Đề án tiếp sức người bệnh: Giảm quá tải, tiêu cực bệnh viện

15:19 09/07/2015     2038

Đại hội Hội LHTN Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029   "Chúng tôi hy vọng Đề án Tiếp sức người bệnh giảm tình trạng quá tải, đẩy lùi các tiêu cực trong bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đồng thời gieo mầm nhân ái, giá trị nhân văn”, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long, nói.

“Với sự tham gia của đông đảo thanh niên tình nguyện (TNTN) bằng tinh thần nhân ái, hết lòng vì bệnh nhân, trong đó có nhiều sinh viên theo học ngành y, chúng tôi hy vọng Đề án Tiếp sức người bệnh giảm tình trạng quá tải, đẩy lùi các tiêu cực trong bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đồng thời gieo mầm nhân ái, giá trị nhân văn”, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam Nguyễn Phi Long, nói.

Từ 2016-2020, triển khai tại 90 bệnh viện

Vì sao Hội LHTN Việt Nam tổ chức chương trình Tiếp sức người bệnh và thời gian của chương trình kéo dài trong bao lâu, thưa anh?

Hiện, các bệnh viện tuyến trung ương đều trong tình trạng quá tải, nảy sinh nhiều vấn đề: Gia đình bệnh nhân đội chi phí phát sinh trong quá trình chữa bệnh, ngành y tế quá tải trong đón tiếp bệnh nhân. Đây là những nguyên nhân tạo ra bức xúc cho bệnh nhân, người nhà và ngành y tế.

Để đáp ứng nhu cầu về chăm sóc cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện trung ương, bệnh viện tỉnh thông qua cung cấp đội ngũ TNTN được đào tạo và hoạt động có tổ chức, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phát động chương trình Tiếp sức người bệnh trong toàn quốc.

Những đội hình TNTN này giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện góp phần thực hiện chủ trương lớn về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Vậy “Tiếp sức người bệnh” được tổ chức như thế nào, TNTN sẽ làm những công việc gì?

Năm 2015, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình tại 30 bệnh viện ở 5 thành phố (trong đó có 12 bệnh viện ở Hà Nội, 14 bệnh viện ở TPHCM, Bệnh viện T.Ư Huế, 2 bệnh viện ở Đà Nẵng, Bệnh viện T.Ư Cần Thơ) và 90 bệnh viện từ năm 2016-2020.

Anh Nguyễn Phi Long - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam.
Anh Nguyễn Phi Long - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. .


Tại các bệnh viện, các đội TNTN phối hợp với các phòng ban trực tại khu vực tiếp đón và tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân tới khám và điều trị ngay từ cổng bệnh viện. Giúp đỡ, chỉ dẫn bệnh nhân và người nhà đi lại, di chuyển để được khám chữa bệnh thuận lợi, nhanh chóng; hướng dẫn bệnh nhân và người nhà thực hiện các thủ tục khám bệnh, nhập viện, xuất viện nhanh chóng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các tình nguyện viên (TNV) hướng dẫn người nhà người bệnh sử dụng các dịch vụ hiện có trong bệnh viện; nhắc nhở bệnh nhân và người nhà thực hiện các nội quy trong bệnh viện, giữ gìn vệ sinh môi trường bệnh viện. Hỗ trợ, cùng với nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật.

TNV còn giúp đỡ người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc người bệnh trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện. Thăm hỏi, trò chuyện với người bệnh nhằm động viên tinh thần, tạo động lực, niềm tin cho người bệnh. Đồng thời tham gia tổ chức các hoạt động từ thiện như: “Nồi cháo yêu thương”, “Bát cơm nghĩa tình” cho những người bệnh và người nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị trong bệnh viện. Tổ chức chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” phục vụ bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ. Phối hợp với Phòng Công tác xã hội để kết nối các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với các nhà hảo tâm.

Đẩy lùi tiêu cực trong bệnh viện

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có nói, bên cạnh nhiều tập thể và cá nhân đã không quản khó khăn, gian khổ hết lòng vì tính mạng, sức khỏe của người bệnh, vẫn còn một bộ phận cán bộ có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực. Vậy, đề án có đặt ra tiêu chí giúp giảm bớt vấn nạn phong bì, thưa anh?

Một trong những vấn nạn của ngành y tế là phong bì cho nhân viên y tế và “cò” bệnh viện để làm các thủ tục, tạo ra tâm lý rất mệt mỏi, lo lắng cho bệnh nhân.

Tôi thấy, vấn đề nâng cao y đức được Bộ Y tế, lãnh đạo các bệnh viện hết sức quan tâm triển khai và đạt được kết quả nhất định. Trong các bệnh viện, tính minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính cơ bản tốt, tuy nhiên không tránh khỏi trường hợp còn tiêu cực.

Cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Y tế, các bệnh viện và nhận thức, hỗ trợ của người dân, “Tiếp sức người bệnh” với các hoạt động nhân văn chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của đại đa số nhân viên y tế và đông đảo người bệnh… Khi các hoạt động tình nguyện lan tỏa, chắc chắn sẽ góp phần đẩy lùi những hành vi tiêu cực trên; thậm chí ở khía cạnh khác, hành vi tiêu cực sẽ tự triệt tiêu khi giá trị hành động tích cực được nhân lên.

“Tiếp sức người bệnh” nhằm thực hiện giảm tải được 30% công tác của điều dưỡng viên, nhân viên hành chính tại những bệnh viện thực hiện đề án; giảm được 80-90% tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện; giảm được 50-70% tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định. Góp phần làm giảm tình trạng “cò” bệnh viện tại những bệnh viện thực hiện trong đề án tiến tới chấm dứt được tình trạng cò bệnh viện. Đến hết năm 2015 xây dựng được 30 đội hình tình nguyện, với hơn 3.000 TNV tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện. Đến hết năm 2019, xây dựng được 100 đội hình tình nguyện, với hơn 10.000 TNV tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện.