Từ tấm gương anh hùng nhỏ tuổi, thiếu nhi tự thay đổi chính mình
09:14 11/05/2019 11394
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Noi gương anh hùng Vừ A Dính, các em thiếu nhi tự nhìn lại bản thân, cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành những công dân tốt, xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng giàu, đẹp.
Tọa đàm được tổ chức chiều 11/5 tại tỉnh Điện Biên
Trong chuỗi hoạt động Hành trình “Tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh”, kỷ niệm 70 năm Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính hy sinh, Hội Đồng đội Trung ương tổ chức Tọa đàm "Theo bước chân người anh hùng tuổi nhỏ chí lớn Vừ A Dính".
Chủ trì Tọa đàm gồm có: đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính; đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Đồng đội Trung ương; đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Trưởng ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đồng đội Trung ương.
Tọa đàm tập trung trong 3 nội dung chính: Cuộc đời và đóng góp của anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính đối với cách mạng Việt Nam; các thế hệ thanh thiếu nhi Việt Nam học tập và noi gương Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính; vai trò của Đội TNTP Hồ Chí Minh trong giáo dục thiếu niên, nhi đồng học và noi gương Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính; tuổi trẻ Việt Nam hôm nay noi gương Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính, sống có lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, tiếp bước truyền thống cha anh, tích cực xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Từ tấm gương anh hùng nhỏ tuổi, thiếu nhi tự thay đổi chính mình
Tại Tọa đàm, anh Vừ A Tủa, cháu anh hùng Vừ A Dính đã xúc động kể lại câu chuyện về lòng gan dạ, dũng cảm của người thân trong gia đình đã hi sinh khi chưa đủ 15 tuổi với các em thiếu nhi.
Anh Vừ A Tủa mong muốn các em thiếu nhi hiện được sống trong hòa bình, được chỉ bảo, dạy dỗ của bố mẹ, được nhà trường, cộng đồng xã hội chung tay, hãy càng vững bước, hăng hái học điều hay, điều tốt như Bác Hồ, cha ông đi trước đã để lại.
Em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 9, Liên Đội phó trường THCS Bồng Lĩnh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh bảy tỏ cảm xúc bâng khuâng, thán phục người anh hùng Vừa A Dính đã không ngần ngại hi sinh vì độc lập Tổ quốc. Anh không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước mà còn truyền nhiều cảm hứng tốt đẹp cho em trong cách nghĩ, lối sống, ước mơ.
Trước tấm gương của anh, Tuấn Anh tự nhận thấy cần phải cố gắng hơn nữa, tu dưỡng đạo đức, xứng đáng con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, công dân tiêu biểu của đất nước, sau này góp phần công sức vào sự phát triển của quê hương, đất nước. "Anh đã giúp em cảm thấy tình yêu quê hương đất nước trong tâm như đang sục sôi, em biết sống có tinh thần trách nhiệm, bảo vệ, gìn giữ cũng như phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp mà anh và các đồng đội, thế hệ cha ông đã để lại". Tuấn Anh chia sẻ.
Minh rất xúc động khi nhắc đến sự hi sinh của anh Vừ A Dính khi chưa đủ 15 tuổi, vẫn còn nhiều ước mơ dang dở anh chưa kịp thực hiện
Em Bùi Ngọc Minh, lớp 9 trường THCS Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ khẳng định, anh Vừ A Dính là tấm gương sáng cho những thanh niên ngày nay. Anh đã tạo ra những cảm hứng sôi nổi trong suy nghĩ, hành động, ước mơ cho bản thân Minh, để Minh thấy cần sống chan hòa, đoàn kết, yêu thương mọi người xung quanh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Minh cũng nhấn mạnh "Trung thực, tự trọng, tự tin là những điều em học được từ anh Vừ A Dính. Đồng thời, nhận biết khuyết điểm và ưu điểm của bản thân để phát huy những điều tốt, hạn chế những điều chưa tốt để hoàn thiện chính mình".
