Hãy để trẻ em lên tiếng, nói lên tiếng nói của mình

08:42 30/07/2019     1935

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Tại Hội thảo kinh nghiệm triển khai mô hình Hội đồng trẻ em, đa số các đại biểu cho rằng, mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực, tạo môi trường và cơ hội cho trẻ em được lên tiếng, nói lên tiếng nói của mình.

Sáng 30/7, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương phối hơp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức hội thảo kinh nghiệm triển khai mô hình hội đồng trẻ em.

 

 

Dự chương trình có bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; bà Sharon Kane, Giám đốc Plan International Việt Nam.

Theo báo cáo tính đến thời điểm này, có 10 tỉnh, thành phố có Hội đồng trẻ em, trong đó, 8 địa phương tổ chức ở cấp tỉnh, 2 địa phương tổ chức ở cấp huyện. Trong năm 2019, Hội đồng Đội T.Ư tiếp tục hướng dẫn, định hướng để các tỉnh có điều kiện tiếp tục nhân rộng mô hình “Hội đồng trẻ em”. Đặc biệt, tháng 6/2019, được sự đồng ý của Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã ký biên bản ghi nhớ với tổ chức Plan International Việt Nam về “Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em” giai đoạn 2019 - 2021, trong đó, xác định tập trung hỗ trợ thành lập Hội đồng trẻ em các cấp tại 5 tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư cho biết, sau khi thành lập Hội đồng trẻ em các tỉnh đã tổ chức các kỳ họp định kỳ với lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh. Qua báo cáo tổng hợp của 5 tỉnh, thành phố đã có hơn 5.000 ý kiến của các em được tổng hợp từ cấp cơ sở gửi tới các cấp lãnh đạo trong tỉnh.

 

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư phát biểu

 

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, hội đồng trẻ em bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực, tạo môi trường và cơ hội cho trẻ em trao đổi ý kiến, nguyện vọng và đề xuất các vấn đề xuất phát từ cuộc sống liên quan đến học tập, vui chơi, giải trí của trẻ. Bên cạnh đó, Hội đồng trẻ em phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp lãnh đạo địa phương, các cơ quan trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tâm tư nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ em; tạo sự chuyển biến và nhận thức của toàn xã hội về quyền tham gia của trẻ em và trách nhiệm thực hiện các mục tiêu về trẻ em. Tuy nhiên đây là mô hình mới, nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, hoạt động của các thành viên Hội đồng trẻ em tại cơ sở thiếu kỹ năng, việc thu thập lấy ý kiến trẻ em còn mang tính bao quát.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình Hội đồng trẻ em, chị Bùi Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội cho rằng: Hội đồng trẻ em chúng tôi họp 2 năm lần 1. Chủ đề của các kỳ họp tập trung vào các vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội như: phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực xâm hại trẻ em, an toàn và lành mạnh cho trẻ em trong thời công nghệ số, lao động trẻ em hay tổ chức các hoạt động sinh hoạt tại khu dân cư.

 

Chị Bùi Lan Phương, Phó chủ tịch Hội đồng đội thành phố Hà Nội trao đổi tại hội thảo

 

Các ý kiến nguyện vọng của trẻ em được chúng tôi nắm bắt thông qua diễn đàn trẻ em được tổ chức tại các liên đội. Vì vậy các vấn đề các em đề xuất được các cấp lãnh đạo quan tâm trả lời giải quyết kịp thời.

 

 

Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị đề xuất, để tăng quyền tham gia của trẻ cần mở thêm kênh góp ý của trẻ qua internet; đồng thời, để trẻ em tự chọn đại biểu tham gia hội đồng trẻ em đại diện nói lên tiếng nói của mình, người lớn không nên chọn thay trẻ.

Anh Phạm Ngọc Đang, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Lai Châu cho rằng, việc thành lập Hội đồng trẻ em là hết sức cần thiết với mục đích nhằm tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Đồng thời, giúp trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng và giúp các cơ quan, tổ chức có liên quan đến trẻ em hoàn thiện quá trình xây dựng luật pháp, hoạch định chính sách và ra các quyết định về trẻ em. Đây là một bước tiến mới trong tiến trình thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em, là mô hình được xã hội mong đợi và kỳ vọng hiện nay.

 

Anh Phạm Ngọc Đang, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Lai Châu

 

Bà Lê Quỳnh Lan, đại diện Tổ chức Plan International Việt Nam cho biết: Trong chương trình hợp tác chúng tôi muốn thí điểm tổ chức được phiên họp Quốc hội với trẻ em. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện một hoạt động mới so với mô hình trẻ em đang được triển khai, đó là thực hiện các nghiên cứu của trẻ em dưới con mắt của trẻ em. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ để hoàn thiện tài liệu hóa các cơ chế vận hành của cơ quan đại diện tiếng nói trẻ em. Tại 5 tỉnh triển khai giai đoạn mới chúng tôi sẽ hỗ trợ triển khai thành lập Hội đồng trẻ em cấp tỉnh và cấp huyện.

 

 

Đánh giá về mô hình này, bà Sharon Kane Giám đốc tổ chức Plan International Việt Nam, cho biết Việt Nam là nước dẫn đầu trong việc cam kết quyền trẻ em, chú trọng quyền tham gia của trẻ em và tạo điều kiện cho các em tham gia một cách ý nghĩa. Theo bà Sharon Kane cần tạo môi trường, điều kiện cho trẻ nói lên tiếng nói của mình và mô hình Hội đồng trẻ em là mô hình rất tốt. “Tôi ủng hộ mô hình này, để tăng quyền tham gia của trẻ, trẻ tự nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình, bởi vì người lớn không phải biết tất cả”, bà Sharon Kane nói.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam rất chú trọng đến quyền tham gia của trẻ em, thể hiện qua việc Việt Nam ký Công ước quốc tế về Quyền trẻ em cách đây 30 năm; Hiến pháp 2013 sửa đổi cũng đã ghi nhận quyền tham gia của trẻ em; Luật trẻ em năm 2016.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị

 

Theo bà Minh, muốn phát huy được quyền tham gia của trẻ em điều quan trọng là phải tôn trọng các em. Bà Minh cho rằng, thực tế nhiều gia đình, người lớn chưa thực sự tôn trọng quyền tham gia trẻ em, vẫn còn quan điểm: “Trẻ em biết gì mà nói”. “Tôi đồng ý với quan điểm của bà  Sharon Kane rằng, không phải người lớn cái gì cũng biết hết. Hãy để trẻ em lên tiếng, nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình”, bà Minh nói.

 

Bảo Anh