“Én nhỏ” Huỳnh Thanh Thảo và nghị lực vươn lên phi thường
09:07 25/04/2014 3153
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: Năm nay 28 tuổi, nhưng Huỳnh Thanh Thảo (xã Trung Lập Thượng - Củ Chi, TPHCM) chỉ cao hơn 60cm, lại bị chứng xương thủy tinh nên việc đi lại của Thảo gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, nghị lực vươn lên của Thảo khiến nhiều người phải nể phục…
Cô giáo đặc biệt của những hoàn cảnh đặc biệt
Như bao người khác, từ nhỏ, Thảo đã rất muốn được đến trường như các bạn ở trong xóm. Nhưng do mắc phải chứng bệnh xương thủy tinh dễ gãy, nên sau vài ba lần đưa Thảo đi học, cha mẹ Thảo đành ngậm ngùi để Thảo ở nhà, do cứ mỗi lúc vận động mạnh là xương của cô bé Thảo lại gãy. Mà với lứa tuổi học sinh, chuyện hiếu động là chuyện không thể tránh khỏi.
Đến năm lên 9 tuổi, biết chắc mình không được đến lớp, nên Thảo xin mẹ dạy học cho mình. Vì thương con, mẹ Thảo đã đồng ý dạy Thảo đánh vần và tập viết những nét chữ đầu tiên. Chị gái cũng hỗ trợ đắc lực để Thảo có thể học được những phép tính từ cơ bản đến phức tạp của môn toán. Nhờ ham được học nên Thảo đã tiếp thu những kiến thức này rất nhanh.
Điều bất ngờ xảy ra là khi những đứa trẻ trong xóm biết Thảo đọc thông, viết thạo, làm tính giỏi đã sang nhà nhờ “chị bé Ba” (tên gọi khác của Thảo) dạy học cho chúng.
Như bao người khác, từ nhỏ, Thảo đã rất muốn được đến trường như các bạn ở trong xóm. Nhưng do mắc phải chứng bệnh xương thủy tinh dễ gãy, nên sau vài ba lần đưa Thảo đi học, cha mẹ Thảo đành ngậm ngùi để Thảo ở nhà, do cứ mỗi lúc vận động mạnh là xương của cô bé Thảo lại gãy. Mà với lứa tuổi học sinh, chuyện hiếu động là chuyện không thể tránh khỏi.
Đến năm lên 9 tuổi, biết chắc mình không được đến lớp, nên Thảo xin mẹ dạy học cho mình. Vì thương con, mẹ Thảo đã đồng ý dạy Thảo đánh vần và tập viết những nét chữ đầu tiên. Chị gái cũng hỗ trợ đắc lực để Thảo có thể học được những phép tính từ cơ bản đến phức tạp của môn toán. Nhờ ham được học nên Thảo đã tiếp thu những kiến thức này rất nhanh.
Điều bất ngờ xảy ra là khi những đứa trẻ trong xóm biết Thảo đọc thông, viết thạo, làm tính giỏi đã sang nhà nhờ “chị bé Ba” (tên gọi khác của Thảo) dạy học cho chúng.
Én nhỏ Huỳnh Thanh Thảo (phải) dạy học cho các em trong xóm |
Rồi tiếng lành được truyền xa, nhiều em đã tìm tới Thảo để được học kèm. Dần dần lớp học miễn phí tại nhà đã được Thảo mở ra năm 2000. Chính lớp học này giúp “chim én nhỏ” tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Sau 14 năm gắn bó với việc dạy kèm, Thảo đã góp phần giúp nhiều em học sinh nghèo trong xóm thành những học trò giỏi, có thành tích tốt trong học tập. Vui nhất là vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, các em cũng mua hoa tới tặng Thảo, xem cô như một nhà giáo thực thụ, giúp các em vươn lên trong học tập.
Thời gian sau này, Thảo còn mở một thư viện nhỏ ngay tại nhà mình, nhằm giúp các em trong xóm tiếp xúc với sách báo thường xuyên hơn.
Lúc đầu, thư viện chỉ có vài ba cuốn sách báo cũ do bạn bè từ các diễn đàn mạng gửi tặng, đến năm 2010, nhân chuyến sang Việt Nam làm phim về nạn nhân của chất độc da cam, một phụ nữ người Mỹ đã giúp Thảo xây dựng lại thư viện thành nơi khang trang hơn.
