Bắc Giang: Nhân rộng mô hình trò chơi dân gian trong trường học tại huyện Yên Thế

14:26 18/10/2016     1272

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Bước vào năm học mới, các trường học bận rộn với nhiều nhiệm vụ, trong đó, việc tổ chức sân chơi cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Mô hình đưa trò chơi dân gian vào trường học là một cách làm thiết thực, hiệu quả cần nhân rộng.
Trong hoàn cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, học sinh hầu hết bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử, các đồ chơi bạo lực trên mạng Internet thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã tạo điều kiện cho các em được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh.


8
Nhân rộng mô hình trò chơi dân gian trong trường học
 

Hưởng ứng phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", ngay từ đầu năm học mới, Hội đồng Đội huyện Yên Thế đã chỉ đạo một số trường học đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động vui chơi, giúp các em giảm căng thẳng trong giờ học, trong đó có việc tổ chức cho học sinh tham gia chơi các trò chơi dân gian. Đa số các trường tổ chức cho học sinh chơi trong các giờ ra chơi, giờ thể dục, ngoại khóa, các ngày lễ kỷ niệm, khai giảng, tổng kết năm học... Dù hình thức tổ chức khác nhau nhưng có một điểm chung là phần lớn học sinh đều tỏ ra hào hứng với các trò chơi dân gian, nhất là đối với học sinh ở lứa tuổi tiểu học, THCS.
 
Trên thực tế, trò chơi dân gian ngoài tác dụng rèn luyện sức khỏe, còn rèn luyện cho các em kỹ năng xử lý các tình huống khác nhau trong cuộc sống, hình thành thói quen làm việc theo nhóm, nhất là các trò chơi vận động tập thể, như: Nhảy sạp, kéo co, bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò... có thể giúp học sinh tăng cường sức khỏe, thể chất... Hoặc các trò chơi ít vận động nhưng có tính trí tuệ như: cờ vua, ô ăn quan, cờ gánh... lại giúp trẻ em phát triển trí tuệ và khả năng phán đoán. Bên cạnh đó, một trong những ưu điểm của trò chơi dân gian là rất phù hợp với môi trường sư phạm, dễ chơi, học sinh dễ hòa nhập và phần lớn không đòi hỏi nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ chơi. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, một số trường học trên địa bàn huyện Yên Thế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa trò chơi dân gian vào trường học. Cụ thể, trường học hiện nay đều được thiết kế theo hướng bê tông hóa trong khi đó, trò chơi dân gian được hình thành từ đời sống nông nghiệp do đó nghiên cứu, sưu tầm đưa được nhiều trò chơi dân gian vào trường học để các em vừa vui chơi, giải trí lành mạnh, vừa đảm bảo an toàn là vấn đề còn gây nhiều trăn trở.
 
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Huyền - Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Yên Thế: “Sau một thời gian thử nghiệm mô hình Góc dân gian tại trường Tiểu học Tam Hiệp, trò chơi dân gian ngày càng thu hút đông đảo các em học sinh tham gia, giờ ra chơi của học sinh trở nên bổ ích và sôi động hơn rất nhiều so với trước đây. Công tác Đội của chúng tôi nhờ thế cũng thu được hiệu quả tích cực.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này để giúp các em thư giãn sau mỗi giờ học. Chỉ đạo các liên đội trên địa bàn huyện nghiên cứu tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường dành một không gian riêng để xây dựng Góc trò chơi dân gian ngoài sân trường và trong lớp học, thường xuyên phổ biến và hướng dẫn cho các em về ý nghĩa và quy tắc của các trò chơi dân gian để các em hiểu, biết và tham gia chơi. Tuy nhiên, không phải trò chơi nào cũng có thể đưa vào nhà trường mà phải chọn lọc, đảm bảo tính giáo dục, an toàn, vệ sinh. Ví dụ, trò chơi đánh khăng, nhảy ngựa không an toàn vì dễ gây chấn thương. Một số trò chơi khác thì phải chú ý đến khâu vệ sinh vì người chơi thường ngồi xuống đất. Tốt nhất là các liên đội nên lựa chọn các trò chơi mang tính cộng đồng, nhất là trò chơi có các bài hát đồng dao. Không chỉ sôi động mà còn nâng cao nhận thức về văn học. Hằng năm, có thể tổ chức cuộc thi chơi trò chơi dân gian giữa các liên đội, tạo không khí vui tươi, thu hút ngày càng có nhiều học sinh tham gia các trò chơi dân gian bổ ích, lý thú”.
 
Năm học 2016 - 2017 đã bắt đầu, hi vọng rằng, các cấp bộ Đội huyện Yên Thế tiếp tục làm tốt vai trò tiên phong, sáng tạo trong việc định hướng, hướng dẫn và trực tiếp tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh. Để trò chơi dân gian vẫn tiếp tục là “món ăn tinh thần” giúp học sinh có nhiều hứng thú khi đi học, để mỗi ngày đến lớp, đến trường là một ngày vui. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, giúp thế hệ trẻ phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước.