Xúc động bác sỹ 30 năm gắn bó với đảo Phú Quý
20:58 06/12/2015 1097
Công tác tuyên truyền, giáo dục 30 năm qua, ông đã không còn khái niệm đi và về mà luôn ý thức về trách nhiệm của người thầy thuốc trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân trên đảo Phú Quý.
Đó là câu chuyện xúc động về bác sỹ Bùi Đình Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Phú Quý trong buổi giao lưu với các điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 chiều nay.
Năm 1985, không có bất cứ một phương tiện nào ra đảo Phú Quý (Bình Thuận), ngoại trừ những chuyến tàu cá của ngư dân, vào mùa biển động phải mất đến vài ngày để ra đến đảo.
Ở thời điểm đó, 11 nghìn cư dân trên đảo chưa có một bác sỹ nào cho đến khi bác sỹ Bùi Đình Lĩnh xung phong ra đảo. Trước đó mỗi năm có khoảng 10 người ở đảo mất do các bệnh ruột thừa hay sinh khó.
Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh cùng chiếc quạt với biểu tượng của tinh thần thi đua yêu nước
30 năm qua, ông đã cùng các đồng nghiệp xây dựng nên trung tâm quân dân y của đảo, đóng vai trò là hậu cứ của Trường Sa, “bàn đạp””cho các binh chủng, trạm tiếp xăng, nơi trú bảo và cấp cứu tai nạn trên biển cho ngư dân. Người dân trên đảo Phú Quý cũng đã dần thay đổi ý thức và thói quen về y tế nhờ các ca bệnh được bác sỹ Lĩnh cứu sống.
Đến năm 1989 không còn ca tử vong nào vì bệnh ruột thừa, vì vậy khi bác sỹ Lĩnh có quyết định trở về đất liền, tất cả người dân trên đảo đều muốn giữ bác sỹ ở lại. Tiếp tục các năm 1998, 2000, bác sỹ đều có quyết định chuyển công tác trở về đất liền nhưng với trách nhiệm của người thầy thuốc và tình cảm với bà con trên đảo, ông đã ở lại.
Trải qua gần 30 năm sống và làm việc trên đảo Phú Quý, bác sỹ Lĩnh sống xa gia đình, xa quê hương, ông coi đảo như quê hương, tất cả cán bộ, chiến sỹ, bà con nhân dân trên đảo như chính người thân ruột thịt của mình. 30 năm qua, ông đã không còn khái niệm đi và về mà luôn ý thức về trách nhiệm của người thầy thuốc trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân trên đảo.
Có mặt tại buổi giao lưu, những lời kể năm xưa lúc còn nhỏ khi bố không ở nhà của con gái bác sỹ Lĩnh đã khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động.
Đó là những câu chuyện buồn như một lần bố cho bánh ngoài cổng nhưng cô lại không nhận ra là bố, hay những lần bố về thăm nhà, khi hết phép bố phải đi thì cô lại bám lấy khóc không cho ông đi, thậm chí mỗi lần đi học về cô lại không dám bước vào nhà vì sẽ cảm thấy sự trống vắng khi không có bố...
Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh tâm sự: Đã có nhiều lúc phải suy nghĩ đắn đo nhưng may mắn ông có một người vợ trung hậu, đảm đang, cô con gái thương yêu thường xuyên động viên ông yên tâm công tác.
"Lá thư của con gái gửi cho tôi năm lớp 5: 'Bố em ở xa lắm, tận miền đảo xa xôi. Bố là bác sỹ đó, cứu chữa cho bệnh nhân. Ngày đêm bố tất bật, vì bệnh nhân mong chờ. Thương bố em phải cố, học tập chăm thật chăm' đã giúp tôi có thêm nghị lực để tiếp tục công tác ở đảo, chăm lo cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sỹ, bà con trên đảo", bác sỹ Lĩnh xúc động kể lại.
Hết lòng vì sự nghiệp trồng người
Câu chuyện bà giáo hơn 15 năm qua miệt mài với sự nghiệp “trồng người” miễn phí cũng đã khiến các đại biểu tham dự bày tỏ khâm phục.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông (giữa) |
Dù đã nghỉ hưu nhưng 15 năm qua, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngư Lộc 2, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa vẫn miệt mài với những lớp học “trồng người” miễn phí.
Bà Thông kể, do đời sống khó khăn nên rất nhiều người lớn và trẻ em ở Ngư Lộc lâm vào cảnh thất học, mù chữ. Có người vì không biết chữ nên khi đưa con cái đi chữa bệnh ngoài Hà Nội lâm vào hoàn cảnh hết sức eo le. Bà đã quyết định mở lớp dạy chữ miễn phí cho người dân. Lớp học của bà không chỉ có những đứa trẻ bình thường, người lớn mà còn có cả những em bé tật nguyền, dị tật.
“Đối với những em bé đó thì muốn dạy được các em thì mình phải là những người bà, người mẹ của các bé. Còn khỏe, còn sáng mắt ngày nào thì tôi sẽ vẫn còn dạy”, bà Thông nói.
Tweet