Sơ kết 01 năm thí điểm “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, thành phố

13:58 10/07/2018     698

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Chiều 6/7, Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, thành phố đã diễn ra tại Hội trường Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh.
Đến tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương và bà Marianne Oehlers, Trưởng văn phòng Hợp tác Chương trình UNICEF Việt Nam.


Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương phát biểu tại buổi sơ kết
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương phát biểu tại buổi sơ kết


Nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016; Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, giai đoạn 2016 - 2020”, mô hình “Hội đồng trẻ em” được thành lập do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện và đi vào hoạt động từ tháng 06/2017.

Đã có 05 tỉnh thành phố gồm Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định và thành phố Hồ Chí Minh là các đơn vị được chọn để xây dựng và triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, thành phố giai đoạn 2017 - 2020.

“Hội đồng trẻ em” có ban Chủ tịch là thanh thiếu nhi tiêu biểu ở mỗi tỉnh, thành. Hội đồng họp định kì 02 lần/01một năm, là nơi để đại diện thanh thiếu nhi các tỉnh, thành được nói lên những tâm tư, nguyện vọng và đóng góp những ý kiến góp phần bảo vệ các quyền của trẻ em.

Qua 02 kỳ họp của Hội đồng các tỉnh thí điểm (trừ Quảng Ninh và Bình Định chỉ tổ chức 01 kỳ họp), Hội đồng trẻ em đã tiếp thu được nhiều ý kiến, mong muốn của thanh thiếu nhi. Về học tập, các em kiến nghị tăng thêm thời gian thực hành và hoạt động ngoại khóa. Về vui chơi giải trí, thanh thiếu nhi mong muốn mở thêm nhiều trung tâm vui chơi giải trí lành mạnh, trong đó mở cửa miễn phí ít nhất 1 lần/tuần cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, qua Hội đồng trẻ em, nhiều em bày tỏ nhu cầu được tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường. Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo cũng được lắng nghe ý kiến của thiếu nhi về vấn đề rác thải, bảo vệ môi trườngy cũng như những công trình chậm tiến độ, các vấn đề giao thông,….


Đại biểu Hội đồng trẻ em TP Hà Nội nêu ý kiến tại Hội nghị
Đại biểu Hội đồng trẻ em TP Hà Nội nêu ý kiến tại hội nghị


Sau hơn 01 năm thí điểm, Hội đồng trẻ em đã chọn lựa ra những thanh thiếu nhi tiêu biểu để điều hành Hội đồng. Đây là những người tiên phong trong học tập lối sống đẹp, làm gương mẫu cho thiếu nhi địa phương. Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tập huấn nâng cao năng lực cho các em thông qua các hoạt động như: lớp “Kỹ năng phát hiện vấn đề và thu thập thông tin cho các thành viên Hội đồng trẻ em”; triển khai chương trình “U-report Diễn đàn tiếng nói trẻ em Việt Nam”;...v.v…

Tại buổi sơ kết, nhiều thành viên Hội đồng trẻ em và cán bộ Đoàn địa phương cũng nêu lên những hạn chế trong triển khai mô hình "Hội đồng trẻ em".

Bạn Huỳnh Thị Anh Thảo (Hội đồng trẻ em Bình Định) và Nguyễn Thảo Phương (Hội đồng trẻ em Quảng Ninh) cùng cho rằng, khoảng cách về địa lý gây khó khăn cho trẻ em ở các huyện xa tham gia sinh hoạt tại Hội đồng. Nhiều ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền và tạo diễn đàn Hội đồng trẻ em còn chưa được tốt, cần được chú trọng hơn.

Liên quan đến công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho thành viên Hội đồng Trẻ em, đồng chí Phan Thị Thanh Phương - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Tập huấn cho các bạn chủ chốt ở Hội đồng trẻ em là cần thiết. Tuy nhiên chúng ta cần cân nhắc hình thức tập huấn, tránh làm gia tăng sự tự tin ‘quá đà’ khiến các em tách khỏi cộng đồng trẻ em”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho rằng, dù mới qua 01 năm thực hiện thí điểm, 05 tỉnh, thành đã có nhiều sáng tạo, mạnh dạn trong thực hiện hoạt động cũng như thể hiện vai trò của mình, tạo nên một số chuyển biến tích cực trong giáo dục. Phần lớn nguyện vọng chính đáng của trẻ đã được lắng nghe và được đáp ứng. Những khó khăn, hạn chế còn có sẽ được khắc phục trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang cũng cho biết, tỉnh, thành nào chưa thành lập được Hội đồng trẻ em thì tiến hành thực hiện mô hình Kỳ họp trẻ em để kịp thời lắng nghe trẻ.

“Các tỉnh, thành cũng phải đa dạng hình thức lắng nghe trẻ em thông qua nhiều mô hình khác nhau, như: hộp thư, diễn đàn, câu lạc bộ quyền trẻ em; khẩn trương thực hiện phiên họp/ kỳ họp Hội đồng trẻ em tại địa phương. Đoàn- Hội - Hội cần quan tâm tổng hợp, xử lý các kiến nghị của các em sau kỳ họp, gửi về các sở, ngành có liên quan. Khi có kết quả cần trả lời lại với các em”, đồng chí Duy Trang nói.