Nhìn lại 01 năm triển khai mô hình Hội đồng trẻ em tại Quảng Bình
16:29 31/08/2020 685
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện nay là vấn đề được các cấp, ngành chức năng quan tâm triển khai thực hiện, đặc biệt là việc triển khai các nhóm quyền của trẻ em theo đúng tinh thần Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và Luật trẻ em năm 2016.
Theo luật định, sự tham gia của trẻ em là một tiêu chí xuyên suốt trong Luật Trẻ em năm 2016, và được quy định cụ thể tại Chương V "Trẻ em tham gia vào các vấn đề của trẻ em". Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1235/QĐ-TTg về "Phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020" và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 123/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đảm bảo việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề về trẻ em, đồng thời, tạo môi trường giúp trẻ em trên địa bàn tỉnh được đề đạt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất thiết thực đối với việc học tập, vui chơi, giải trí của chính các em.
Tập huấn nâng cao năng lực cho 35 thành viên HĐTE về các nội dung Luật trẻ em
Trên cơ sở đó, tháng 9 năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Quảng Bình đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án hoạt động của mô hình Hội đồng trẻ em (HĐTE) tỉnh Quảng Bình và chỉ đạo thực hiện xây dựng thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em cấp huyện tại huyện Quảng Ninh. Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình do Ban Thường vụ tỉnh Đoàn thành lập gồm 35 em thiếu nhi từ 9-16 tuổi, là những thiếu nhi tiêu biểu, xuất sắc nhất trong học tập và hoạt động tại cơ sở, đại diện cho các thành phần thiếu nhi trong toàn tỉnh được chọn cử từ 08 huyện, thị xã, thành phố, Nhà thiếu nhi tỉnh gồm: 01 Chủ tịch Hội đồng, 02 Phó Chủ tịch Hội đồng và 32 Ủy viên là nhóm đại diện cho trẻ em tỉnh Quảng Bình để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với lãnh đạo tỉnh về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại tỉnh Quảng Bình. Là một trong những kênh thông tin quan trọng đại diện cho tiếng nói của trẻ em tỉnh nhà, làm cầu nối giúp lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, tổ chức nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu của trẻ em làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em.
Để thực hiện các nội dung của Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã phối hợp với đại diện tổ chức Quốc tế Plan tại Quảng Bình và các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức 02 lớp tập huấn đội ngũ giảng viên nguồn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho 65 cán bộ phụ trách thiếu nhi và 02 đợt tập huấn nâng cao năng lực cho 35 thành viên HĐTE về các nội dung Luật trẻ em, Công ước Liên hợp Quốc về quyền trẻ em; kiến thức về giới, giới tính, bình đẳng giới, kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực; hướng dẫn cho trẻ em thu thập thông tin, xử lý thông tin từ bộ công cụ, cách tổng hợp thông tin và viết báo cáo.
Năm vừa qua, thông qua các kỳ họp của Hội đồng trẻ em tỉnh, đã có 35 ý kiến của trẻ em được gửi đến lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, trong đó có 15 câu hỏi liên quan đến Quyền trẻ em tại Điều 74-Luật trẻ em năm 2016 đã được các em trình bày trực tiếp với Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và các sở, ban, ngành liên quan. Những vấn đề được các em đặc biệt quan tâm như: bạo lực học đường; bạo hành trẻ em; xâm hại trẻ em; áp lực học tập; bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em mồ côi; sử dụng mạng internet; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hủ tục lạc hậu; quyền tham gia của trẻ em... Sau buổi đối thoại, Đoàn đại biểu Quốc hội đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của Hội đồng trẻ em.
Trong thời gian qua, hoạt động Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan, sự hỗ trợ tích cực của tổ chức quốc tế Plan tại Quảng Bình. Đây là mô hình hoạt động mới triển khai trên địa bàn tỉnh, bước đầu cho thấy hiệu quả tốt, tạo cơ hội để trẻ em phát huy quyền tham gia của mình, tạo sự bình đẳng và môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của chính các em. Các thông điệp, những vấn đề thắc mắc của trẻ em bước đầu đã được các cơ quan ban ngành liên quan tiếp nhận và từng bước giải quyết một cách có hiệu quả, tích cực.
Trong thời gian tới, với mục tiêu duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình Hội đồng trẻ em tỉnh sẽ tập trung vào công tác tập huấn, bồi dưỡng; đa dạng hóa các hình thức để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho thành viên Hội đồng trẻ em. Tăng cường, phát huy tiếng nói của trẻ em từ cơ sở thông qua các mô hình hoạt động trong trường học, trên địa bàn dân cư như: “Phát thanh măng non”, hộp thư “Điều em muốn nói”. Tăng cường giám sát việc thực hiện của các sở, ngành liên quan về các kiến nghị, đề xuất của các em.
Với sự quyết tâm và nỗ lực cao, kỳ vọng Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện tốt vai trò và sứ mệnh của mình đó là “Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”.
Thanh Lam Tweet