Ước mơ của cô học trò mồ côi cả cha và mẹ

14:32 18/11/2011     2667

Công tác tuyên truyền, giáo dục   “Cháu chỉ mong cháu nhanh trưởng thành để đi làm kiếm tiền chăm sóc ông bà ngoại tàn tật. Thú thực nhiều lúc cháu không thể tập trung vào học được, nếu có học cao thì tiền đâu cho cháu ăn học”, cô học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ nghẹn ngào tâm sự.
Nhìn em chững chạc hơn so với tuổi, khuôn mặt dễ mến, đôi mắt hiền nhưng đâu ai biết được em lại có hoàn cảnh éo le khi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Em là Nguyễn Thị Phương Linh, học sinh lớp 8A6, Trường THCS Cát Tân (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

 

Đến thăm nhà Phương Linh ở thôn Kiều An, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, trước mắt tôi là một cô bé đang chăm chú bên máy may. Với đôi tay khéo léo, em đưa từng mẫu vải nhỏ được cắt sẵn ghép lại đưa vào mũi kim, từng tiếng máy khâu cạch cạch theo những đường chỉ đều trên mảnh tròn được may với nhiều màu sắc. Trong ít phút, em đã may xong được một tấm thảm chùi chân cho chủ. Mỗi tấm như vậy em chỉ được khoản thù lao nhỏ 500 đồng để kiếm thêm tiền ăn học đỡ đần bà ngoại.

 

Sau những giờ lên lớp, Linh tranh thủ thời gian may tấm thảm lót chân kiếm thêm thu nhập.

 

Linh bùi ngùi kể: “Do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ phải gửi hai chị em cho ông bà ngoại rồi vào tận trong Vũng Tàu đi làm thuê. Chỉ đến Tết bố mẹ mới về thăm hai chị em, có năm tiền không có bố mẹ còn ở lại không về. Nhưng mấy năm nay em không còn được cái cảm giác trông chờ bố mẹ về nữa”.

 

Ba năm về trước, người mẹ trẻ Phạm Thị Tuyết Trinh đã mãi mãi ra đi vì căn bệnh lạ không được chữa trị kịp thời. Chẳng lâu sau người bố thân yêu của Linh là anh Nguyễn Đình Vinh cũng thiệt mạng trong một tai nạn giao thông không may ập đến.

 

Nỗi đau như cứa khiến Linh chẳng còn tâm trí đâu để đến trường. Nhiều lần Linh đã có ý định bỏ học nhưng được sự động viên của ông bà ngoại, em lại gắng gượng đến lớp.

 

Ông Hà Văn Kha, hiệu trưởng Trường THCS Cát Tân, cho biết: “Hoàn cảnh em Linh rất đáng thương bố mẹ mất sớm, ông bà ngoại thì bị tàn tật, các cô dì cũng làm thuê cuốc mướn quanh năm, chẳng giúp được gì cho em, nhiều lần em định bỏ học. Biết hoàn cảnh em Linh như vậy nên nhà trường đã miễn cho em các khoản đóng góp và mua xe đạp để em tiếp tục đến trường”.

 

Về phía gia đình, thương hoàn cảnh hai chị em Linh, các bác, các chú anh em họ hàng đằng nội ở Nghệ An nói đem Linh về nuôi cho ăn học. Nhưng không nỡ xa ông bà ngoại bệnh tật, Linh quyết định không đi dù đói khổ.

 

“Cháu ở với ngoại quen rồi, đói khổ cháu quen rồi với lại làm sao cháu có thể bỏ đi khi ông bà ngoại bị tàn tật không còn làm gì được” - Linh tâm sự.

 

Hàng ngày, ngoài giờ học trên lớp về nhà Linh phụ giúp bà cơm nước, dọn dẹp nhà cửa học bài. Thời gian rảnh rỗi, em tranh thủ nhận may tấm thảm chùi chân nhận thù lao mỗi tấm 500 đồng. May được nhiều thì tiền nhiều nhưng mỗi ngày cố gắng lắm em cũng may được từ 20 đến 25 tấm tương đương với 10.000 đến 12.500 đồng.

 

Thành quả của Linh sau những giờ làm việc đến khòm cả lưng.

 

Nói về ước mơ, Linh nghẹn lời nói: “Cháu chỉ mong cháu nhanh trưởng thành để đi làm kiếm tiền chăm sóc ông bà ngoại. Khi hỏi về lý do tại sao em không chọn con đường gắng học cho thật giỏi sau này có việc làm ổn định không những giúp ông bà đỡ khổ mà ông bà sẽ vui hơn”. Linh ngập ngừng nói tiếp: “Thú thực nhiều lúc cháu không thể tập trung vào học được, nếu có học cao thì tiền đâu cho cháu ăn học”.

 

Được biết, trước Linh còn có chị gái là Nguyễn Thị Bích Hương (19 tuổi) vì nhà nghèo nên học đến lớp 5 phải bỏ học. Hiện Hương đang làm công nhân cho một nhà máy gỗ ở khu công nghiệp Phú Tài cách nhà 20 km. Công việc tuy vất vả nhưng hàng tháng cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng để nuôi Linh ăn học và phụ giúp ông bà ngoại.

 

Bà ngoại Linh bật khóc khi kể về hai người con xấu số của mình đã sớm qua đời để lại hai đứa con côi cút.

 

Hiện hai chị em Linh đang sống cùng ông bà ngoại. Bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi) - bà ngoại Linh do bị tai nạn giao thông nên một chân đi cà nhắc, hiện không còn được việc nặng. Còn ông ngoại Linh - ông Phan Văn Cháu (63 tuổi) từng tham gia kháng chiến chống Mỹ từ hồi 14 tuổi và bị thương cụt cả hai chân khi mới 16 tuổi. Thành tích của ông đã được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tặng bằng khen năm 2001 công nhận ông là người đã có công góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng đến nay ông chưa được nhận chế độ hưởng lương hàng tháng đối với người có công với cách mạng.

 

Bà Hồng cho biết: “Thời ấy đâu có nghĩ giấy tờ để sau này có chế độ. Những người làm cách mạng cùng ông, người thì đã chết, người sống cũng chẳng biết ở đâu nên không có ai làm chứng. Từ hồi đến giờ gia đình tôi mới nhận được trợ cấp 1,2 triệu đồng. Nghe nói, xã, huyện đang hoàn tất hồ sơ để cho chồng tôi được nhận chế độ nhưng tôi cũng đang chờ không biết đến khi nào”.