Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương góp ý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

11:34 30/03/2015     761

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Thực hiện kế hoạch Tháng Thanh niên 2015, vừa qua, tại trụ sở Hội Luật gia Việt Nam, Ban Thường vụ Đoàn Khối tổ chức Diễn đàn “Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương góp ý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)”.
Các đồng chí: Dương Thị Thanh Mai, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; TS. Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp; Nguyễn Thị Quý Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Đoàn Khối chủ trì Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có đại diện các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Khối; đoàn viên thanh niên các cơ quan tư pháp; đoàn viên Hội Luật gia Việt Nam và đông đảo sinh viên Học viện Hành chính.

Bộ luật dân sự là một trong những đạo luật lớn và quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Đó là luật chung của hệ thống luật tư, có vai trò đặc biệt trong việc cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện các quyền dân sự của cá nhân, cũng như bảo đảm môi trường pháp lý nền tảng cho tổ chức và hoạt động của các pháp nhân. Bộ luật dân sự năm 2005 được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005. Đến năm 2014, trước yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng và đặc biệt là yêu cầu về cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, theo sự phân công của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Quang cảnh Diễn đàn
Quang cảnh Diễn đàn

Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân gồm 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật này nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự thành luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia đồng thời ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự.

Diễn đàn đã nhận được 30 tham luận của đoàn viên, thanh niên các cơ quan Trung ương. Nội dung các tham luận đề cập toàn diện đến các nội dung của dự thảo cần xin ý kiến nhân dân.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham gia tập trung thảo luận các vấn đề: vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Bộ luật dân sự; những nội dung có tính nguyên tắc chung, những điều khoản cụ thể với các nội dung: về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, về quyền nhân thân, về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, các hình thức sở hữu và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; một số nội dung chủ yếu có liên quan trực tiếp tới thanh niên, như: các quyền nhân thân, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, vấn đề đại diện, giao dịch dân sự, như: hợp đồng vay tài sản và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như: cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng ủy quyền, thừa kế...