Cô 'cảnh sát trưởng' truyền cảm hứng âm nhạc cho học trò
10:21 19/11/2024 350
Nhịp sống trẻ Cô "cảnh sát trưởng" là biệt danh mà các em học sinh trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, TP Hà Nội) thường nhắc về cô giáo Lộc Thị Liên - Tổng phụ trách Đội năng động, nhiệt huyết rất gần gũi, yêu mến của mình.
Cô giáo Lộc Thị Liên - giáo viên âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội tại trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Cô giáo Lộc Thị Liên - giáo viên âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội tại trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Say mê âm nhạc từ khi còn nhỏ, cô giáo Lộc Thị Liên quyết tâm thi lại lần thứ 3 để theo đuổi con đường giảng dạy âm nhạc. Hành trình dài đầy nỗ lực của cô giáo trẻ được ghi nhận, khi được đặc cách trở thành giáo viên sau khi tốt nghiệp với hàng loạt thành tích, giải thưởng lớn khác.
Quyết tâm theo đuổi ước mơ
Sinh ra và lớn lên ở huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang), cô giáo Lộc Thị Liên - người dân tộc Pu Péo - một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam, sớm nhận ra niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Vốn là “cây văn nghệ” của trường trong nhiều năm, song khi ấy các loại hình âm nhạc còn chưa phổ biến, cô giáo trẻ chỉ được học hát cơ bản và nghe nhạc qua đài mà thầy cô mang đến.
Năm thi đại học, cô Liên thử thi vào ngành Sư phạm Âm nhạc của Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương, nhưng trượt cả 2 nguyện vọng và đỗ vào ngành Sư phạm Kỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Một năm sau, cô Liên quyết định thi lại lần nữa với khát khao được học Âm nhạc tại trường hiện tại nhưng vẫn không thành.
Cuộc đời “rẽ hướng” trong một lần cô quay về trường để tham gia văn nghệ kỷ niệm 40 năm thành lập khoa và có dịp trò chuyện với một anh tiền bối. Sau khi trao đổi, anh đã khuyến khích và ngỏ lời giúp cô giáo trẻ “làm lại” lần nữa. Sau một tháng ôn thi cấp tốc, cô Liên lọt top 21 người điểm cao nhất của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Đây cũng là lần đầu tiên cô được làm quen với đàn và thanh âm tiết tấu.
Khi biết con gái muốn đi học tiếp, bố mẹ đã dặn dò phải cân nhắc và suy nghĩ thật kỹ, bởi thời điểm đó gia đình cô Liên không mấy dư dả. Lúc đó, cô chỉ đáp lại “con sẽ làm được!” và hứa sẽ tự nuôi bản thân để được học ngành mình yêu thích.
Đam mê và nỗ lực đã kết trái khi cô Lộc Thị Liên trở thành thủ khoa đầu ra của trường và được đặc cách thi tuyển để trở thành công chức của trường học công lập trong thành phố. Cô đã chọn làm giáo viên Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội tại trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Cô giáo trẻ được học sinh ngưỡng mộ, thường được gọi là nữ "cảnh sát trưởng" và "idol" của học sinh.
Nữ "cảnh sát trưởng" và idol của học sinh
Thời điểm mới về trường, cô giáo trẻ đã từng rất sợ khi phải làm quen với môi trường sư phạm lớn hơn nhiều so với môi trường thực tập trước đây. “Những tiết chào cờ đầu tiên tôi đã run cầm cập khi phải đứng trước hơn 1.200 học sinh để điều phối”, cô Liên tâm sự.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của Tổng phụ trách Đội luôn phải “làm chuẩn” để tạo ra môi trường thi đua công bằng, sôi nổi khiến cô có phần lo lắng và áp lực. Cũng vì thế, cô Liên thường được cả trường gọi với biệt danh “cảnh sát trưởng”, luôn sát sao, chặt chẽ và công tâm trong việc chấm điểm và đánh giá phong trào thi đua của các lớp.
Tại trường THCS Thái Thịnh, cô Liên còn được các em học sinh gọi là “idol” bởi cô không chỉ có giọng hát hay, mà còn truyền cảm hứng cho các em qua các hoạt động ngoại khóa.
Cô Liên cho rằng, mặc dù âm nhạc không phải môn chính nhưng có tác dụng rất lớn trong việc giúp các em giải tỏa căng thẳng, “tiêu tốn” năng lượng sau những giờ học trong lớp.
“Âm nhạc có khả năng lan tỏa và kết nối cực kỳ lớn, vì vậy tôi luôn khuyến khích các em đứng dậy, nắm tay nhau và hát để học sinh xích lại gần nhau hơn. Với tôi, một buổi học thành công khi học sinh cảm thấy hạnh phúc khi cất lên một bài hát, đánh một bài đàn hay biểu diễn một điệu nhảy”, cô giáo trẻ tâm sự.
