Cô Tổng phụ trách Đội vượt khó, truyền cảm hứng cho các em nhỏ vùng cao
15:05 12/11/2024 421
Nhịp sống trẻ Trên hành trình vì đàn em thân yêu nơi rẻo cao Sơn La, cô giáo Vì Thị Hằng dành nhiều tâm sức truyền đạt kiến thức, kỹ năng, ý chí vươn lên và tổ chức hoạt động chăm lo sức khoẻ, vệ sinh cho học sinh.
Cô giáo Vì Thị Hằng (SN 1986, dân tộc Thái) hiện là giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Lóng Luông (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La). Gần 14 năm gắn bó nghề ở vùng cao, cô Hằng am hiểu nhiều nét văn hóa và ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số. Cô thành thạo tiếng đồng bào Mông và đóng góp nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy. Cô Hằng được học trò gọi thân thương là cô giáo, chị Tổng phụ trách Đội, mẹ.
Cô Vì Thị Hằng là giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Lóng Luông.Ảnh: Xuân Tùng
Gập ghềnh đường đến ước mơ
Cô giáo Hằng lớn lên ở bản vùng cao xã đặc biệt khó khăn Mường Tè (huyện Vân Hồ). Từ những năm đầu cắp sách đến trường, cô bé người Thái ấn tượng với hình ảnh thầy cô giảng bài, chỉnh từng nét chữ, hướng dẫn nhịp điệu câu hát… đã ước mơ làm cô giáo.
Nỗ lực thực hiện ước mơ, đôi chân nhỏ của cô bé ấy vượt đường núi dần một xa hơn, nhịp nhàng theo câu hát: Đi học chữ mình để lại niềm thương nỗi nhớ/hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần…
Năm 2002, cô Hằng học ở Trường THPT Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu) cách nhà 70km. Hành trình mỗi lần từ nhà đến trường của cô Hằng phải mất 4 tiếng đồng hồ cuốc bộ đường nhựa để bắt xe ôm đi tiếp. Tốt nghiệp phổ thông, nhưng gia cảnh khó khăn, cô tạm gác việc tiếp tục học lên, đi làm thêm phụ giúp gia đình.
Cô Hằng bộc bạch: “Tôi đã rất buồn nhưng ước mơ làm cô giáo chưa bao giờ dập tắt. Khoảng thời gian 1 năm ở nhà, tôi vừa tự ôn luyện kiến thức, vừa đi hái mận thuê tại Mộc Châu. Tháng 8/2006, cầm trên tay giấy báo trúng tuyển ngành mơ ước là sư phạm Âm nhạc – Công tác Đội trường CĐ Sư phạm Sơn La, tôi dâng trào niềm vui xen lẫn lo lắng chi phí tiền ăn, tiền học”.
Từ nhỏ cô Hằng đã nỗ lực học tập thực hiện ước mơ làm cô giáo và yêu thích ngành sư phạm Âm nhạc – Công tác Đội. Ảnh: Xuân Tùng
Sau ngày nhập học, cô sinh viên người Thái đôn đáo tìm việc làm thêm và may mắn được nhận vào làm phục vụ quán cơm sinh viên gần trường. Tiền công của cô Hằng được 550 nghìn đồng/tháng và được nuôi ăn 2 bữa ở quán cơm.
Vừa nỗ lực học tập vừa đi làm thêm, cô vượt qua 3 năm rèn luyện nơi giảng đường và thực hiện được ước mơ thuở nhỏ. Năm 2010, cô giáo trẻ Vì Thị Hằng được phân công về công tác ở Trường THCS Mường Tè (nay là Trường Tiểu học và THCS Mường Tè, huyện Vân Hồ, Sơn La).
“Lúc đó, cơ sở vật chất của trường vẫn còn nhiều thiếu thốn; con đường đến trường vẫn gập ghềnh, lầy lội ngày mưa. Tôi và nhiều giáo viên ở lại trường, mấy tháng mới về nhà một lần… Khó khăn, thử thách là vậy càng giúp tôi trân trọng hơn tâm sức của những thầy cô năm xưa cắm bản trao con chữ, gieo ước mơ cho mình, để yêu nghề, yêu học sinh hơn”, cô Hằng bày tỏ.
Cùng với kiến thức, nhiệt huyết với nghề và sự trẻ trung, cô giáo Hằng ở Trường THCS Mường Tè ngày ấy đã trở thành tấm gương nghị lực vượt khó và truyền cảm hứng vươn lên cho nhiều thế hệ học trò miền rẻo cao.
“Con đường trở thành cô giáo của tôi khá gập ghềnh vì một phần gia đình khó khăn. Qua nhiều năm vượt khó bám lớp, tôi tự nhủ càng phải vững vàng, bền bỉ, nhiệt huyết, tiến bộ hơn nữa.Hơn hết, tôi hiểu, thầy giáo cô giáo là niềm tin, điểm tựa cho học trò nghèo vùng núi còn muôn vàn khó khăn”, cô Vì Thị Hằng nói.
