Cô giáo Lê Thị Thư- 25 năm làm tổng phụ trách Đội

12:15 21/09/2017     1520

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Trẻ trung, vui tươi, dễ gần... là cảm nhận đầu tiên về nữ giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương Lê Thị Thư. Ấn tượng về cô không chỉ là khoảng thời gian 25 năm làm tổng phụ trách đội với rất nhiều kỷ niệm mà hơn hết, đó là những thành tích mà nữ giáo viên này đạt được trong suốt chừng ấy thời gian kiêm nhiệm.

Tâm huyết, trách nhiệm thì sẽ làm được

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật ngành sư phạm âm nhạc khoá đầu năm 1991, Lê Thị Thư xin vào thử việc tại Trường cấp hai Ngọc Sơn (Thanh Chương). Những năm đầu, Thư vừa đi làm vừa theo học trung cấp chuyên ngành tiểu học.

Năm 1992, Thư được biên chế về Trường cấp 1 Đặng Thai Mai (Thanh Xuân) - một trường khó khăn thuộc vùng hạ huyện. Tại đây, cô được phân công phụ trách lớp 3 kiêm Tổng phụ trách Đội. Để hoạt động Đội hiệu quả, Thư tranh thủ học hỏi thêm về kỹ năng hoạt động Đội từ một đồng nghiệp lớn tuổi ở trường khác. Như một luồng gió mới, từ chỗ học sinh gần như chưa biết gì về hoạt động Đội, đi học còn đầu trần, chân đất, quần đùi... thì nay, phong trào đội của Trường cấp 1 Đặng Thai Mai sôi nổi hẳn lên. Cuối năm học đầu tiên khi Thư bước vào môi trường của Đội, liên đội do cô làm tổng phụ trách đã đạt liên đội xuất sắc cấp huyện. Từ thành tích này, Thư đã được bổ sung vào uỷ viên Hội đồng Đội huyện.

Tổng phụ trách đội Lê Thị Thư - ở giữa- trong chương trình  trao đàn gà khăn quàng đỏ cho các đội viên khó khăn
Tổng phụ trách đội Lê Thị Thư  (ở giữa) trong chương trình trao đàn gà khăn quàng đỏ cho các đội viên khó khăn

Tháng 3/1995, Thư chuyển về trường cấp 1 Đồng Văn 1 thuộc xã Đồng Văn. Nhận thấy cô có năng khiếu, có duyên với Đội nên ngoài nhiệm vụ chuyên môn là phụ trách lớp 4, Thư vẫn được giao làm Tổng phụ trách Đội. Kỹ năng, nghiệp vụ qua sách báo, tài liệu, qua hoạt động thực tiễn tại trường khiến Thư như thêm chín chắn hơn.

Năm 1999, cô được điều chuyển về Trường tiểu học thị trấn. Tại môi trường mới, cô đã được phân công giảng dạy bộ môn âm nhạc, đúng theo năng khiếu của mình đồng thời kiêm nhiệm thêm Tổng phụ trách Đội tại Trường Tiểu học thị trấn cho đến nay. Như cá gặp nước, môi trường làm việc mới dường như đã tạo thêm động lực, sự hấp dẫn để cô say hơn với công việc của mình. Điều rất đặc biệt, dù ở môi trường nào, phong trào Đội của liên đội trường ấy đều đứng đầu huyện; các hoạt động Đội đều có nét riêng. Nhìn bảng thành tích hoạt động Đội của cô Thư mà thấy nể, tự hào. Chỉ riêng từ năm 2001 đến nay, liên đội nơi cô Thư phụ trách, năm nào cũng được nhận giấy khen của UBND huyện, đã từng được Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương, Hội đồng Đội tỉnh... khen thưởng. Còn cá nhân cô Thư, liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; được UBND huyện, Tỉnh đoàn, Trung ương Đoàn khen thưởng; được tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ”, “Huy hiệu Phụ trách giỏi”, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi cấp quốc gia, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

