Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững
10:27 12/11/2012 3642
Công tác tuyên truyền, giáo dục Gần 600 trí thức trẻ với hoài bão và ước mơ giúp bà con các xã nghèo trên cả nước phát triển đã tình nguyện về chung tay góp sức trong vai trò phó chủ tịch xã. Đây là nội dung chính của dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo (gọi tắt là Dự án) do Chính phủ phê duyệt.
Anh Dương Văn An - Bí thư T.Ư Đoàn; bà Lê Thị Kim Đơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đến dự và chủ trì chương trình. Ngoài ra còn có các lãnh đạo nhiều sở, ban, ngành cùng nhiều đại diện các huyện của tỉnh Kon Tum cũng tham dự diễn đàn.
Đặc biệt, chương trình còn có sự góp mặt của 18 đội viên là phó chủ tịch xã của hai huyện Tu Mơ Rông và Konplông.
Tại diễn đàn, phần lớn thời gian dành cho các đội viên Dự án chia sẻ những tâm tư nguyện vọng cũng như những khó khăn đã gặp phải trong 9 tháng nhận nhiệm vụ.
|
Quang cảnh Diễn đàn Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó |
A Xuyến, Phó chủ tịch xã Đăk Ring, đề xuất ban quản lý dự án trang bị thêm máy tính và mạng di động cho từng đội viên để có điều kiện làm việc và cập nhật thông tin liên tục. Đồng thời, Ban quản lý dự án cần tổ chức nhiều đợt tập huấn nhằm trao dồi kiến thức về kỹ năng quản lý nhà nước cho các đội viên.
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, A Xuyến cho rằng cần giao những công việc cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo đối với từng mảng mà mỗi đội viên quản lý; cần sự quan tâm giúp đỡ về kinh nghiệm thực tiễn cũng như kinh nghiệm trong cuộc sống; có các buổi giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong công việc.
Đội viên Trần Bảo Vân Đài đề xuất thêm, tại các tỉnh, huyện, cần có những lãnh đạo phụ trách chung cho đội, nhóm đội viên để giúp đỡ từng đội viên tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện công việc.
Trong khi đó, cô gái trẻ người Mường 25 tuổi Bùi Thị Việt, Phó chủ tịch xã Đắk Nên thì đề cập vấn đề công văn chồng chéo, chưa thể hoàn thành tốt công việc, đi lại quá khó khăn.
Qua quá trình làm việc, Việt nhận thấy tuyên truyền bằng việc đưa tờ rơi, văn bản tới thì bà con không nắm được vì nhiều người không biết chữ và cũng không siêng để đọc. Vì vậy, Việt đề nghị mỗi huyện có máy chiếu để các xã luân phiên sử dụng trong tuyên truyền, làm slide, hình ảnh sinh động cho bà con dễ hiểu.
Bạn A Biên (xã Ngọc Lây) cho biết mình được phụ trách khối văn xã, vì vậy công việc chủ yếu là vào thôn tuyên truyền vận động bà con các chính sách. A Biên cũng đề xuất được cấp máy ảnh, máy chiếu để khi đi tuyên truyền có hình ảnh cho bà con nhìn thấy thì bà con mới tin, “chứ nói miệng thì bà con không có tin đâu”.
Bạn Nông Thị Hạnh, công tác tại xã Văn Xuôi (Tu Mơ Rông), đề xuất thêm về việc các cấp ủy, tỉnh cần tạo điều kiện cho đội viên được tham dự các lớp đối tượng Đảng, để có thể giác ngộ lý tưởng Đảng và có cơ hội phấn đấu, phát triển xa hơn.
Chia sẻ trước đề nghị của bạn Hạnh, anh Dương Văn An - Bí thư T.Ư Đoàn nói: “Qua ý kiến của bạn Hạnh về việc tăng cường phối hợp giữa các phó chủ tịch cùng những cán bộ địa phương thì ban quản lý dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu làm công tác tư tưởng, vận động để quá trình thực hiện dự án được tốt hơn”.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các huyện Tu Mơ Rông và Ponklông, cựu thủ lĩnh đoàn địa phương cũng có những chia sẻ kinh nghiệm đối với 18 phó chủ tịch xã trẻ.
Lãnh đạo hai huyện trên cũng tin tưởng rằng các đội viên đều có khả năng phù hợp với nhiệm vụ được giao, thời gian tới chắc chắn sẽ có thể có những đóng góp ý nghĩa hơn đối với sự phát triển chung của địa phương.
Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của những phó chủ tịch xã trẻ, bà Lê Thị Kim Đơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nói: “Tôi ghi nhận thành quả các bạn đã làm được và hết sức chia sẻ khó khăn mà các bạn đã gặp phải. Lý do vì sao các huyện, xã phân công các bạn nhiệm vụ ở các xã? Lãnh đạo địa phương rất kỳ vọng ở các bạn vì các bạn là những tri thức trẻ. Tôi tha thiết mong các bạn làm thế nào đó để nâng cao đời sống, kinh tế, đồng tâm hiệp lực chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với địa phương”.
Bà Đơn cũng mong các cấp chính quyền địa phương không ngừng tăng cường hỗ trợ cho các phó chủ tịch xã trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; và nhấn mạnh với các phó chủ tịch xã trẻ về nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo ở các địa phương khó khăn.
Tiếp lời bà Lê Thị Kim Đơn, anh Dương Văn An - Bí thư T.Ư Đoàn chia sẻ: “Dự án này tạo nguồn cán bộ bổ sung vào các chức danh của Đảng và Nhà nước, phát hiện tuyển chọn cán bộ công chức tiềm năng cho đất nước. Đến nay, chưa có đồng chí phó chủ tịch xã trẻ nào bỏ cuộc dù còn rất nhiều khó khăn. Bởi có những địa phương thật sự khó khăn nên dự án này cần các bạn, những trí thức trẻ”.
Anh Dương Văn An dặn dò thêm: “Muốn khẳng định mình, các bạn trẻ cần thể hiện qua hiệu quả công việc cụ thể. Các bạn cần kiên trì bám trụ với bản làng, với bà con nhân dân và tự làm công tác tư tưởng cho chính mình và cho lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn”.
Anh An cũng đề nghị các đội viên đúc kết lại những điều chưa làm được, những điều đã làm được để qua đó xây dựng lộ trình học tập, bổ sung kiến thức kịp thời, hoàn thiện bản thân.
Bí quyết anh An đưa ra là mỗi bạn hãy lập sẵn một kế hoạch, ý tưởng, đề án đột phá, mạnh dạn triển khai làm thí điểm và nếu thấy hiệu quả thì nhân rộng. Trong số công việc được giao, các bạn đội viên có thể chọn ra một hay một số công việc để làm sao tạo ra đột phá trước rồi nhân rộng ra.
“Những đề án này luôn có nguồn lực hỗ trợ và thậm chí các bạn có thể tự thân đi tìm nhà tài trợ”, anh An khẳng định.
Anh An cũng dặn dò các phó chủ tịch xã trẻ cần dành thời gian sinh hoạt Đoàn, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của một đoàn viên thanh niên, giúp đỡ cho tổ chức đoàn hoạt động có hiệu quả, tránh cứng nhắc và hình thức.
Theo anh Dương Văn An, trong quá trình triển khai dự án, các bạn đội viên sẽ được kết nối với nhau thường xuyên để cùng chia sẻ động viên hỗ trợ nhau trong công việc với vai trò phó chủ tịch xã.
“Ban quản lý dự án và các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum vô cùng mong muốn các bạn có sự trưởng thành sớm trong tương lai”, anh Dương Văn An đúc kết cuối diễn đàn.
Sức trẻ tình nguyện ở các xã nghèo bắt đầu làm nên sự đổi mới ở các xã nghèo
của huyện Konplong - Ảnh: Trí Quang
Hơp tác xã rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen
ở xã Đắk Long, huyện Konplong thành lập từ 26.3.2012. - Ảnh: Trí Quang
Đây là hợp tác xã do thanh niên huyện Konplong đứng ra thành lập, cùng trồng trọt nhiều
loại rau hoa quả để tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh Kon Tum - Ảnh Trí Quang
* Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến tháng 10.2012, dự án 600 phó chủ tịch xã đã tuyển được 581 đội viên, trong đó 550 đội viên đã nhận quyết định về công tác tại các xã.
Gần 1 năm triển khai theo dõi, đội viên dự án bắt nhịp nhanh với công việc, bước đầu có những đóng góp tích cực tại địa phương. Ngoài chương trình tập huấn 3 tháng trước khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch xã, Bộ Nội vụ đang gấp rút xây dựng và ban hành cẩm nang tập hợp tình huống điển hình trong công tác quản lý để tiếp tục hỗ trợ cho đội viên dự án; xây dựng kế hoạch tiếp tục tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các đội viên trên từng lĩnh vực.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, sau gần 1 năm triển khai, Dự án nhận được sự ủng hộ của chính quyền, đoàn thể tại địa phương trong hỗ trợ đội viên thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, các xã nằm trong phạm vi triển khai Dự án nằm chủ yếu ở địa bàn khó khăn cũng là nguyên nhân khiến Dự án không tuyển đủ chỉ tiêu đặt ra như ban đầu.
Phó chủ tịch xã hưởng nhiều chế độ ưu đãi
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Vũ Đăng Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 600 phó chủ tịch, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), cho biết qua theo dõi, quy trình tuyển chọn ở 20 tỉnh tham gia dự án đã được tiến hành khắt khe, đảm bảo trúng người trúng việc. Công tác thi tuyển do Sở Nội vụ các tỉnh trực tiếp thực hiện, với các nhóm tiêu chí gồm: kiến thức về kinh tế xã hội, hiểu biết về công tác xóa đói giảm nghèo, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thực tập và các kỹ năng mềm như giao tiếp, tác phong ứng xử…
Cũng theo ông Minh, đội viên dự án khi được bổ nhiệm phó chủ tịch xã sẽ được hưởng nhiều chế độ ưu đãi. Ngoài lương tối thiểu hệ số 2,34 với người mới tốt nghiệp đại học theo quy định, các phó chủ tịch xã sẽ được hưởng thêm các khoản trợ cấp khác như chuyển vùng, thu hút theo quy định của Chính phủ. Ngay sau khi nhận quyết định bổ nhiệm, phó chủ tịch xã sẽ được hỗ trợ 10 tháng lương cơ bản, với người chuyển từ địa phương này đến địa phương khác làm việc sẽ được hỗ trợ 12 tháng lương chuyển vùng, ngoài ra sẽ được trợ cấp thêm hằng tháng 70 % lương cơ bản. Sau 5 năm công tác, đội viên dự án sẽ được nhận thêm 6 tháng lương. Ông Vũ Đăng Minh chia sẻ, thực tiễn sôi động ở địa bàn các xã sẽ là thử thách thực sự với các đội viên Dự án đòi hỏi sự dấn thân, táo bạo của người trẻ với các kế hoạch, ý tưởng sáng tạo. Không chỉ theo dõi quá trình tuyển chọn, ban điều hành Dự án sẽ giám sát chặt chẽ quá trình làm việc của các phó chủ tịch xã tại các địa bàn vừa để đánh giá chất lượng từng đội viên vừa là sự đảm bảo cho các bạn trẻ trước những lo ngại bị cô lập, không nhận được sự hợp tác của hệ thống chính quyền địa phương. (Phan Hậu) |
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa thực sự hiểu hết mục tiêu, yêu cầu của Dự án dẫn đến lúng túng trong tuyển chọn ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.
Trước giờ diễn đàn khai mạc diễn đàn Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững, trao đổi với Thanh Niên Online, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kontum U Huấn đã có những đánh giá khái quát về tình hình triển khai Dự án ngay tại địa phương này.
Theo ông Huấn, tỉnh Kon Tum có 18/20 xã thuộc hai huyện (Kon Plông và Tu Mơ Rông) được chọn thực hiện thí điểm. Qua tổng hợp, đã có 69 hồ sơ gửi đến đăng ký tham gia, trong đó có 49 người có hộ khẩu tại tỉnh Kon Tum.
Qua phỏng vấn, Hội đồng đã tuyển chọn được 18 đội viên để bố trí về 18 xã. Đến nay các đội viên đã có gần 9 tháng công tác tại xã.
Theo đánh giá ban đầu của Sở Nội vụ, các đội viên về xã đã thích nghi tốt với môi trường công tác mới. Tuy điều kiện sinh hoạt tại xã còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các đội viên vẫn an tâm công tác, gắn bó với cơ sở, đi sâu đi sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn, được đồng nghiệp và bà con tại địa phương quý mến.
Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, các đội viên đã thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được phân công; đã làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện các công việc được giao, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mà các đội viên đã làm được, Sở nhận thấy vẫn còn một số tồn tại cơ bản là: do tuổi đời trẻ nên kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, chưa am hiểu về phong tục tập quán nơi đến công tác, nên bước đầu nhiều đội viên còn tỏ ra khá lúng túng - thậm chí là ngại khi giao tiếp với người dân - nhất là đối với các bạn trẻ nữ.
Một số đội viên chưa chủ động trong công tác, chưa đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, HĐND, UBND có những giải pháp chiến lược, đột phá thuộc lĩnh vực mình phụ trách...
Để khắc phục những tồn tại nói trên, ông Huấn cho rằng các đội viên cần bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời có những đề xuất về những giải pháp thích hợp, nhằm mục tiêu là ổn định tình hình, giữ vững đoàn kết nội bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, việc quan trọng là mỗi đội viên cần dành quỹ thời gian hợp lý để học thêm tiếng dân tộc, tìm hiểu về phong tục tập quán người dân để phục vụ tốt cho công việc.
Để các bạn trẻ yên tâm công tác
PV Thanh Niên Online đã gặp gỡ nhanh các phó chủ tịch xã đang thực hiện dự án tại Kon Tum. Qua trao đổi, đa số các đội viên cho biết họ đều có lợi thế lớn trong trong việc hiểu được ngôn ngữ và nắm bắt nhanh được nguyện vọng, nghe được hơi thở của nhân dân do đa số là người bản địa.
Tuy nhiên, một bộ phận bạn trẻ người Kinh lại gặp khá nhiều khó khăn trong việc này do chưa biết tiếng dân tộc.
Ngoài ra, là người trẻ, tinh thần xung kích cao nhưng khó khăn chung mà các bạn gặp phải lại chính là lề lối làm việc cũng như sự tôn trọng của những người cấp dưới nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm.
Trăn trở lớn của Phó chủ tịch xã Y Loan phụ trách địa bàn Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông là do còn trẻ nên bạn bị các đồng nghiệp thiếu tôn trọng. Còn Phó chủ tịch Trần Bảo Vi Sa, phụ trách xã Đăk Hà (Tu Mơ Rông) thì cho rằng trình độ, năng lực của một số cán bộ còn hạn chế, nên khả năng tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chưa hiệu quả.
Ngoài ra, theo Vi Sa, một số cán bộ chưa nghiêm túc thực hiện theo quy chế làm việc của cơ quan, nhất là về thời gian và lề lối làm việc làm ảnh hưởng đến công việc của tập thể. Sự phối hợp giữa các cán bộ trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại thôn làng còn thiếu sự chặt chẽ, chưa thống nhất.
Đó cũng chính là tâm tư nguyện vọng chung mà các bạn trẻ này muốn gửi đến diễn đàn để các cơ quan quản lý có giải pháp tháo gỡ để các bạn có thể yên tâm công tác.
Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An: “Các bạn trẻ cứ yên tâm cống hiến”
Trao đổi trước khi diễn ra diễn đàn, Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An cho rằng đối với dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch (PCT) xã, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước rất rõ. Điều quan trọng là sự phấn đấu, sự cống hiến, trưởng thành của mỗi đội viên, Nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện và giúp các đội viên trưởng thành và cống hiến. * Sau hơn 9 tháng đưa đội viên dự án 600 PCT về địa phương công tác, qua theo dõi, anh có đánh giá gì về sự nhập cuộc của đội viên? - Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An: Đến nay đã có 550 trí thức trẻ được bầu giữ chức vụ PCT UBND xã. Nhìn chung, các tân PCT xã trẻ tuổi đã có sự nhập cuộc nhanh, lao mình vào thực tiễn, “lăn lộn” với bà con nhân dân và với công việc; đã thể hiện được sức trẻ, ý chí, quyết tâm vượt khó, vượt khổ, tinh thần xung kích, tình nguyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các bạn cũng đã phát huy được kiến thức trong trường học vào thực tiễn công tác, đề xuất và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai một số việc khó, việc mới. Nhiều mô hình đã được áp dụng có hiệu quả tại các xã nghèo như: mô hình nhà chống lũ của PCT xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) Hồ Thị Hồng; mô hình nuôi heo rừng của PCT xã Lê Thị Kim Anh (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, Bình Định); mô hình phát triển du lịch cộng đồng của PCT xã Nguyễn Thị Huyền tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa… Với tinh thần làm việc tích cực và những kết quả bước đầu đó, tôi tin tưởng các PCT trẻ sẽ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, Dự án sẽ thành công. * Công tác theo dõi hoạt động đội viên Dự án được tiến hành ra sao nhằm đánh giá thực chất quá trình thực hiện nhiệm vụ của đội viên cũng như hiệu quả dự án? - Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An: Ngay sau khi đội viên Dự án về công tác tại các xã, Ban quản lý Dự án đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các đoàn công tác đến các xã nghèo để nắm tình hình và động viên các tân PCT xã. Đích thân Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh... cũng đã trực tiếp về xã nghe nhân dân nói về các PCT xã trẻ, nghe các bạn tâm sự, đề xuất, kiến nghị và xem các bạn ấy làm việc. Đồng thời, Ban quản lý Dự án đã tổ chức các buổi làm việc để cấp ủy, chính quyền các địa phương thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các xã nghèo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn PCT xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn cũng đã phát hành bản tin "Trí thức trẻ" là bản tin chuyên đề về Dự án để tạo thêm diễn đàn cho các đội viên cũng như phản ánh của nhân dân về các đội viên dự án; sắp tới sẽ xây dựng thêm kênh thông tin điện tử để kết nối toàn bộ đội viên dự án... Nhìn chung, thông tin kết nối để theo dõi, đánh giá hỗ trợ, giúp đỡ đội viên dự án được duy trì thường xuyên, ở nhiều cấp, đảm bảo đánh giá thực chất, nhanh và khách quan quá trình thực hiện nhiệm vụ của các đội viên dự án. * Trong nhiều diễn đàn gặp gỡ, đội viên dự án còn nhiều băn khoăn về cơ chế đầu ra khi dự án kết thúc. Hiện vấn đề này được giải quyết như thế nào để tạo ra động lực phấn đấu cho đội viên? - Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An: Quyết định số 170/QĐ - TTg ngày 26.1.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án 600 PCT xã đã nêu rất rõ cơ chế đầu ra cho các bạn sau khi Dự án kết thúc. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ít nhất 3 năm hoặc hoàn thành nhiệm vụ trong 5 năm thì: được địa phương tiếp tục quy hoạch, bố trí sử dụng nếu đội viên đó có nhu cầu ở lại địa phương công tác, hoặc xét chuyển cho đội viên trở thành công chức và bố trí công việc tại tỉnh. Nếu đội viên không có nhu cầu làm việc tại tỉnh thì đánh giá, nhận xét về quá trình công tác của đội viên và viết giấy giới thiệu về tỉnh khác mà đội viên tới làm việc. |
Cái chính là giúp bà con nông thôn bớt khổ
Phó chủ tịch xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là chàng thanh niên 27 tuổi A Rù, tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển, ĐH Đà Nẵng. Một vùng đất mà ngay từ khi mở đầu câu chuyện anh đã muốn chia sẻ thẳng là: "Dân trí thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn và 70-80% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo".
Được sinh ra và lớn lên ngay ở vùng cao, vùng xa này, vừa học xong là A Rù về thằng quê mình làm việc luôn.
"Tôi muốn bằng hiểu biết, sức trẻ để giúp đỡ bà con mình", A Rù nói.