Em Nguyễn Thị Linh Chi, trường THCS Mường Thanh, Tp. Điện Biên Phủ nhắc đến lời dặn của Bác Hồ "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Các bạn nhỏ có thể học chăm sóc cây xanh, bảo vệ môi trường, siêng năng học tập và lao động, hoàn thiện bản thân. Tuy nhỏ tuổi, nhưng mỗi bạn đều có thể tự xác định mục tiêu phấn đấu và hoàn thành tốt nhất.
Linh Chi cũng cho biết, bên cạnh học tập những phẩm chất đáng quý của anh Vừ A Dính, em tự nhắc bản thân cần lên án, ngăn chặn những biểu hiện bạo lực, phê phán lối sống lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm của nhiều bạn nhỏ.
Em Lê Thị Phương Linh, học sinh lớp 7 Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội, là người đạt Giải đặc biệt Cuộc thi tìm hiểu "Người anh hùng tuổi nhỏ chí lớn" cho biết, qua tìm hiểu, em rất cảm phục trước sự dũng cảm, gan dạ, hi sinh của anh, cũng như khâm phục tấm gương hiếu học của anh. "Dù luôn bận rộn với những nhiệm vụ đặc biệt, nhưng anh vẫn mang theo mình một quyển sách để đọc bất kì lúc nào rảnh rỗi", Phương Linh xúc động nói.
Phương Linh đã trình bày bài thi dựa trên ý tưởng cây hoa ban, loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Mỗi bông hoa là một chủ đề về anh Vừ A Dính
Phương Linh tự nhận, biết anh Vừ A Dính hi sinh khi còn nhiều ước mơ dang dở chưa thực hiện được, em thấy bản thân thật nhỏ bé và chưa làm được nhiều điều có ích. "Ở cùng lứa tuổi, anh ít được sự chăm sóc của bố mẹ, tuổi nhỏ đã tham gia cách mạng, tự học hỏi mọi điều. Cuộc sống, hành động của anh đã khiến em tự soi lại mình, được sống trong sự đủ đầy, phải chăng em đã quá ích kỉ, đòi hỏi quá nhiều từ gia đình, người thân. Anh chính là người đã giúp em tự soi lại mình, định hướng và nhen nhóm trong em phải thay đổi suy nghĩ, thái độ sống ngay từ hôm nay". Phương Linh nhấn mạnh.
Học hỏi, rèn luyện tốt từ tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong
Bên cạnh chia sẻ của các em thiếu nhi, Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác Đội.
Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thanh Đạo đã chia sẻ những kinh nghiệm trong thời gian là Chủ tịch Hội Đồng đội khóa I. Ông cho rằng ngay từ bé, các em thiếu nhi "tuổi nhỏ chí lớn" đã thảo luận về các phong trào cách mạng và giáo dục đạo đức, truyền thống yêu nước, thông qua các chương trình, hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong như: Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, Chiến sĩ nhỏ Điện Biên…
Ông nhấn mạnh, giáo dục truyền thống là giáo dục nhân cách ngay từ khi còn nhỏ để trở thành những công dân tốt, giúp xây dựng đất nước ngày càng đẹp và vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Thái An, Phó trưởng ban Công tác thiếu nhi cho biết, các em thiếu nhi ngày nay được sinh và sống trong thời hòa bình, không chứng kiến trực tiếp sự hi sinh của những anh hùng liệt sĩ, nhưng sẽ được tìm hiểu qua các hoạt động của Đội trong các phong trào truyền thống của Đội, kỳ sinh hoạt, kỷ niệm các ngày lễ lớn.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, các phong trào và hoạt động của Đội đã được đổi mới phương thức và cụ thể hóa, gắn liền với nhu cầu thực tiễn của các em thiếu nhi như: Tổ chức các mô hình, CLB về học tập; tổ chức các cuộc thi trên mạng xã hội; xây dựng tủ sách thúc đẩy văn hóa đọc. Riêng với các em thiếu nhi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Đội đã triển khai các hoạt động bạn giúp bạn, tiếp sức đến trường, giúp các em có môi trường học tập và rèn luyện tốt nhất.
Bên cạnh đó, Đội cũng giúp các em rèn luyện kỹ năng, thẩm mỹ; các cung, nhà thiếu nhi cung cấp cơ sở vật chất giúp các em học tập; các mô hình trại hè cho các em lồng ghép các kỹ năng cần trong cuộc sống như đuối nước, an toàn thông tin trên môi trường mạng...
Bà Trương Mỹ Hoa chia sẻ thông tin với các đại biểu tại Tọa đàm
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương ghi nhận các ý kiến góp ý để bổ sung thêm các nhiệm vụ, giải pháp của tổ chức Đoàn - Đội để làm tốt hơn chức năng giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ, cũng như chăm lo tốt hơn quyền lợi của các em.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, hiện nay việc giáo dục lịch sử, truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho các em thiếu nhi đặt ra nhiều câu chuyện khác nhau, phức tạp, khó khăn trong bối cảnh mới, nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi Đội phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Trong thực tiễn, việc xác định giáo dục truyền thống cho các em thanh thiếu niên thông qua các địa chỉ đỏ, các hành trình trải nghiệm, sáng tạo, gương anh hùng trẻ tuổi, gương người tốt việc tốt là phương thức giáo dục hiệu quả, phát huy tốt tác dụng trong thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của các em. Vì vậy, khi tổ chức các hoạt động, hành trình đến các địa chỉ đỏ, gặp mặt các nhân chứng truyền thống, được giáo dục thêm các gương anh hùng trẻ tuổi, đa số tham gia là các em thiếu niên nhi đồng. Sau những hoạt động đó, những thu hoạch đã tác động đến nhận thức của các em có hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh, các hoạt động cần triển khai mang tính bền bỉ, lâu dài, theo phương châm "mưa dần thấm lâu" qua sinh hoạt chi đội, qua các hành trình, các ngày lễ kỉ niệm lớn, các cuộc thi, chuỗi hoạt động lớn
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương mong muốn, mỗi bạn trẻ hãy tìm hiểu về anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính, từ đó vận dụng những giá trị học từ anh vào thực tiễn như sự hiếu học, sự tự tin, tự lập, tình yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình, tinh thần giác ngộ cách mạng, kiên trì, bền bỉ, vượt khó, quả cảm, thông minh, vững tin vào mục tiêu mình đã lựa chọn.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn-Đội cũng nhận thấy sự cần thiết của đổi mới nội dung phương thức trong tuyên truyền các tấm gương anh hùng liệt sĩ, anh hùng nhỏ tuổi chí lớn đã góp phần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước bằng nhiều hình thức khác nhau như: mạng xã hội; diễn đàn; sinh hoạt chi đoàn, chi đội; …để thắp sáng thêm niềm tin cho các em và chăm lo tốt hơn việc giáo dục, bồi dưỡng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các em, đồng thời phát huy tốt thế mạnh, năng khiếu của các em trong thời kì khoa học công nghệ 4.0 để các em tham gia và phát huy tốt hơn năng lực của mình trong phong trào Đoàn-Đội, cũng như các hoạt động xã hội khác.
Đồng chí khẳng định, tấm gương, tinh thần bất khuất, kiên trung của anh hùng Vừ A Dính sẽ mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ tự hào, trân trọng, khắc ghi, biết ơn, phấn đấu noi theo trong thời gian tới. Đồng chí tin rằng, những hoạt động trong thời gian tới sẽ tiếp tục được duy trì, và sẽ có nhiều hoạt động trải nghiệm hơn nữa, có sức lan tỏa giúp các em hiểu rõ hơn, truyền cảm hứng tốt hơn cho đông đảo thanh thiếu nhi trong toàn quốc.
Ngọc Anh Tweet