Cô giáo vùng cao yêu nghề, mến trẻ

15:00 02/06/2020     7644

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Hơn 6 năm gắn bó với học sinh người Khùa, người Mày ở bản làng vùng cao biên giới Trọng Hóa, với cô giáo Đinh Thị Huyền Trang, học tập và làm theo lời Bác là vượt qua mọi khó khăn, làm tốt nhiệm vụ được giao, luôn yêu nghề, mến trẻ…

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”

Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Hà Nam, năm 2014, cô giáo Đinh Thị Huyền Trang được tuyển dụng và phân công về dạy học ở Trường mầm non số 2 Trọng Hóa. Đứng chân trên địa bàn xã biên giới Trọng Hóa, Trường mầm non số 2 Trọng Hóa có 7 điểm trường, đóng ở các bản làng xa xôi nhất xã như: Pa Choong, Ka Óoc, Ra Mai, Si Mới, Cha Cáp, Dộ, Lòm. Người dân nơi đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) người Khùa, người Mày, cuộc sống còn nhiều khó khăn, việc học hành của con em chưa được đồng bào quan tâm đúng mức.

 

Cô giáo Đinh Thị Huyền Trang đang dạy các cháu ở Trường mầm non số 2 Trọng Hóa.

 

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Đinh Thị Huyền Trang cho biết, khi về nhận công tác ở Trường mầm non số 2 Trọng Hóa, cô được phân công đứng lớp ở điểm trường Ka Oóc, một trong những bản khó khăn nhất của xã Trọng Hóa. Khi đó, bản Ka Oóc thiếu thốn đủ thứ, không nước sạch, không điện sáng, không sóng điện thoại, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở…

Cùng lúc đó, cô Trang đang mang bầu đứa con thứ 2 và để hoàn thành nhiệm vụ, cô phải gửi đứa con đầu chưa tròn 16 tháng tuổi cho ông bà. Công tác ở nơi khó khăn, điều kiện để chăm sóc sức khỏe thai sản không bảo đảm nên cô sinh đứa con thứ 2 chỉ vỏn vẹn 2kg. Vậy nhưng, thời gian được "ưu tiên nuôi con nhỏ" không bao lâu, cô Trang phải ôm con đến lớp.

"Cứ như vậy mỗi buổi sáng thứ hai, tôi lại một tay ôm con, tay kia xách ba lô vượt gần 60km từ nhà ở thị trấn Quy Đạt để lên điểm trường. Trong ba lô của 2 mẹ con vỏn vẹn vài cân gạo, một ít cá khô, mắm muối… cứ đi về như thế để bám bản, bám lớp dạy trẻ.", cô Trang kể lại.

Tính đến thời điểm này, đã tròn 6 năm, cô giáo Đinh Thị Huyền Trang bám bản, gắn bó với các em học sinh mầm non ở vùng biên giới xã Trọng Hóa. Theo cô giáo Trang, ngoài sự cố gắng của bản thân, sự động viên, giúp đỡ của gia đình, đồng nghiệp và đặc biệt là hình ảnh những đứa trẻ người Khùa, người Mày nhiều lúc cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm vẫn hồn nhiên, chăm chỉ băng rừng, lội suối đến lớp là động lực thôi thúc cô cần phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ.

“Tôi rất thương con và đến bây giờ, tôi chưa một lần được đưa con mình đi khai giảng, cũng chưa một lần được đưa con đi học... Nhưng chứng kiến điều kiện khó khăn của những đứa trẻ người Khùa, người Mày cũng trạc tuổi con mình nơi biên giới này, tôi lại càng muốn cống hiến sức trẻ của mình cho vùng đất này. Tôi nghĩ một điều đơn giản rằng, nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”, chỉ mong các cháu đều được đến trường, được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo ngay từ đầu để có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn,”, cô Trang giãi bày.

Học Bác để dạy trẻ tốt hơn

Tròn 6 năm bám bản, dạy trẻ ở vùng cao biên giới Trọng Hóa, cô giáo Đinh Thị Huyền Trang luôn khắc sâu lời Bác Hồ dạy: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Theo cô giáo Trang, để thực hiện lời Bác dạy, bản thân cô luôn nỗ lực cố gắng, trau dồi kiến thức, hết lòng tận tụy với công việc.

