trước vì trước đó, 2 học sinh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đi thi đều giành giải Nhất. Thứ hai là áp lực về thời gian và để có thể giải nhanh, trúng và đúng, Vy đã phải luyện hàng ngày, tranh thủ mọi thời gian.
Ngoài học tốt, Nguyễn Nhật Vy (đứng ở hàng thứ nhất, đầu tiên từ trái sang) còn là bí thư chi đoàn và có thâm niên làm liên đội trưởng trong nhiều năm học phổ thông. Nữ sinh này tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ ở trường và năm học này vừa đạt danh hiệu Học sinh 3 tốt cấp tỉnh.
Thời điểm sát cuộc thi chung kết, nhiều đêm Vy thức đến 2, 3 giờ sáng và một số cuốn sách về Bác, nhất là cuốn sách “Bút tích và toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Vy gần như đã thuộc lòng. Những ngày tham dự cuộc thi, Vy cũng đã học được rất nhiều điều và những lời Bác dạy, tư tưởng mà Bác Hồ để lại đã đem đến cho Vy nhiều bài học bổ ích, ý nghĩa và em có thể áp dụng trong học tập, sinh hoạt và cả trong định hướng về tương lai..
Lan tỏa cuộc thi về Bác
Ngoài cô giáo chủ nhiệm, đồng hành với Nguyễn Nhật Vy trong quá trình tham gia cuộc thi còn có cô Lê Kim Long - giáo viên môn Giáo dục công dân và là người được nhà trường trực tiếp giao nhiệm vụ phụ trách cuộc thi này. Cô giáo Lê Kim Long cũng là người rất có duyên với cuộc thi bởi từ khi chưa được giao nhiệm vụ chính thức đến khi là giáo viên hướng dẫn chính thì cả 3 thí sinh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đại diện cho tỉnh tham dự cuộc thi này đều đạt giải cao với 2 giải Nhất và 1 giải Nhì. Cho đến thời điểm này, qua 4 lần tổ chức thì Nghệ An là tỉnh có thành tích cao nhất ở bảng dành cho đối tượng học sinh THPT.
Các thành viên được tuyển chọn của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tham dự cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh”
Để có được kết quả trên, cô giáo Lê Kim Long chia sẻ, thành công khó có thể đạt được nếu không có sự đầu tư, chăm chút và nhất là không có sự ủng hộ của học trò. Thực tế, tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, dù mỗi năm có rất nhiều kỳ thi quan trọng nhưng cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh” luôn có sự hưởng ứng tham gia của đông đảo học sinh nhà trường. Đó cũng là động lực để cô Long và các đồng nghiệp dành nhiều tâm huyết cho cuộc thi và sẵn sàng “vượt khó” với học sinh để đi đến đích cuối cùng là vòng chung kết toàn quốc, tự tin đoạt giải.
Cô giáo Lê Kim Long, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết: "Cuộc thi này trải dài trong nhiều tháng và trải qua rất nhiều vòng thi khác nhau. Càng về cuối, các câu hỏi càng mở rộng đến nhiều chủ đề khác nhau và càng khó.
Trong quá trình các em tham gia cuộc thi, tôi và các giáo viên trong tổ cố gắng xây dựng bộ đề trên 500 câu hỏi với nhiều chủ đề như chùm câu hỏi về biển đảo, về Di chúc của Bác, về lịch sử, về dân vận, về quân đội và tập hợp nhiều tài liệu để học sinh tham khảo. Ngoài ra, chúng tôi còn trực tiếp hướng dẫn, ôn bài và cùng giải các câu hỏi với học sinh để giúp các em có thể nắm chắc các vấn đề và tự tin tham dự cuộc thi."
Ngoài hỗ trợ học sinh về mặt kiến thức, cô giáo Lê Kim Long còn là người bạn tin cậy với các thí sinh tham dự cuộc thi. Như với Nhật Vy, trong máy điện thoại của cô hiện vẫn còn lưu rất nhiều tin nhắn mà hai cô trò trao đổi với nhau. Rất nhiều tin nhắn được gửi đến lúc 2, 3 giờ sáng khi Vy mệt mỏi, áp lực hay không thể thao tác trên hệ thống vì mạng bị lỗi. Đằng sau những vất vả của học trò, cô bao giờ cũng động viên, khích lệ và luôn thể hiện niềm tin tuyệt đối về những thí sinh “đặc biệt” của mình...
Những trải nghiệm trong quá trình tham dự cuộc thi, những giải thưởng và những thành công cũng chính là “quả ngọt” mà cô và trò Trường Phan đã đạt được. Đó cũng chính là cách để cô và trò một lần nữa hiểu hơn về Bác, về lịch sử Việt Nam và thêm yêu, tự hào về quê hương, đất nước mình./.
Mỹ Hà Tweet