Trong các giờ học, cô còn tổ chức các hoạt động thiết kế nhạc cụ để giáo dục học sinh về ý thức bảo vệ môi trường, như tạo ra nhạc cụ maracas bằng chai nhựa và hạt, hay làm trống cơm từ vỏ hộp sữa inox. Với những bạn có đam mê và năng khiếu hơn, cô tập hợp và thành lập ban nhạc để các em thực hành và thỏa mãn đam mê của mình.
Không chỉ thế, cô Liên còn hỗ trợ học trò tích hợp âm nhạc vào các môn học khác. Cụ thể, cô giáo trẻ từng đồng hành với các em trong cuộc thi “Festival tiếng Nhật” để đưa âm nhạc vào vở kịch dự thi. Kết quả, trong hai năm liền, nhóm học sinh do cô hướng dẫn đều đạt giải Nhất toàn thành phố.
Cô Liên thường được các em học sinh yêu mến gọi với biệt danh “cảnh sát trưởng”.
Nỗi niềm với quê nhà
Dù đang sinh sống và công tác ổn định ở Thủ đô, song cô giáo quê Bắc Mê vẫn luôn dõi theo việc giáo dục âm nhạc tại các trường học ở quê nhà Hà Giang.
“Các trường học ở Hà Giang hiện chủ yếu chú trọng vào âm nhạc dân tộc của người Tày, Nùng. Đó là những loại hình âm nhạc đặc trưng và công tác giảng dạy này sẽ giúp các em giữ gìn và phát huy văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên tôi vẫn ấp ủ sẽ sớm mang thêm âm nhạc hiện đại về để các em có nhiều cơ hội tiếp xúc hơn”, cô Liên tâm sự.
Những lần được về quê từ thiện, hay biểu diễn văn nghệ tại quê hương của mình, cô giáo trẻ lại càng tự hào, biết ơn và thêm ước ao sẽ được thường xuyên quay về để có cơ hội lan tỏa âm nhạc.
Bên cạnh đó, để mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với mọi người, cô Liên thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội. Cô từng kết hợp âm nhạc của dân tộc Mông trong Hội diễn “Âm vang giai điệu đoàn viên” năm 2023 và đạt giải Nhì.
Cô Liên cho rằng, dù âm nhạc không phải môn chính nhưng có tác dụng rất lớn trong việc giúp các em giải tỏa căng thẳng, tạo không khí vui vẻ, thoải mái hơn sau mỗi giờ học.
Cô giáo Lộc Thị Liên đạt danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương năm 2024.
Trong các hoạt động của trường, cô giáo trẻ cũng luôn cố gắng đưa yếu tố âm nhạc vào những tiết mục văn nghệ hiện đại để giới thiệu các làn điệu dân tộc đặc sắc đến với khán giả.
“Mỗi khi nhắc đến tôi, mọi người thường liên tưởng ngay đến âm nhạc dân tộc, bởi tôi luôn luôn mặc những bộ đồ truyền thống khi trình diễn bài hát của dân tộc đó”, cô Liên nói.
Với nhà giáo trẻ, âm nhạc dân tộc không chỉ là bản sắc riêng của mỗi cộng đồng mà còn là cầu nối, giúp đồng điệu cảm xúc, dẫu khác biệt về ngôn ngữ và phong tục.
Trong tương lai, cô Liên mong muốn sẽ được thực hiện, thiết kế những dự án biểu diễn âm nhạc ở quê nhà. Còn hiện tại, cô vẫn sẽ tiếp tục công tác giảng dạy tại trường THCS Thái Thịnh, bên cạnh đó duy trì kết nối các Tổng phụ trách Đội ở Hà Giang và các tỉnh khác để cùng chia sẻ những hoạt động thú vị, ý tưởng hay, những tài liệu quý về âm nhạc để phát triển và khẳng định vai trò của âm nhạc trong giáo dục quốc dân.
“Tôi muốn mang âm nhạc dân tộc xuống thành phố và mang âm nhạc hiện đại về bản”, cô giáo trẻ bày tỏ.
Trong tương lai, cô Lộc Thị Liên (ở giữa) mong muốn sẽ được thực hiện, thiết kế những dự án biểu diễn âm nhạc ở quê nhà.
Trong tương lai, cô Lộc Thị Liên (ở giữa) mong muốn sẽ được thực hiện, thiết kế những dự án biểu diễn âm nhạc ở quê nhà.
Một số thành tích tiêu biểu của cô giáo Lộc Thị Liên:
- Giáo viên có nhiều nỗ lực, vươn lên và đổi mới, sáng tạo tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS Thành phố Hà Nội;
- Bằng khen của Hội đồng Đội T.Ư dành cho Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2021 - 2022;
- Bằng khen của Thành Đoàn Hà Nội cho Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội tiêu biểu Thủ đô năm 2022;
- Giáo viên có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Sáng kiến sáng tạo” năm 2023;
- Đạt danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 7, năm 2023;
- Giải thưởng Vừ A Dính lần thứ XIV năm 2023;
- Đạt danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương năm 2024.