Khó khăn đối với cô Trang không chỉ bởi đồng lương ít ỏi của giáo viên mầm non hay đường sá đi lại khó khăn mà do nhận thức nên đồng bào DTTS nơi đây vẫn chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình. Nhiều gia đình không coi trọng việc học, nên cô giáo phải rất vất vả lội rừng, đến từng nhà, lên tận rẫy để vận động, tuyên truyền phụ huynh cho trẻ đến trường. Ngoài ra, thời gian đầu do bất đồng về ngôn ngữ, cô và trò đều gặp khó khăn khi giao tiếp, khiến học sinh e dè khi tiếp xúc với cô.

Để khắc phục tình trạng này, cô Trang phải thu xếp thời gian đến nhà dân học tiếng dân tộc và giao lưu với bà con để tìm hiểu phong tục, tập quán. Không những thế, để trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui, cô Trang tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng linh hoạt các trò chơi, phương pháp giáo dục, phát hiện ưu điểm của từng trẻ để động viên, khen thưởng, nhờ đó, trẻ đã mạnh dạn, tự tin trong học tập, vui chơi.

Mới đây, học trên sách báo, cô Trang và các cô giáo ở Trường mầm non số 2 Trọng Hóa đã áp dụng cách đón trẻ “yêu thương” vào mỗi buổi sáng đến lớp, tạo được sự hứng khởi cho các em, giảm tình trạng bỏ học. Vào mỗi buổi sáng đón trẻ, các cô giáo sẽ chờ các em ở cửa với bộ “menu” lựa chọn hành động như: trái tim ấm áp, đôi bàn tay xinh, nắm tay kỳ diệu và bàn chân đáng yêu. Với mỗi lựa chọn này, cô giáo sẽ đập tay đầy hứng khởi hoặc dành tặng những cái ôm yêu thương cho học trò trước khi vào lớp. Không những vậy, mỗi khi tan trường, các cô cũng dành tặng các em những cái ôm và chào tạm biệt để về bên gia đình.

Sự cố gắng của cô Trang và những cô giáo mầm non khác ở Trường mầm non số 2 Trọng Hóa đã khiến phụ huynh thay đổi suy nghĩ và giờ đây, cứ mỗi buổi sáng, 100% trẻ người Khùa, người Mày đã được bố mẹ đưa đến trường, trao tận tay cho cô giáo.

Cũng theo cô giáo Đinh Thị Huyền Trang, học tập và làm theo Bác Hồ trong môi trường giáo dục, trước hết giáo viên phải luôn yêu thương trẻ, coi các em như con mình để uốn nắn, rèn luyện, giáo dục. Trao yêu thương chắc chắn sẽ được nhận lại sự trân trọng của học sinh và phụ huynh. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm kiêm tổ trưởng chuyên môn, cô giáo Đinh Thị Huyền Trang luôn nêu cao ý thức tự rèn luyện, đầu tàu gương mẫu trong mọi hoạt động, luôn là tấm gương sáng cho học sinh và đồng nghiệp noi theo.

“Học sinh của chúng tôi đều là con em đồng bào DTTS. Có những lúc, nhiều cháu chưa được sạch sẽ, tôi phải tắm gội, giặt giũ cho các cháu. Đôi khi, cha mẹ các cháu đi rẫy không đưa đón con đến lớp, tôi phải đến tận nhà để đưa đón cháu đến lớp. Đó là những việc làm ngoài công việc dạy học mà chúng tôi phải làm thường xuyên…”, cô giáo Trang chia sẻ.

Cô Đinh Thị Bùi Chung, Hiệu trưởng Trường mầm non số 2 Trọng Hóa nhận xét: “Cô giáo Đinh Thị Huyền Trang học tập và làm theo Bác bằng những việc làm đơn giản nhưng mang lại ý nghĩa sâu sắc. Những việc làm của cô Trang đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, góp sức cùng tập thể Trường mầm non số 2 Trọng Hóa hoàn thành tốt nhiệm vụ, từng ngày bám vùng sâu, đồng bào DTTS để truyền dạy con chữ."

 

Lê Hồng - TĐ Quảng Bình