Ước mơ trở thành cô giáo của cô học trò từng bị xem là “ma cụt tay”

12:03 16/12/2014     1394

Hoạt động Hội, Đội   Sinh ra đã không có đôi tay, H’lonh trú tại làng Krối (xã Đăk Smar, Kbang, Gia Lai) từng bị dân làng kỳ thị và xa lánh.

a
 Từ “con ma cụt tay” H’lonh trở thành cô học sinh giỏi.
a
Ngoài đi học H’lonh còn phụ giúp gia đình nhiều việc khác.
     
 Khi lớn lên với ước mơ cháy bỏng sẽ trở thành cô giáo, H’lonh đã chứng minh cho mọi người thấy mình là con người bình thường có nhiều nghị lực chứ không phải là con ma làng. 

Cô bé H’lonh năm nay đã 14 tuổi, là học sinh lớp 7, Trường Tiểu học Dak Mar (Bậc THCS), năm nào H’lonh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. 

Không chỉ học giỏi, mà H’lonh còn vẽ tranh rất đẹp. Để có được như ngày hôm nay, H’lonh đã phải nỗ lực không ngừng và vượt qua mọi định kiến.

H’lonh được bố mẹ sinh ra thiếu đi đôi bàn tay. Ngày em sinh ra vợ chồng anh Đeng (SN 1971) không dám nhìn vào con mình nữa. Từ đầu làng cho đến cuối làng ai cũng nghĩ nhà anh đã sinh ra một con “ma cụt tay”.

Chị Đinh Thị En, mẹ H’lonh, chỉ biết khóc vì quá thương đứa con tội nghiệp của mình. Chị sợ dân làng đến đưa H’lonh đi. Khi đó chị chỉ mong trong làng sẽ không xảy ra chuyện gì, chỉ cần có chuyện không lành người trong làng sẽ nghĩ ngay đến con của chị. Rồi may mắn ngày tháng trôi đi mọi việc trong làng bình yên, H’lonh vẫn lớn lên dù thiếu đôi cánh tay.

H'lonh đã dùng nghị lực vượt lên số phận để chứng minh mình không phải là “con ma cụt tay” mà là một đứa con ngoan, trò giỏi. Bị mất hai cánh tay, em vẫn còn 2 bàn chân. 

Mọi sinh hoạt của em liên quan đến tay đều do bàn chân đảm nhiệm. Tất cả mọi việc từ mặc áo, chải đầu, đánh răng… H’lonh đều dùng đôi chân làm hết. 

Thương cha mẹ và anh trai vất vả, H’lonh bắt đầu tập làm các việc nhà, từ việc dùng cổ kẹp cây chổi quét nhà, nhen lửa cấu cơm nước cho gia đình đến việc gom chén bát đi rửa… Tất cả mọi việc H’lonh làm đều không thua kém một người có đủ đôi bàn tay lành lặn.

a
 H’lonh viết bằng đôi chân rất điêu luyện.

Đến tuổi tới trường, H’lonh rất muốn được cắp sách cùng bạn bè trang lứa, nhưng không có đôi tay  thì việc cầm bút của H’lonh là không thể. 

H’lonh đã thuyết phục cha mẹ bằng cách tự lấy chân cầm bút viết đi viết lại cho cha mẹ xem. Cảm động trước nghị lực và ước muốn của con, anh Đeng đã dẫn con đến trường xin học. 

Được đi học, với H’lonh mỗi ngày trôi qua là một ngày hạnh phúc. Dù không có đôi tay, nhưng bù lại với sự chăm chỉ và lòng quyết tâm của mình H’lonh không những không thua kém bạn bè mà em còn giỏi giang hơn các bạn. “Cô giáo chỉ cần nói một lần là em nhớ ngay. Em sau này muốn trở thành cô giáo giống cô em”- H’lonh tâm sự.

Dù viết bằng chân nhưng H’lonh không thua các bạn viết bằng tay. Học trên lớp về nhà H’lonh còn tranh thủ giúp đỡ bố mẹ, tối đến H’lonh lại ôn bài.

Anh Đeng, cha của H’lonh, tự hào: “Mới sinh ra cháu đã chịu thiệt thòi đôi bàn tay. Người trong làng người nói vào, kẻ nói ra nhưng khi cháu đến trường mọi người có cái nhìn thay đổi. Cháu học tập và làm việc bình thường như những bạn khác. Điều đó giúp gia đình tôi rất yên tâm về tương lai của cháu”.

Năm 2013, H’lonh đã đạt học bổng Việt Nhật. H’lonh vinh dự là một trong 21 tấm gương được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2014 tại Hà Nội.