Anh A Rù tâm sự: Ngày trước ước mơ làm thầy giáo vùng cao để đem con chữ về cho người dân vì ở đây không ai biết chữ cả. “Ngày xưa, ý thức kém, bà con nghĩ: Đi học để làm gì? Có phải ăn chữ đâu mà ăn cơm nên chỉ cần ra đồng làm việc. Vậy nên mình cũng không dám cãi lời ba mẹ mà vừa học, vừa bỏ", anh tâm sự.
Nhưng được thầy cô giáo động viên, A Rù đã quyết tâm học đến nơi đến chốn cho bằng được.
Sau khi ra trường, có dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, A Rù đã được chọn công tác ở quê nhà mình.
Thế là, anh làm phó chủ tịch xã Măng Cành từ tháng 3.2012. Anh kể lại: “Lúc về, bà con mừng lắm và tin tưởng vào mình. Mình về bà con cũng mừng lắm vì ở xã dân tộc mình có mấy ai biết rành rọt cái chữ đâu".
Công việc mới bắt đầu, chưa bao giờ ngồi ghế lãnh đạo nên lúc đầu rất bỡ ngỡ, nhưng anh có thuận lợi là một người con của dân tộc Mơ Nâm.
Anh cho biết, 100% đồng bào dân tộc thiểu số sống bằng nghề nông, trồng lúa nước một vụ, với tập quán trồng xong rồi bỏ đó, chỉ đợi đến lúc thu hoạch nên năng suất thấp. Anh muốn mở rộng sản xuất nông nghiệp kết hợp với lâm - ngư nghiệp để lĩnh vực này trợ giúp cho lĩnh vực kia. Đồng thời, vận động bà con làm nông phải biết chăm sóc cây trồng, đặc biệt là áp dụng, nhân được cây giống, con vật nuôi mới.
Hiện tại, A Rù vẫn theo Phòng nghiệp vụ mở những lớp tập huấn nông nghiệp, nhờ những người có uy tín trong thôn, trong làng như già làng, vận động bà con đi học và làm theo.
Đồng thời, anh mong muốn xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, làm đường liên thôn. Hiện nay, xã chỉ có bê tông hóa một đoạn đường liên xã thôi, còn lại là lối mòn, đường đất, đi lại rất khó khăn. Theo anh A Rù, có đường tốt, bà con sẽ vận chuyển được nông sản của mình từ nơi sản xuất đến nơi dùng và còn có thể mang bán.
Nói về cơ hội thăng tiến, sự nghiệp của mình, chàng thanh niên này cho rằng: "Cái chính là hiệu quả công việc của mình giúp bà con nông thôn bớt khổ”. Vì thế, với A Rù “đã làm việc thì phải bám cơ sở, đến tận nơi chứ không phải ngồi bàn giấy, chỉ biết văn phòng của mình” và hằng ngày A Rù, vẫn phải đi bộ 6-10 km xuống các thôn, làng để làm việc với bà con. (Viên An)
Nông Thị Hạnh: Giúp bà con là một điều may mắn
“Lúc đầu khi đang là sinh viên ĐH cũng có nhiều dự tính lắm, ở lại TP.HCM có nhiều nơi, nhiều cơ hội việc làm. Nhưng sau khi tốt nghiệp thì nghĩ làm ở đâu cũng là làm, một phần do gia đình gọi về làm gần nhà nên mình về địa phương, chứ chưa có ý nghĩ là cống hiến gì đâu”, Nông Thị Hạnh, Phó chủ tịch xã Văn Xuôi (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) mở đầu câu chuyện một cách chân thành, mộc mạc.
Đọc thấy thông báo tuyển cán bộ trẻ về các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa của T.Ư Đoàn, Nông Thị Hạnh (giờ đang là Phó chủ tịch xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã mạnh dạn nộp hồ sơ.
Cô gái 25 tuổi, tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM dấn thân lên xã nghèo Văn Xuôi với cảnh ở nhà tập thể của xã, cuối tuần đi 60 cây số về nhà một lần.
Ở xã Văn Xuôi, 90% là dân tộc Xê-đăng, riêng Hạnh là người Thái nhưng xa quê từ nhỏ, quen với cuộc sống người Kinh. Mà phong tục của người Kinh và Xê-đăng nhiều điểm khác nhau nên lúc đầu Hạnh cũng bỡ ngỡ.
