“Chỉ tuyển người có ước mơ lớn”

09:35 16/05/2014     2500

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Ở Tp. Hồ Chí Minh có một quán cà phê mà cậu chủ 8X của nó đặt ra tiêu chí tuyển dụng nhân viên vô cùng đặc biệt: bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, từng là trẻ mồ côi/trẻ em đường phố và có ước mơ lớn.

5
Đội ngũ nhân viên vui tươi, gắn kết như một gia đình nhỏ của Loft - Ảnh: Loft cung cấp

Đó là nơi bạn bếp phó tên Sơn - xuất thân từ một trại mồ côi - đang từng ngày cố gắng hoàn thiện các kỹ năng, công thức nấu nướng với ước mơ sau này mở một tiệm bánh cho trẻ em tại quê hương La Gi, Bình Thuận. Là nơi cô bạn phụ bếp Thanh Vân gác lại những tháng ngày nhặt ve chai cơ cực, được làm công việc mình yêu thích và nuôi dưỡng mơ ước xây dựng một mái ấm cưu mang những đứa trẻ kém may mắn như mình.
Loft café (26 Lý Tự Trọng, Q.1) là nơi cậu chủ trẻ Nguyễn Hải Ninh (27 tuổi) sáng lập để nuôi dưỡng và ấp ủ những ước mơ như vậy.
Hải Ninh là cái tên quen thuộc trong giới doanh nhân trẻ bởi sự thành công của chuỗi 25 cửa hàng Urban Station trên khắp cả nước. Urban Station tuổi lên ba, chàng cựu sinh viên ĐH Bách khoa nghĩ “đã đến lúc thử cái gì đó mới”. Ninh biết đến một trung tâm đào tạo hướng nghiệp phi lợi nhuận dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhận thấy có thể kết hợp sở thích kinh doanh của mình với việc cung ứng đầu ra, tạo cơ hội việc làm cho các em. “Những bạn trẻ có xuất thân đặc biệt gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc. Các nhà tuyển dụng thường e ngại quá khứ ứng viên là trẻ mồ côi, trẻ đường phố, đường học vấn dang dở mà không nhìn thấy ở các bạn sự bền chí và những giấc mơ lớn - điều mà tôi nghĩ rất lý tưởng trong ngành dịch vụ. Đây là ngành đòi hỏi thái độ và kỹ năng chứ không yêu cầu trình độ học vấn. Kỹ năng có thể được huấn luyện nên tôi chọn người cho Loft chỉ dựa vào thái độ và câu chuyện đằng sau” - Ninh bộc bạch.
Ninh có những buổi phỏng vấn khác thường. Không CV, bằng cấp, chỉ có những câu chuyện được kể. Ứng viên kể Ninh nghe hoàn cảnh của mình, cho Ninh thấy nghị lực bền bỉ, mong muốn vượt lên thay đổi số phận và chia sẻ với Ninh những giấc mơ lấp lánh. Ninh nói: “Đó là may mắn khi tôi được lắng nghe câu chuyện của các bạn. Và là niềm vui khi trao cơ hội giúp các bạn hiện thực hóa ước mơ”.
Không chỉ ngồi một chỗ chờ đợi, Ninh còn chủ động đi tìm. Biết hoàn cảnh của Sơn, Ninh tìm đến xưởng mực in mà Sơn làm công nhân và hỏi Sơn có muốn làm công việc Sơn thích là nấu nướng không. Với mức lương 3-5 triệu đồng/tháng, những bạn trẻ như Sơn, Thanh Vân có thể trang trải cuộc sống và dành dụm tiết kiệm, nuôi dưỡng ước mơ của mình. Ninh cũng nhắc nhở các bạn: thành công không chỉ được chuẩn bị, đầu tư bằng tiền mà bắt đầu từ những điều rất nhỏ, giúp đỡ khách hàng và đồng sự một cách chân thành chẳng hạn. Có lẽ nhờ vậy mà đội ngũ của Loft do Ninh xây dựng không đến với nhau từ những câu chuyện đặc biệt, những giấc mơ đẹp đẽ mà còn gắn kết, thân mật như một gia đình với Ninh là người anh lớn.
Chỉ có 3/11 nhân viên của Loft là dân chuyên nghiệp, nắm vị trí các trưởng bộ phận bếp, quầy bar, tổ phục vụ. Ngoài yêu cầu công việc, đó là ý định của Ninh nhằm huấn luyện và xây dựng hình tượng gương mẫu cho các nhân viên không chuyên. Cậu chủ trẻ không ngừng chỉ cho nhân viên không chuyên thấy thời điểm này năm sau các bạn cần trở thành ai, đang làm gì, đứng ở đâu.
Làm việc với những bạn có hoàn cảnh kém may mắn cũng giúp các trưởng bộ phận học hỏi nhiều điều. Bạn Nguyễn Thụy Anh Khôi (24 tuổi, trưởng quầy bar) kể: “Có lần tôi hỏi một em nhân viên vệ sinh rằng làm việc ấy từ ngày này sang ngày khác có chán không, em chỉ cười bảo được làm việc là em vui rồi. Câu nói đó như khiến tôi bừng tỉnh và nhận thức nhiều hơn giá trị của việc mình làm, của một ngày làm việc”.
Mới đưa Loft đi vào hoạt động được nửa tháng, Hải Ninh không chắc mô hình của mình có thành công hay không, liệu Ninh có đủ sức nuôi dưỡng tất cả giấc mơ đó. Anh chàng chỉ chắc một điều: Loft được xây dựng từ những câu chuyện và ước mơ nên sẽ sống bằng những câu chuyện và ước mơ tiếp nối.