Công nhân nghèo giúp trẻ em nghèo
09:34 11/03/2014 2102
Nhịp sống trẻ Chiều tan ca, nhiều công nhân cầm trên tay cả xâu chai nhựa đã sử dụng về tập kết tại một điểm. Một nhóm khác phân loại chuyển vào phòng trọ của một tình nguyện viên. Khi đã hòm hòm, họ bán những phế liệu này để gây quỹ giúp trẻ em nghèo.
Việc làm ý nghĩa ấy diễn ra hơn 4 năm qua, dưới sự “cầm trịch” của chị Nguyễn Thị Ngọc, Bí thư Chi đoàn thanh niên xa quê khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương).
Nhóm thanh niên tình nguyện đang phân loại phế liệu - Ảnh: Lê Thanh |
Chị Ngọc là người dân sống tại địa phương nhưng chứng kiến cảnh con em công nhân xa quê tạm trú tại khu phố không có điều kiện đến trường nên đã đứng ra thành lập lớp học tình thương. Chị nhận luôn vai “cô giáo” dạy hàng trăm trẻ em kém may mắn, không có điều kiện đến trường kể từ năm 2008 đến nay.
Ngoài việc dạy học, chị luôn suy nghĩ phải làm thế nào để có nguồn kinh phí tạo niềm vui và giúp đỡ bọn trẻ gặp khó khăn, bệnh tật. Thế là mô hình “Nhặt phế liệu để giúp học sinh nghèo” ra đời.
Hầu hết các đoàn viên trong chi đoàn đều làm công nhân ở các công ty, khu công nghiệp. Vì vậy, vào buổi trưa thay vì được nghỉ ngơi để lấy sức bước vào làm ca chiều thì những thanh niên tình nguyện tranh thủ thời gian thu gom những vỏ nhựa chai nước mọi người sử dụng xong vứt bỏ hoặc giấy vụn, bìa cạc tông.
Ban đầu chỉ vài bạn tham gia, nhưng nhận thấy mô hình này có ý nghĩa nhân văn nên sau đó các bạn đã hưởng ứng nhiệt tình và cảm thấy rất vui với việc làm của mình.
Căn phòng trọ 12 m2, kèm thêm một cái gác lửng mà anh Trần Văn Tư thuê 500.000 đồng/tháng được dùng làm nơi chứa phế liệu. Anh Tư chia sẻ: “Mình đi làm công nhân suốt ngày, tối về chỉ cần một góc nhỏ để ngả lưng là được rồi. Vì vậy, mình muốn dành phần lớn diện tích phòng trọ làm nơi chứa phế liệu gom đến tháng bán một lần cho có khoản tiền kha khá, chứ ngày nào bán hết ngày đó thì làm sao gom được để giúp đỡ các em”.
Cũng theo anh Tư, trung bình mỗi tháng gom bán ve chai được khoảng 1 triệu đồng. Số tiền này dùng làm quỹ riêng cho lớp học tình thương. “Đến ngày sinh của bất kỳ học sinh nào trong lớp thì tụi mình cũng tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ ấm cúng tạo niềm vui hoặc mua quà tặng nhằm khích lệ tinh thần những em học tập tốt” - anh Tư kể.