Cô Thư tâm sự: Làm công tác Đội vất vả, khó nhọc nhưng mà vui, khiến mình trẻ lâu. Nếu thực sự yêu mến Đội, tâm huyết và có tâm thì sẽ làm được. Bởi hoạt động Đội chỉ là kiêm nhiệm, nhiều người ngại làm khi được phân công. Do vậy đòi hỏi người tổng phụ trách phải rất có tâm với công việc, với đội viên và với nhi đồng. Theo cô Thư, cái tâm của người tổng phụ trách thể hiện ở sự say mê với công việc, luôn đổi mới hình thức hoạt động, xây dựng được các chương trình tạo ra nhiều hình thức hoạt động mới có sức hấp dẫn cuốn hút học sinh.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ trong 25 năm hoạt động Đội, cô Thư cười: Suýt “bể” chương trình thì nhiều lắm. Trong tiết mục đồng diễn chào mừng Đại hội TDTT thị trấn có động tác học sinh phải nằm xuống. Buổi chiều tổng duyệt thì trời khô ráo nhưng đêm mưa to nên sân bãi ngập nước. Hôm sau, nhìn sân ai cũng lắc đầu, nghĩ “bể” chương trình đến nơi. Do dặn học sinh đến sớm nên tôi đã nảy ra ý định kéo tất cả học sinh về sân trường, dựng lại động tác nằm bằng động tác ngồi. Chỉ tập 10 phút, sợ học sinh chưa kịp nhớ, tôi phải dặn thêm bằng động tác ra hiệu khi diễn. Rồi lần chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện mới đây, chúng tôi cũng lo toát mồ hôi. Một thành viên chính thức của đội trống bị ốm đúng giờ tổng duyệt. Vậy là tối hôm trước lúc diễn, tôi đã phải rút một thành viên ở đội dự bị, kéo tất cả đội lên sân trường tập cả đêm mới kịp.

Hoạt động Đội bổ trợ tốt hơn cho dạy và học

Cô Thư cho biết: Đầu mỗi năm học, tôi đã tham mưu với Chi bộ và Ban giám hiệu về mô hình hoạt động của Liên Đội với các chương trình hành động cụ thể để hoạt động của Liên Đội thật sự sôi động, có sức cuốn hút, hiệu quả cao. Trước hết là việc xây dựng kế hoạch để đưa hoạt động Đội vào kế hoạch tổng thể của nhà trường rồi xây dựng các điều kiện thiết yếu cho hoạt động Đội từ phòng truyền thống đến các phương tiện hoạt động như trống, cờ, tủ sách, giàn loa máy, đồng phục cho đội danh dự và đồng phục học sinh.

Chính từ điều này đã vô hình gắn kết chặt chẽ, không thể tách rời hoạt động Đội bên cạnh các hoạt động chuyên môn khác của nhà trường. Chưa kể, các hoạt động mà Đội tổ chức như cuộc thi “Hái hoa dân chủ, hội vui học tập”, “Rung chuông vàng”... đã hỗ trợ chuyên môn rất đắc lực trong học tập.

Cô Thư có một kinh nghiệm rất hay. Đó là đề cao vai trò các huynh trưởng (giáo viên chủ nhiệm) bởi họ trực tiếp gần gũi với các em, xây dựng nền nếp và giảng dạy trên lớp nên lời nói huynh trưởng là sự định hướng trực tiếp cho các em. Hoạt động Đội nếu được huynh trưởng ủng hộ và triển khai thì hiệu quả tăng lên rất nhiều. Cô Thư trải lòng: Tôi đã chủ động xây dựng mối quan hệ tốt giữa tổ chức Đội và huynh trưởng. Từ việc xin ý kiến nhà trường để tập huấn cho các huynh trưởng về nội dung hoạt động Đội trong năm học cũng như các phương pháp chỉ đạo hoạt động Đội ở các chi đội; phối hợp giáo dục học sinh cá biệt đến việc theo dõi phong trào thi đua ở các chi đội, các lớp một cách chặt chẽ. Chính nhờ sự kết hợp này mà hoạt động đội không đơn độc.

Hoạt động Đội chú trọng đến rèn luyện nền nếp, giáo dục đạo đức học sinh. Do đó, khi một liên chi đội có nền nếp tốt, học sinh chăm ngoan thì sẽ tác động đến phong trào học tập rất nhiều. “Hoạt động Đội nếu tốt, có nề nếp tốt thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ được nâng cao; Liên Đội nào hoạt động tốt thì việc học tập của mỗi đội viên sẽ rất hiệu quả”, cô Thư khẳng định.