“Nhưng hình như đi mãi cũng quen. Thiếu thốn là điều kiện chung, người khác sống được thì mình sống được”, Hạnh chia sẻ.
Đến nay, sau 7 tháng công tác, hình ảnh cô phó chủ tịch xã lặn lộn xuống từng thôn, qua những con đường rừng đất đỏ quanh co, tiếp xúc, tìm hiểu cuộc sống, hướng dẫn bà con các chủ trương, chính sách của Nhà nước đã trở nên rất quen thuộc với đồng bào dân tộc ở đây.
Theo cô, các bạn ở thành phố phải xa nhà, xa quê hương và nhiều bạn phải làm trái ngành còn thiệt thòi hơn nhiều. Với Hạnh, giờ được làm đúng chuyên môn đào tạo, được áp dụng kiến thức của mình vào công việc đang làm, phục vụ cho bà con quê nhà còn nhiều khó khăn là một điều may mắn. (Nguyên Mi)
Cặp song sinh cùng dấn thân cho quê nhà
Trong danh sách các đội viên tham gia Dự án có hai cái tên khá đẹp là Trần Bảo Vi Sa và Trần Bảo Vân Đài. Họ là cặp song sinh cùng 23 tuổi và đang làm Phó chủ tịch ở những xã nghèo nhất Kon Tum.
Hiện tại, Vi Sa đang quản lý địa bàn Đăk Hà (Kon Plong) còn Vân Đài thì phụ trách xã Đăk Tăng (Tu Mơ Rông).
Từ nhỏ đến lớn, hai chị em sinh đôi luôn thân thiết với nhau “như hình với bóng”, nhưng ngay khi vừa bước vào đời, cả hai đã phải “mỗi người một nơi”. Tuy nhiên, điều này lại càng là chất xúc tác để Vi Sa và Vân Đài phấn đấu hơn trong công việc, nhằm tự khẳng định mình và trở thành niềm tự hào cho nhau, cho gia đình và xã hội.
|
Vân Đài chia sẻ: “Mới đầu thì buồn lắm chứ! Nhưng rồi công việc, rồi sinh hoạt cuộc sống thay đổi nên đã quen rồi!". Những bỡ ngỡ, lúng túng trong công việc thường được hai chị em gọi điện chia sẻ, động viên nhau, tháo gỡ vướng mắc trong công việc.
Là người dân tộc Kinh làm việc tại địa phương với hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, một trong vấn đề gây khó khăn lớn nhất đối với cả Vi Sa và Vân Đài đó là bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa.
Vi Sa chia sẻ: “Bản chất của người dân địa phương rất thật thà, lương thiện và họ cũng rất quý mến những cán bộ có tâm huyết, nhiệt tình. Chính vì vậy mà chúng tôi cũng đang cố gắng học ngôn ngữ địa phương, tìm hiểu phong tục văn hóa của người dân để thấu hiểu họ hơn”.
|
Bên cạnh đó, là sinh viên mới ra trường, tuổi còn trẻ mà bỗng nhiên trở thành một vị lãnh đạo, một cán bộ chủ chốt của một xã, cấp chính quyền cơ sở, điều này cũng đã tạo cho Vi Sa và Vân Đài rất nhiều áp lực, lẫn khó khăn.
Tuy nhiên, cả hai đều đồng lòng rằng: “Chính vì áp lực đó mà chúng tôi thấy rõ hơn trách nhiệm và vai trò của mình nên càng phấn đấu hơn”.
Mặc dù đảm nhận vị trí này chưa lâu, nhưng tâm huyết dành cho công việc, tình cảm dành cho người dân địa phương, nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ… đã giúp cả Vi Sa và Vân Đài đều mong muốn xác định theo đuổi công việc này lâu dài.
Vi Sa cho biết: “Ngay từ khi nhận quyết định tham gia dự án này và công việc tại xã thì chúng tôi đã quyết tâm công tác lâu dài tại xã. Và chúng tôi cũng sẽ cố gắng đóng góp một phần sức lực, trí lực của mình vào sự thay đổi của địa phương, trước hết là góp phần nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi dần tư duy về phương thức canh tác, sản xuất của người dân”. (Hiền Nhi)
Tweet