Vững vước, kiên trì sẽ vươn tới thành công
14:48 17/12/2015 1376
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Đến với Ma Quai, một xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Phó Chủ tịch trẻ Nguyễn Mậu Chính đã coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình bởi tình yêu thương, quý mến của bà con nhân dân các dân tộc trong toàn xã giành cho anh.
Nguyễn Mậu Chính (sinh 1987), quê tại Thanh Hoá, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội với chuyên ngành Kinh tế - Nông nghiệp, chàng trai trẻ đã tham gia dự án 600 về nhận công tác tại UBND xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu và phụ trách lĩnh vực Kinh tế - Nông, Lâm nghiệp.
Chính chia sẻ, nhìn những cánh đồng một vụ già hóa theo thời gian, để trống không với những tấc đất suốt mùa khô khiến lòng xót xa. Nhớ lại câu nói của Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên!”. |
Khi đến với xã Ma Quai, một xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đang còn nhiều khó khăn, phần lớn người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với tổng số 5.530 ha diện tích đất tự nhiên, nhưng toàn xã chỉ có 994,5 ha diện tích đất nông nghiệp xen lẫn những hòn đá mồ côi lởm chởm, đứng rất vô duyên giữa những mảnh ruộng, mảnh nương nhỏ bé khô cằn sau vụ mùa. Phó Chủ tịch xã trẻ nhận ra rằng đây có lẽ là sự sắp đặt của tự nhiên khắc lên nỗi khổ cực, nhọc nhằn của người dân nơi đây và cũng gần như là sự thách thức đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã mới.
Đội viên Nguyễn Mậu Chính (thứ nhất từ phải sang) cùng Nhân dân xã Ma Quai thu hoạch lúa mùa |
Từ những ngày đầu tiên được sống và làm việc dưới sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền xã, của những người đồng chí, đồng nghiệp mới và tình yêu thương, quý mến của bà con nhân dân các dân tộc trong toàn xã. Chính dần coi đây như quê hương thứ hai của mình. Điều ấy cứ thôi thúc một khát vọng cháy bỏng trong Chính là làm thế nào để thay đổi được diện mạo của vùng đất khô cằn này.
Cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân huyện, sự nhất trí cao của Ban chấp hành Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã và sự ủng hộ nhiệt tình của các cán bộ, đảng viên trong toàn xã, Chính tiến hành bắt tay vào thực hiện mô hình thí điểm sản xuất vụ Chiêm xuân và cây vụ đông tại bản Ma Quai Thàng.
Trên con đường nhấp nhô những hòn đá cuội to nhỏ, đầy đủ kích thước, với sự giúp đỡ của hai cán bộ người địa phương (đồng chí Cà Văn Úi - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và đồng chí Lò Văn Xanh - Cán bộ Khuyến nông xã), Chính đã phối hợp với mọi người mở cuộc họp tuyên truyền, vận động bà con tham gia thực hiện sản xuất thí điểm tăng vụ. Lúc đầu, chỉ có 78/82 hộ tham gia họp, nhưng sau khi nghe phổ biến, vận động bà con thực hiện và lấy ý kiến tham gia, đóng góp thì bỗng nhiên lần lượt từng người đứng dậy bỏ về không nói câu nào, đếm đi đếm lại chỉ còn lác đác vài hộ. Lúc đó, Chính dường như bị sốc và tuyệt vọng, vì bà con không nhất trí ủng hộ làm tăng vụ.
Với sự động viên của Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hùng, “Đừng thất vọng cháu à, đây mới chỉ là bước đầu, hãy bình tĩnh rồi ta tìm phương án thực hiện. Việc này không phải ngày một ngày hai mà mình làm được”, và những chia sẻ về kinh nghiệm của một người đi trước, dìu dắt và hướng dẫn như một người cha. Như được tiếp thêm nghị lực và ý chí, Chí bắt đầu đến từng hộ gia đình để tìm hiểu nguyên nhân cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con, sau đó thành lập Ban chỉ đạo Mô hình sản xuất Vụ chiêm xuân và cây vụ đông tại bản Ma Quai Thàng mà Chính làm Trưởng ban trực tiếp vận động và cùng nhân dân thực hiện.
Sau những ngày vận động vất vả, các hộ dân của bản đã đồng ý tham gia thực hiện Mô hình thí điểm sản xuất. Trong đó, tổng diện tích Khoai tây thực hiện là 4,6 ha và Lúa là 9,8 ha. Chính cùng mọi người chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân làm sao để thực hiện đúng kỹ thuật, quy trình sản xuất và thay đổi được phong tục, tập quán canh tác lạc hậu của bà con. Với kế hoạch, phương pháp, kỹ thuật đã được chuẩn bị sẵn, Phó Chủ tịch xã trẻ và các đồng chí trong Ban chỉ đạo bắt tay vào thực hiện, cùng nhân dân làm đất, ủ giống, tiến hành gieo trồng và chăm sóc trong những ngày nắng gió.
Và rồi sau những ngày tháng mệt nhọc ấy, bao nhiêu công sức của bà con cũng đã được đền đáp. Cây Khoai tây cho thu hoạch với năng suất bình quân 5,7 tấn/ha (tổng sản lượng thu được là 26,2 tấn) và lúa cho thu hoạch với năng suất bình quân 40 tạ/ha (tổng sản lượng thu được là 39,2 tấn).
"Cán bộ ơi! Lấy Khoai tây về ăn đi, nhà có “nhều” lắm!..." Lời mời vừa mộc mạc vừa tự nhiên ấy khiến chàng trai trẻ hạnh phúc và vui mừng. Chính chia sẻ, niềm vui đó không phải là được mời nhận những củ khoai tây căng mịn do bà con biếu, tặng mà chính là kết quả của những ngày tháng mệt nhọc, vận động, hướng dẫn bà con bản Ma Quai Thàng thực hiện Mô hình thí điểm sản xuất vụ Chiêm xuân - Cây vụ đông (sản xuất tăng vụ). Nhìn cánh đồng Khoai tây xanh tốt, cánh đồng lúa trải vàng lung linh theo từng cơn gió, lòng Phó Chủ tịch trẻ thấy hạnh phúc và ấm áp.
Sau những vất vả và kiên trì theo đuổi, kết quả tuy so với các địa phương khác trong cả nước vẫn còn thấp, nhưng lần đầu tiên mô hình thí điểm thực hiện thành công ở một nơi chỉ biết đến một vụ như xã Ma Quai, giúp bà con tăng thêm thu nhập và tạo tiền đề đề để cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục triển khai nhân rộng, từng bước đưa bà con rời xa khỏi cái đói, cái nghèo./.