Tuổi trẻ Thủ đô đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi)

15:01 11/09/2015     918

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Các ý kiến của các luật gia, cán bộ Đoàn và đoàn viên thanh niên đã tham gia góp ý vào dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi).
Lấy ý kiến cán bộ, đoàn viên, thanh niên Thủ đô đối với dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đã được Thành Đoàn Hà Nội tổ chức sáng ngày 11/9, tại Hà Nội.

Ngoài các chuyên gia, nhà làm luật, giảng viên trẻ tham dự, hội nghị còn có hiện diện của nhiều cán bộ đoàn, thanh niên các quận, huyện; sinh viên các trường Đại học có chuyên ngành luật và lực lượng vũ trang Thủ đô.

f
Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến

Bộ luật hình sự năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21/12/1999 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2000. Kể từ năm 2000 đến nay, Bộ luật hình sự 1999 đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự ATXH, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, qua gần 15 thi hành, Bộ luật hình sự 1999 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sớm khắc phục. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 1999 là một đòi hỏi khách quan và cấp thiết trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta nhằm góp phần khắc phục một bước những bất cập, hạn chế nói trên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội hập quốc tế.

Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ Đoàn, các đại biểu và các bạn trẻ có mặt tại Hội nghị đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến đầy trách nhiệm nhằm sửa đổi Bộ luật hình sự 1999 vào 8 nội dung, như: vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên; hình phạt trục xuất; về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; …

Trao đổi về những nội dung này giảng viên trẻ Đai học Luật Hà Nội Đào Phương Thanh cho rằng, với chuyển đổi hình phạt tiền thì khi Tòa án tuyên phạt thì tùy theo điều kiện của họ để  phạt tiền, tuy nhiên Luật không quy định thời gian thực hiện hình phạt. Do đó, luật ở một số nước quy định hình phạt tiền không được thực hiện sẽ quy định thành hình phạt khác để phù hợp hơn.

Về hình phạt trục xuất, đây là vấn đề liên quan đến người nước ngoài, Phương Thanh cho biết Bộ luật hình sự 1999 có quy định là hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Ý kiến Phương Thanh cho rằng, về hình phạt này nên quy định là hình phạt bổ sung, vì người nước ngoài phải chịu hình phạt của nước sở tại đã, như: ngồi tù, phạt tiền … sau đó mới bị trục xuất khỏi Việt Nam.

d
Đại biểu trẻ đến từ Đại học Luật Hà Nội trao đổi ý kiến vào dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi)

Theo kết quả thống kê, nghiên cứu về người chưa thành niên phạm tội khiến cho chúng ta không khỏi giật mình. Trung bình hàng năm xảy ra gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự với gần 15.000 đối tượng là người chưa thành niên thực hiện. Bình quân mỗi ngày xảy ra trên 30 vụ án với gần 40 đối tượng. Từ năm 2007 đến tháng 6/2014, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 em vi phạm pháp luật hình sự. Số vụ phạm pháp tăng gần 4.300 vụ, bằng 6,72% so với 6 năm trước đó. So với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc thì số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20%.

Hầu hết người chưa thành niên phạm tội đều là nam giới, chiếm đến 96,87% tổng số người vi phạm. Độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong đó dưới 14 tuổi chiếm 13%; từ 14 - 16 tuổi chiếm 34,7%, từ 16 - 18 tuổi chiếm 52%. Điều đặc biệt, gần một nửa số đối tượng phạm tội đều đã bỏ học (chiếm 45%), có học lực yếu, kém (chiếm 60,7%). Số liệu thống kê cũng cho thấy, 70% đối tượng người chưa thành niên phạm tội sống tại thành phố, thị xã, thị trấn; 24% sống ở nông thôn. Có tới 34,4% các em sống trong hoàn cảnh thiếu hẳn sự chăm sóc của bố mẹ đẻ, trong đó có 4,8% sống với ông bà; 2,4% sống với anh chị; 14,5% sống lang thang… Có 80% trong số 7.861 vụ phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn (theo nguồn Bộ tư pháp - http://moj.gov.vn)

Trao đổi về vấn đề này, Phó trưởng Ban pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội Bùi Hồng Mai chia sẻ, về việc đồng tình bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội bằng các biện pháp cụ thể là: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức vì nó đã thể hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, nhất là đối tương cần bảo vệ.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Hồng Mai cho rằng, vấn đề này khó thực hiện và so với các nước khác, pháp luật các nước được quy định đầy đủ hơn nên các biện pháp trên có thể thực hiện được.

f
TS Trần Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Hà Nội chủ trì Hội nghị lấy ý kiến

Có cùng ý kiến với đại biểu Bùi Hồng Mai, Phó Bí thư chi Đoàn Pháp chế - Công an TP Hà Nội có ý kiến về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên, như: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giám sát, giáo dục tại gia đình … vì các biện pháp này thực chất là không xử lý về hình sự và hành chính, không đảm bảo tính răn đe, không có tính khả thi đối với người chưa thành niên phạm tội, không công bằng với các hành vi vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, việc vi phạm hành chính của người chưa thành niên cũng phải xử lý theo luật hành chính, hơn nữa để áp dụng những biện pháp thay thế xử lý hình sự rất khó cho các cơ quan tố tụng.

Với  tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiệt tình, trí tuệ, nhiều ý kiến khác tại Hội nghị cũng trao đổi về loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân xá giảm xuống tù chung thân; việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế…

Hội nghị là dịp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật đến đoàn viên, thanh niên, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của thanh niên. Qua đó tạo cơ hội để thanh niên chia sẻ, nêu quan điểm, chính kiến của mình về một số nội dung sửa đổi trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm công dân của thanh niên. Đồng thời, các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, cán bộ, đoàn viên, thanh niên Thủ đô đóng góp sẽ là căn cứ để Đoàn Thanh niên Thành phố tổng hợp và báo cáo để góp phần hoàn thiện dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) trong thời gian tới.