Chàng trai 'đổi màu' huy chương

15:59 01/03/2023     2282

Nhịp sống trẻ   “Thắng không kiêu, bại không nản”, đó là câu nói mà em Võ Hoàng Hải (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) luôn khắc ghi trong lòng khi trở thành học sinh lớp 10 đầu tiên “đổi màu” huy chương tại Olympic Vật lý quốc tế 2022.

Cân bằng thể chất và tinh thần

Theo lời kể của chị Đỗ Mai Hòa (mẹ của em Võ Hoàng Hải), khi mới lên 2 tuổi, Hải đã thích các con số, mày mò học chữ và biết đọc từ rất sớm. Đến 3 tuổi, em đã có thể đọc truyện, thậm chí bỏ qua truyện tranh và chuyển sang đọc những quyển sách dày.

 

Em Võ Hoàng Hải - 1 trong 3 đề cử sáng giá thuộc lĩnh vực Học tập của Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022

 

Hải luôn hiếu kỳ, tò mò về nguyên do của các hiện tượng vật lý nên hay tìm hiểu và đọc sách báo từ khi bước vào cấp 1, ban đầu là cuốn “ Vật lý vui” hay “Mười vạn câu hỏi Vật lý”. Lên cấp 2, cậu tiếp cận các cuốn “Lược sử thời gian”, “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ” hay qua các giờ học của Trung tâm Fastrackids Việt Nam với nhiều thí nghiệm. “Tình yêu với môn học Vật lý của con nảy nở và bắt đầu từ sự hiếu kỳ đó”, chị Hòa nhớ lại.

Khả năng vượt trội của Hải được thể hiện qua “tốc độ” tiếp thu, lĩnh hội kiến thức. Khi chỉ mới lên lớp 8 cậu đã học hết kiến thức vật lý cấp THCS. Với những bài cần sự tư duy cao, trong khi các anh học sinh giỏi lớp 9 vẫn loay hoay tìm phương pháp giải, cậu đã nhanh chóng tìm ra trước.

Mặc dù có khả năng thiên phú, trí thông minh từ sớm nhưng Hải không “cậy” vì điều đó. Em luôn tâm niệm, nếu không nỗ lực trau dồi kiến thức, sẽ bị “bỏ lại” phía sau bởi những người bạn chăm chỉ hơn.

Hải thường đọc, tìm thêm các tài liệu nâng cao về Vật lý, làm thử các đề thi để bồi dưỡng thêm kiến thức cho bản thân. Muốn học hiệu quả hơn, Hải thường áp dụng phương pháp Pomodoro, chia thời gian ôn tập và làm bài thành các khoảng thời gian 25 phút và giờ nghỉ 5 phút để giúp giảm căng thẳng cho bản thân. Khi học, em thường gạch chân và học những ý chính để ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả.

“Em luôn chú trọng việc cân bằng sức khỏe giữa thể chất và tinh thần. Vì thế, mỗi ngày em dành ít nhất 30 phút tập thể dục, giúp cơ thể luôn trong trạng thái khỏe mạnh để có nhiều năng lượng tập trung ôn bài”, Hải chia sẻ.

Không bị ảnh hưởng bởi thành tích hay kỳ vọng

Như mọi năm, đội tuyển dự thi Olympic Vật lý quốc tế của Việt Nam chủ yếu là học sinh lớp 12, trẻ nhất là lớp 11. Võ Hoàng Hải là học sinh lớp 10 đầu tiên tham dự kỳ thi này. Chính vì thế, khi cậu giành tấm Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế (IPhO 2022) đã khiến mọi người ngỡ ngàng, thán phục. Tấm huy chương đã góp phần nâng tầm thứ hạng của Việt Nam, trở thành quốc gia đứng thứ năm trong tổng số 77 đoàn đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Hải đã phải tiếp thu lượng kiến thức gấp đôi so với các anh chị lớp 11, 12. Nhưng cậu luôn đặt tâm thế học vì yêu thích và đam mê, chứ không đặt nặng thành tích.

“Đối với em, dù chiến thắng hay thất bại trong kì thi thì nó vẫn là một trải nghiệm vô cùng đáng quý. Vì vậy, em không bị ảnh hưởng bởi thành tích hay kỳ vọng của mọi người. Kiến thức là vô hạn, vô cùng và học tập là một quá trình lâu dài”, Hải chia sẻ.

Học sinh Võ Hoàng Hải (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) là 1 trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Ngoài tấm huy chương Vàng, Hải còn giành được Huy chương Đồng kỳ thi đánh giá năng lực toán quốc tế (2017-2018 IMAS 7), Huy chương Bạc kỳ thi quốc tế Olympiad Toán Singapore và châu Á SIMOC (2018)…

 

Theo TPO