Cô giáo Mường vươn ra thế giới

13:17 05/03/2021     799

Nhịp sống trẻ   Từ trường làng, cô giáo dân tộc Mường xây dựng lớp học xuyên biên giới, kết nối hàng triệu học sinh, giáo viên thế giới lại với nhau. Trở thành người Việt đầu tiên lọt Top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020, cô được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020 ở lĩnh vực Hoạt động xã hội.

 

Cô giáo Hà Ánh Phượng kết nối học sinh dân tộc thiểu số với thế giới. ẢNH: NVCC

Cô giáo Hà Ánh Phượng kết nối học sinh dân tộc thiểu số với thế giới. ẢNH: NVCC

 

Nỗ lực học ngoại ngữ

Cô giáo Hà Ánh Phượng (SN 1991, dân tộc Mường), hiện là giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Ngôi trường nơi cô dạy học thuộc miền núi, có trên 80% học sinh là người dân tộc thiểu số.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Thượng Long, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ), học cấp 2 Phượng đã phải xa gia đình vào học tại trường nội trú của huyện. Tại đây, Phượng may mắn được cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thu Trường dìu dắt, chắp cánh ước mơ trở thành một giáo viên tiếng Anh. Với sự định hướng của cô giáo chủ nhiệm, từ năm lớp 7, Phượng đặt mục tiêu thi vào trường ĐH Hà Nội.

Để rèn kỹ năng ngoại ngữ, Phượng và bạn cùng giao ước, hàng ngày chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Nếu ai nói tiếng Việt sẽ bị phạt rửa bát, ăn mỳ tôm. “Hồi đó, tôi nghe tiếng Anh kém lắm. Vì thế, khi luyện nói với nhau hàng ngày, có thể phát âm chưa chuẩn nhưng rèn cho tôi khả năng phản xạ, ghi nhớ từ mới rất tốt. Chúng tôi nói tiếng Anh với nhau nhiều đến nỗi, mẹ phải dặn, hai đứa về quê gặp người lớn phải nhớ nói tiếng Việt”, Phượng nhớ lại.

Phượng còn kết bạn ở Úc, rồi viết thư tay bằng tiếng Anh gửi cho bạn. Để tiết kiệm tiền gửi thư, mỗi lá thư, cô cố gắng viết thật dài, trò chuyện với bạn đủ điều để rèn luyện kỹ năng viết.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Phượng trở thành học sinh giỏi môn tiếng Anh và thi đỗ vào Trường ĐH Hà Nội. Năm 2013, tốt nghiệp đại học, cô tiếp tục học, tốt nghiệp thạc sĩ loại ưu tại ngôi trường này.

Trong suốt những năm tháng học đại học, Phượng đi làm gia sư, hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch. Thời sinh viên cô đã phiên dịch cho các đoàn đến từ 18 quốc gia. Năm thứ 4 đại học, nữ sinh dân tộc Mường nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn, trong đó có công ty dược nước ngoài mời cô đảm nhận vị trí phiên dịch kiêm giám đốc đại diện, với mức lương 1.500 USD.

“Bố mẹ tôi đều công tác trong ngành dược, đúng ra khi có cơ hội hấp dẫn đó, tôi sẽ theo nghiệp bố mẹ. Tuy nhiên, tôi đã từ chối, tiếp tục học lên thạc sĩ theo đuổi ước mơ trở về quê hương để làm cô giáo làng”, Phượng chia sẻ.

Bảo vệ học sinh trên không gian mạng

Năm 2016, Phượng bắt đầu công tác tại Trường THPT Hương Cần. Nhiều đêm cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng thức trắng trăn trở làm sao tìm ra phương pháp dạy ngoại ngữ hiệu quả nhất cho học sinh dân tộc thiểu số, làm sao để các em yêu ngoại ngữ một cách thân thuộc như chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình?... Cô đã mày mò lên mạng tìm kiếm, kết nối.

Bước ngoặt đến khi năm 2018, cô tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT. Từ cuộc thi này cô biết tới một diễn đàn toàn cầu của Microsoft - nơi các giáo viên khắp thế giới tham gia chia sẻ, hỗ trợ nhau. Từ đây, cô giáo dân tộc Mường Hà Ánh Phượng xây dựng mô hình lớp học xuyên biên giới, kết nối học sinh của mình với giáo viên và học sinh các nước khác, gắn liền với nội dung bài học.

Phượng kể, cô đã dùng Skype để kết nối với giáo viên và học sinh ở nước ngoài trong cộng đồng giáo dục Microsoft. Cô đã thiết kế bài giảng, thiết kế các tiết học cho học sinh tự giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, đặc sản vùng miền. “Thời gian đầu kết nối học sinh với thầy cô ở nước ngoài, học sinh của tôi rất nhút nhát. Thấy thầy giáo trên màn hình, có em thốt lên “ông Tây” rồi trốn đi vì sợ, nhiều em ngồi im”, cô Phượng kể.

Tuy nhiên, thông qua những bài giảng mở, những buổi học gần gũi, các em học sinh dân tộc thiểu số đã vượt qua nỗi mặc cảm, tự tin học, giao tiếp, kết nối với bạn bè khắp năm châu. Bằng mô hình lớp học xuyên biên giới, các học sinh vùng cao Việt Nam đã vươn mình ra thế giới.

“Lọt vào Top 50, rồi Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 do Quỹ Varkey bình chọn, tôi nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn từ các đơn vị, tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn được làm cô giáo làng, tiếp tục lan tỏa niềm yêu thích học ngoại ngữ cho học sinh và thực hiện các dự án xã hội, truyền đi giá trị tích cực trong cộng đồng”. 


Cô giáo Hà Ánh Phượng, Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) 

Cô giáo Phượng còn tham gia nhiều hoạt động, dự án hoạt động xã hội ý nghĩa khác. Cô dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở nhiều quốc gia; dạy văn hóa Việt Nam cho những trẻ em gốc Việt ở California (Mỹ). Sáng Chủ nhật hàng tuần, cô dạy cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Ấn Độ. Năm 2020, dự án mang tên “Nói không với ống hút nhựa” của cô đã lan tỏa đến 40 quốc gia, qua đó truyền thông điệp, bảo vệ môi trường, hạn chế dùng đồ nhựa.

Hiện, cô triển khai dự án phòng, chống bạo lực trong không gian mạng và đã cho ra đời bộ cẩm nang hướng dẫn các em học sinh cách tự bảo vệ mình. “Có rất nhiều cạm bẫy trên không gian mạng luôn rình rập các em học sinh. Khi tiến hành khảo sát thực tế, có đến 2/3 học sinh cho biết từng bị bắt nạt trên không gian mạng”, cô Phượng chia sẻ. 

 

Nguồn TPO