Thanh thiếu niên góp ý xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn

22:54 24/01/2019     8000

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Chiều ngày 24/01, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp tổ chức Hội thảo “Tiếng nói của thanh thiếu niên đối với xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn”.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), một số tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội làm việc trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em; doanh nghiệp công nghệ, ĐVTN... và đặc biệt là hơn 20 thiếu niên là thành viên Hội đồng trẻ em thành phố Hà Nội và học sinh một số trường THCS trên địa bàn.

 

 

Mối đe doạ từ môi trường mạng ngày càng lớn

Trong tham luận “Thanh thiếu nhi trên môi trường mạng và vai trò của các bên liên quan trong bảo vệ thanh thiếu nhi”, chị Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD khẳng định, các rủi ro từ môi trường mạng ngày càng đa dạng, không thể lường hết và không chừa một ai. Đặc biệt, thanh thiếu niên rất dễ gặp rủi ro vì đây là đối tượng tiếp cận môi trường mạng rất nhanh, trong khi chưa có hiểu biết đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng Internet.

Thống kê cho thấy, hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi từ 15-24 tuổi. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy kỹ năng công nghệ thông tin mà không dạy về sử dụng mạng an toàn.

 

Nhóm Kết nối chia sẻ các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ trên mạng xã hội

 

Cũng theo nghiên cứu của MSD, cứ 1 trong 4 trẻ đã từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng; cứ 1 trong 3 trẻ là nạn nhân của bắt nạn trên mạng; mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng...

Theo chị Phương Linh, các rủi ro trên môi trường mạng bao gồm: lộ thông tin cá nhân, nghiện game, giảm tương tác vận động, bị bắt nạt, xâm hại tình dục, kết bạn xấu, chia sẻ thông tin không chính xác…

Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội là xu hướng không thể cưỡng lại nên các em cần được trang bị kỹ năng để sử dụng môi trường mạng hiệu quả, an toàn.

Cần đồng hành, làm bạn với trẻ em

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm thiết lập các “lá chắn” vững chắc để bảo vệ trẻ em khi tham gia vào môi trường mạng.

Bên cạnh đó, các quy định pháp lý còn thiếu, chưa đồng bộ; năng lực quản lý, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn rất hạn chế; hệ thống bảo vệ trẻ em chưa đủ điều kiện ngăn chặn kịp thời các yếu tố nguy cơ từ môi trường mạng…

Tham gia phần đối thoại tại Hội thảo, các em học sinh đã chia sẻ nhiều thông tin, đặc biệt là những mong muốn, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo vệ trẻ em, các nhà trường và đặc biệt là các bậc cha mẹ để làm sao các em được bảo vệ tốt nhất trên môi trường mạng.

 

Các em bày tỏ quan điểm về quyền kiểm soát của cha mẹ đối với việc sử dụng mạng xã hội của con cái

 

Theo nhóm các em đến từ trường Cầu Giấy, trẻ em thường hiếu động, thích tìm hiểu cái mới nên dễ bị lợi dụng trên mạng. Nhiều thông tin xấu, thông tin xâm hại tình dục trên mạng khiến các em học sinh lo sợ. Cha mẹ cần chú ý đến những ứng dụng trong máy tính, điện thoại của trẻ em và hướng dẫn con mình cách sử dụng mạng xã hội an toàn.

Các em cho rằng, thầy cô giáo, cha mẹ không được xâm phạm quyền riêng tư của em; nên giữ thái độ bình tĩnh, không dùng biện pháp áp đặt, lời lẽ nặng nề khi các em có những hành vi không tốt trên mạng. Có như vậy, mới không tạo khoảng cách giữa hai bên và các em dễ dàng chia sẻ những vấn đề, khó khăn mình đang gặp phải.

"Không chỉ chú trọng đào tạo kỹ năng cho trẻ em mà còn cần phải đào tạo kỹ năng cho người lớn, cho các bậc cha mẹ", các em đề xuất.

Đồng tình với ý kiến này, chị Phương Linh cho rằng, bố mẹ nên là bạn với con, từ đó bố mẹ chia sẻ với các con và các con chia sẻ với bố mẹ.

Theo nhóm các bạn học sinh đến từ trường THCS Nguyễn Phong Sắc, nhiều bậc cha mẹ do quá bận bịu mà quên dành sự quan tâm cho con cái, thiếu sự sát sao những nội dung con truy cập, chia sẻ trên mạng. Có một sôa bố mẹ vì lo lắng quá nên cấm các con sử dụng mạng.

Các em cho rằng, bố mẹ nên thường xuyên nhắc nhở các con hậu quả trên mạng xã hội; đưa ra quy định về thời gian sử dụng mạng xã hội; luôn luôn đồng hành, theo dõi các con về nội dung các con truy cập... Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo vệ trẻ em cần tổ chức nhiều hơn các lớp học kỹ năng, đưa kỹ năng sử dụng mạng an toàn vào giảng dạy trong trường học; cần thường xuyên tuyên truyền, đào tạo, cập nhật kiến thức cho các bậc phụ huynh về những nguy cơ mới trên mạng xã hội đối với trẻ em cũng như kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn...

Các em cũng đề xuất cần có nhiều cách thức mới, đa dạng hình thức để tuyên truyền, giáo dục về môi trường mạng, đặc biệt là sử dụng hình ảnh, video clip hay tổ chức các cuộc thi về sử dụng mạng Internet an toàn.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho rằng, thành công của hội thảo hôm nay không chỉ có sự góp mặt của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp mà đặc biệt là các em thiếu nhi được nói lên tiếng nói của mình, được tham gia tích cực, chủ động vào vấn đề liên quan trực tiếp tới các em. Mỗi chia sẻ, đề xuất của các em sẽ giúp cho các cơ quan chức năng có những giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn và phù hợp với các em.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương mong muốn, trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục phối hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật, quy định... về môi trường mạng tới các em; xây dựng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với từng lứa tuổi; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, văn hoá sử dụng mạng xã hội, CNTT cho các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và cả cán bộ quản lý; có chuyên đề khảo sát riêng để đánh giá nhu cầu, nguyện vọng, tâm sinh lý, trào lưu, xu hướng trên mạng xã hội hiện nay.

 

Kiều Anh