Thư viện tại gia của Thanh Thảo, ở xã Trung Lập Thượng - Củ Chi - TPHCM |
Bạn bè ở các nơi cũng biết tới Thảo nhiều hơn nên sách vở, tranh ảnh, tài liệu học tập… được tới tấp gửi đến, giúp Thảo mở rộng thư viện của mình.
Theo như lời chia sẻ của Thảo thì hiện nay, Thảo không chỉ dạy thêm cho các em khỏe mạnh mà Thảo còn nhận kèm cặp cho các em thiểu năng, chậm phát triển. Nói về việc làm ý nghĩa của mình, cô gái này chia sẻ: “Phải cố gắng sống tốt, không vì mình thì vì gia đình, vì bè bạn. Mình có thể làm được cho tới giờ, đều là nhờ sự động viên và chia sẻ của ba mẹ, bạn bè và tình yêu thương mà các em nhỏ mang lại. Và mình vẫn còn muốn lăn tiếp”.
Có lẽ bởi ý chí sắt đá, vững tâm ấy đã giúp Thảo trở thành một cô giáo ngay trên chính những vòng quay xe lăn của mình, cho dù bản thân chưa bao giờ được đào tạo bài bản qua trường lớp.
Mang mùa xuân đến với cộng đồng
Từ khi tiếp xúc với các hoạt động thiện nguyện của nhóm “Vì cộng đồng”, Thảo đã suy nghĩ: “Người khác cũng khuyết tật, tại sao họ làm được những chương trình ý nghĩa mà mình lại không?”.
Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc Thảo bắt tay lên kế hoạch cho các chương trình của cô. Từ chương trình thiện nguyện đầu tiên mà Thảo thực hiện nhân ngày 1/6 tại mái ấm Thiên Phúc vào năm 2009, đến nay Thảo đã thực hiện được rất nhiều hoạt động.
Hàng trăm phần quà và học bổng đã được Thảo trao cho hàng trăm em thiếu nhi cũng như các em học sinh nghèo hiếu học. Tất cả các chương trình thiện nguyện của Thảo đều nhận được sự cổ vũ tinh thần cũng như đóng góp vật chất từ các mạnh thường quân. Trong đó đáng chú ý có chương trình ủng hộ nạn nhân sóng thần tại Nhật Bản, hay chương trình tặng quà cho các em thiếu nhi vào mỗi ngày 1/6.
Thậm chí Thảo còn trực tiếp kêu gọi mọi người tham gia vào dự án “Nâng cao kiến thức cho người khuyết tật” do chính cô thực hiện.
Nói về động lực về những việc làm ý nghĩa của mình, Thảo cho biết: “Nghĩ tới niềm hạnh phúc và nhìn thấy nụ cười của các em khi được nhận được những phần quà tuy không lớn về mặt vật chất, nhưng có ý nghĩa về tinh thần là bao mỏi mệt như tan biến hết”.
Năm 2011, “Én nhỏ” Huỳnh Thanh Thảo còn thực hiện một chương trình hết sức ý nghĩa : “Mùa hè yêu thương - Góp tấm lòng tới miền Hải đảo”. Mỗi em học sinh của Thảo hay gia đình các em mỗi người một tay góp 500 đồng, sau 1 tháng, Thảo thu được 191.000 đồng. Số tiền không nhiều nhưng tấm lòng của mọi người quá lớn.
Từ việc làm vô cùng thiết thực này, đầu tháng 9/2011, Thảo đã nhận được thư mời ra Cam Ranh - Khánh Hòa dự Lễ công bố các công trình “Góp đá xây Trường Sa” (giai đoạn 1), được gặp các anh lính Hải Quân và được trao trực tiếp những lá thư viết tay của các em học trò của Thảo cho các anh.
Với những nỗ lực của bản thân và nhờ những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, Thảo được bình chọn là một trong những đại diện tiêu biểu trong phong trào Thi đua yêu nước. Từ đó đến nay, “Én nhỏ” Huỳnh Thanh Thảo liên tục mang những mùa xuân ý nghĩa đến với những hoàn cảnh khó khăn.