Qua các sáng kiến tổ chức hoạt động, cô Hằng góp phần cùng nhà trường trang bị cho các em học sinh kiến thức, kỹ năng và niềm vui mỗi ngày đến trường.
Nhiều sáng kiến “vì đàn em thân yêu”
Năm 2020, cô giáo Vì Thị Hằng chuyển công tác về Trường Tiểu học Lóng Luông, thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Vân Hồ. Vẫn vẹn nguyên “lửa” nghề, tinh thần nêu gương của đảng viên và “thủ lĩnh” chi đoàn, cô giáo Tổng phụ trách Đội Vì Thị Hằng không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ công tác Đội, làm phong trào thiếu nhi.
Với học sinh của trường, cô giáo Hằng như mẹ hiền, khi không chỉ dạy múa hát, nghi thức Đội, hướng dẫn nhiều trò chơi dân gian… mà còn chăm sóc hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, chải đầu, kết tóc; kết nối tổ chức chương trình tình nguyện “Vì đàn em thân yêu”.
Đều đặn, cuối buổi học sáng thứ 6 hàng tuần, cô Hằng cùng các giáo viên trẻ, đoàn viên, thanh niên thôn bản cắt tỉa tóc, gội đầu, ủ thuốc trị chấy cho học sinh. Vào mùa lạnh, hoạt động vẫn diễn ra và các thầy cô sẽ thêm công đoạn đun nước sôi để có nước ấm gội đầu cho các em.
Thứ 6, tôi và nhiều đoàn viên thường xuyên ăn mỳ tôm vì tổ chức hoạt động cho các em học sinh, dọn dẹp cũng đã sang đầu giờ chiều, nhưng chẳng ai nề hà gì. May mắn, hoạt động nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của phụ huynh”, cô Hằng nói.
Theo cô Hằng, trong năm qua chương trình tình nguyện “vì đàn em thân yêu” đã thực hiện cắt tóc, gội đầu, ủ chấy cho hơn 600 lượt học sinh.
Đồng thời, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ hơn 200 em có hoàn cảnh khó khăn các suất quà trị giá từ 100.000 đến – 300.000 đồng, như sách giáo khoa, quần áo, giày dép, đồ dùng học tập.
Cô Hằng hỗ trợ, hướng dẫn các em học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân; chăm lo giấc ngủ cho các em học sinh nhà xa ở lại trường buổi trưa. Ảnh: Xuân Tùng
Trong quá trình công tác, cô Hằng có nhiều sáng kiến, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Nhiều sáng kiến của cô đã được công nhận hiệu quả và áp dụng trên địa bàn huyện Vân Hồ; có sáng kiến được áp dụng trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Trong đó, nổi bật có các giải pháp về nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh thiểu số; tạo hứng thú môn âm nhạc cho học sinh dân tộc thiểu số; huy động các nguồn lực triển khai hiệu quả Chương trình tình nguyện "Vì đàn em thân yêu" cho học sinh dân tộc thiểu số; tổ chức hiệu quả trò chơi dân gian cho học sinh dân tộc thiểu số…
Cô Hằng hướng dẫn các em trong đội trống của trường. Ảnh: Xuân Tùng
Cô Hằng chia sẻ rằng, động lực để có những sáng kiến là vì đàn em thân yêu, giúp các em tự tin, chủ động hơn trong giao tiếp và có thêm niềm hứng thú với trường lớp, học tập.
Ngoài phương pháp dạy bình thường, cô khuyến khích các em cùng sáng tạo, làm đồ dùng học tập như thanh phách, mô hình khèn sáo…; kết nối với Đoàn Thanh niên xã tổ chức các hoạt động ngoại khoá gắn với trò chơi dân gian như: ném còn (dân tộc Thái); ném pao, nhảy kha-kềnh (dân tộc Mông).
“Nhiều em học sinh rất rụt rè, khép mình vì trở ngại ngôn ngữ, hoàn cảnh gia đình đặc biệt thiếu sự chăm sóc của bố mẹ… Qua những tiết sinh hoạt Đội và học nhạc, tôi mong muốn hiểu hơn mong muốn của các em để chia sẻ, định hướng; vừa gắn bó với văn hoá dân tộc vừa có thêm các kỹ năng cần thiết”, cô Hằng nói.
Với những đóng góp công tác, cô giáo Vì Thị Hằng đã nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp huyện; được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Sơn La, Tỉnh Đoàn Sơn La.
Cô Vì Thị Hằng là một trong số 60 giáo viên được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2024 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
TPO Tweet