Sôi nổi các ý kiến thảo luận tại Phiên thảo luận tổ “Quốc hội trẻ em”
17:25 28/09/2024 878
Hoạt động Hội, Đội ĐTN: Trong khuôn khổ Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II, năm 2024, chiều ngày 28/9, tại Toà nhà Quốc hội, 306 đại biểu thiếu nhi đã tham gia phiên thảo luận tổ.
Đại biểu đã được chia thành 12 tổ, tham gia thảo luận về 2 nhóm chủ đề gồm: Phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích, đặc biệt trong môi trường học đường
Sôi nổi các ý kiến thảo luận tại Phiên thảo luận tổ “Quốc hội trẻ em”
Hiện nay, vấn đề bạo lực học đường dần trở thành thực trạng nhức nhối của xã hội.Theo thống kê của Bộ giáo dục, tính từ năm 2021 đến nay cả nước có hơn 700 vụ việc bạo lực học đường. Đến thời điểm hiện tại, bạo lực học đường không chỉ mang tính bạo lực thể xác mà còn là gây áp lực và bạo lực về cả tinh thần thông qua lời nói, mạng xã hội, gây lo lắng và hậu quả nghiêm trọng đến các đối tượng liên quan....
Để giải quyết, cải thiện vấn về bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Thái Bình Nhi, đại biểu tỉnh Khánh Hòa đề xuất nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục trong nhà trường thông qua các video clip minh hoạ về hậu quả của bạo lực học đường, xây dựng hệ thống đường dây, phòng tư vấn để lắng nghe những tâm tư và kịp thời xử lí các trường hợp bạo lực trong nhà trường của học sinh.
Đại biểu thiếu nhi tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Ngoài ra cần phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, tích cực đẩy mạnh các hình ảnh tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, xây dựng các video, kết hợp với các KOL, KOC để đẩy mạnh truyền thông ngăn chặn bạo lực học đường, quản lí các nội dung đăng tải trên mạng, không đăng tải các nội dung bảo lực, tăng cường kiểm duyệt nội dung, bài viết trên mạng xã hội. Đại biểu Nguyễn Thái Bình Nhi nói.
Đại biểu Bùi Khánh Ly, đại diện đến từ Nam Định đề xuất: Cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc giám sát và giáo dục học sinh cùng đó các chương trình giáo dục về kỹ năng sống cần được lồng ghép vào chương trình giảng dạy, giúp học sinh có khả năng tự giải quyết xung đột một cách ổn thoả.
Đại biểu thiếu nhi tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Bùi Khánh Ly cũng cho rằng việc kết hợp giữa giáo dục kĩ năng sống, sự tham gia chặt chẽ của phụ huynh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại và cách phòng tránh của bạo lực học đường sẽ giúp giảm thiểu tình trạng này. Điều này không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện mà còn tạo ra môi trường học đường an toàn và thân thiện hơn. Đại biểu Khánh Ly nói
Đồng quan điểm với các ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Châu đến từ Sơn La cho biết: Ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện phát triển về giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý, vì vậy dẫn đến việc các bạn học sinh ở vùng sâu vùng xa có xu hướng bạo lực khá nhiều, do các bậc phụ huynh thường phải đi làm xa hoặc làm nông nghiệp nặng nhọc ít có thời gian để giám sát và quan tâm đến con cái. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ em bị ảnh hưởng bởi môi trường xấu hoặc các hành vi bạo lực mà không có sự can thiệp kịp thời.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Minh Châu đề xuất một số giải pháp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đề cao vai trò trách nhiệm của gia đình và nhà trường; xây dựng tài liệu hướng dẫn bằng các bộ nhận diện phù hợp cho các bậc cha mẹ, trẻ em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khan; ngoài ra cần tang cường kiểm soát sàng lọc các phim ảnh có nội dung bạo lực để tránh học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đại biểu thiếu nhi tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Cũng tại các phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận Phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích, đặc biệt trong môi trường học đường. Các đại biểu cho rằng cần phải phối hợp với nhà trường, thắt chặt việc giám sát và giáo dục học sinh trong việc lưu trữ, sử dụng chất kích thích,tích cực quan tâm đến học sinh, xử lí các trường hợp học sinh vi phạm và báo cáo về cho phụ huynh học sinh để nắm rõ tình hình; đồng thời các chương trình giáo dục về kỹ năng sống cần được lồng ghép vào chương trình giảng dạy, giúp học sinh nhận thức rõ tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử; tăng cường tuyên truyền về phòng chống thuốc lá, xây dựng tiểu cảnh, hoạt động trải nghiệm về thuốc lá để thu hút học sinh.
Đại biểu thiếu nhi tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa giáo dục kỹ năng sống và sự tham gia chặt chẽ của xã hội sẽ giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng trên, giúp học sinh được phát triển sức khoẻ toàn diện và xây dựng môi trường lành mạnh.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong triển khai hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027”.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn xã hội đối với trẻ em, cũng như công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng. Đây cũng là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.