Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục công tác phòng chống ma túy cho đoàn viên, thanh thiếu nhi.
11:18 25/02/2017 2626
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Ma túy và tội phạm liên quan đến ma túy là hiểm họa của toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trí tuệ, làm suy thoái nòi giống, tác động tiêu cực đến mọi mặt trong đời sống xã hội. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống ma túy thực sự trở thành nhiệm vụ cấp bách của mọi người dân, nhất là đối với tầng lớp thanh, thiếu niên.
Theo báo cáo số 245 BCĐ/BC ngày 22/12/2016 của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc về tình hình kết quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2016. Hiện nay, theo thống trên địa bàn toàn tỉnh có 1.787 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, số người nghiện tập trung chủ yếu từ độ tuổi 22- 39 tuổi và hầu hết là các đối tượng không nghề nghiệp.
Đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương - Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn tặng quà cho thanh niên chậm tiến, yếu thế tại huyện Yên Lạc |
Trước tình hình đó, xác định vai trò của thanh niên và trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc tích cực phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đồng thời với mục tiêu bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa của các tệ nạn, trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như công tác chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn phòng, chống ma túy luôn được Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc xác định là một trong những nội dung quan trọng trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên. Thời gian qua, các cấp bộ đoàn, hội từ cấp tỉnh đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo được chuyển biến tích cực trên lĩnh vực phòng, chống ma túy trong tầng lớp thanh, thiếu niên.
Trong năm 2016, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã tổ chức được 186 buổi, lớp phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn lồng ghép với chuyên đề phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho 45.526 lượt ĐVTN. Tổ chức 20 lớp tập huấn cho các cộng tác viên, tuyên truyền viên cấp huyện, cấp cơ sở, các thanh niên tình nguyện về công tác tuyên truyền về pháp luật trong đó có nội dung về công tác phòng chống ma tội phạm ma túy trong tình hình mới hiện nay dưới nhiều hình thức như: Mời Báo cáo viên trao đổi chuyên đề, phát tài liệu tuyên truyền phổ biến tới ĐVTN, tập huấn về GDPL,... Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng chống tệ nạn ma túy cho ĐVTN và nhân dân được triển khai thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh thông tin của đoàn.
Trong năm 2016 BTV Tỉnh đoàn đã phối hợp thực hiện 12 phóng sự trên Đài PT- TH tỉnh, 42 tin, bài, ảnh tuyên truyền trên Báo Vĩnh Phúc; Phát hành hơn 6.500 cuốn Bản tin Tuổi trẻ Vĩnh Phúc miễn phí tới các cơ sở Đoàn, Hội trong tỉnh, trong đó có các nội dung tuyên truyền về công tác công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và đặc biệt là các nội dung về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và phòng chống mua bán người. Xây dựng mới 20 mô hình tủ sách pháp luật và tiếp tục duy trì 512 Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật, Tủ sách tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác ở cơ sở; Phối hợp với lực lượng Công an các cấp duy trì hoạt động của mô hình “Hòm thư tố giác”, hiện đang có 500 hòm thư tố giác được đặt tại các cơ quan, đơn vị, trường học, các thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư....Phối hợp với Sở lao động Thương binh & Xã hội tổ chức tuyên dương 10 thanh niên đã từng vi phạm pháp luật vươn lên tái hòa nhập cộng đồng. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm biểu dương, khích lệ những thanh thiếu niên sau trong tỉnh từng vi phạm pháp luật, sau cải tạo đã vươn lên tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó trong năm 2016 các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh đã thực hiện cam kết mỗi một cơ sở đoàn giúp đỡ 01 thanh niên chậm tiến, nghiện ma túy… Kết quả, đã cảm hóa giúp đỡ 137 thanh, thiếu niên nghiện ma tuý, thanh thiếu niên chậm tiến,...
Những hoạt động cụ thể trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội của tổ chức Đoàn Thanh niên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức phòng, tránh các tệ nạn xã hội cho đoàn viên thanh niên cũng như cộng đồng xã hội. Thông qua đó, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo tình hình ANTT, cũng như tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
Để công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội đạt kết quả cao, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục triển khai một số nội dung trọng điểm như:
1. Thường xuyên đổi mới, nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền. Đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng,chống ma túy vào chương trình chính khóa, giáo dục công dân ở các trường học và sinh hoạt đoàn, đội; Tổ chức các buổi trao đổi tọa đàm về vai trò trách nhiệm của đoàn viên, thanh thiếu niên trong phòng, chống ma túy, thông qua các buổi tuyên truyền. Gắn tổ chức các hội nghị tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp nhà trường với tổ chức phát động toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các hội thi về phòng, chống ma túy trong các trường học, các cơ quan đoàn thể, khu dân cư. Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống ma túy.
2. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tội phạm; Phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội cho cán bộ đoàn, hội, đội chủ chốt ở cơ sở. Đặc biệt chú trọng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các đội xung kích, tình nguyện trong các tổ chức đoàn, hội, đội nhằm tuyên truyền sâu rộng về tác hại của ma túy và công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống ma túy trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
3. Xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy ở khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học như thành lập “Đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin”, tăng cường hoạt động giao lưu, tuyên truyền ở các xã, thôn, bản vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn để cổ vũ, động viên thanh niên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội; giáo dục giúp đỡ người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng; Phối hợp với chính quyền các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học tập trung xây dựng mô hình, điển hình về phòng, chống tội phạm.
4. Phối hợp với đơn vị như Công an tỉnh, Sở LĐ-TB và XH, Sở Tư pháp, các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên, đặc biệt chú trọng đối tượng thanh niên chậm tiến và thanh niên tái hoà nhập cộng đồng.