Tụ hội chiến công trẻ
09:47 05/01/2012 2373
Công tác tuyên truyền, giáo dục Ngày 4-1, Thủ đô Hà Nội chào đón 60 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” về dự lễ tuyên dương do Tổng cục Chính trị tổ chức. Họ đến từ mọi miền đất nước
Từ nhà giàn về báo công, dâng Bác
Người trải qua nhiều con đường gian nan để về dự lễ tôn vinh lần này có lẽ là Trung úy Lê Ngọc Chung. Anh sinh năm 1985, Chính trị viên, Bí thư chi bộ Nhà giàn DKI-20 (Vùng 2, Quân chủng Hải quân). Lê Ngọc Chung rất may mắn gặp được tàu hàng ra nhà giàn, đi nhờ vào đất liền rồi tiếp tục hành trình hàng nghìn ki-lô-mét ra Hà Nội. Người cán bộ trẻ vừa nhận danh hiệu “Gương sáng văn minh thanh niên Hải quân năm 2011” này vẫn còn chưa quen với không khí náo nhiệt của Thủ đô. Ở nhà giàn, anh là một chính trị viên dạn dày công việc. Trong công tác xây dựng chi bộ, xây dựng đơn vị, anh được nhận xét là “già” trước tuổi. Vậy nhưng, tiếp xúc với đồng đội đến từ nhiều miền Tổ quốc, Lê Ngọc Chung không giấu được vẻ bẽn lẽn.
Niềm vui sau giờ huấn luyện của chiến sĩ trẻ Đại đội 15 Tiểu đoàn 1047, Lữ đoàn 147 Hải quân. |
Năm nay 26 tuổi, đã có thâm niên 4 năm công tác trên nhà giàn nên Lê Ngọc Chung không còn bỡ ngỡ khi được hỏi về công việc của một chính trị viên. Anh cho biết, làm nhiệm vụ giữa muôn trùng sóng gió, điều quan trọng nhất là phải xây dựng cho bộ đội có tinh thần “thép”, có bản lĩnh vượt qua những thử thách khắc nghiệt của biển khơi, cũng như biết đấu tranh để vượt lên chính mình, hoàn thành trọng trách Tổ quốc, quân đội giao cho. Mới trở về đất liền, Lê Ngọc Chung thấy mình vẫn trong tình trạng “say đất”, giọng nói dù còn “yếu” nhưng vẫn ồn ào, sôi nổi như sóng biển. Anh tâm sự rằng, đời sống bộ đội nhà giàn bây giờ đã khá lên rất nhiều, nhu cầu, nguyện vọng lớn nhất của chiến sĩ trẻ là điều kiện học tập nâng cao trình độ và chăm lo cho gia đình, hậu phương. Anh cũng không quên gửi gắm: "Ở nhà giàn, trong không gian rất hẹp nhưng tinh thần đồng đội rất rộng mở, ý chí đoàn kết rất cao. Sự tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn rất lớn. Trước khi vào đất liền, đồng đội thông qua tôi muốn bày tỏ với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị là dù khó khăn đến mấy, tuổi trẻ nhà giàn nhất định hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Người đến từ bản Mò o ồ ồ
Trước ngày lên đường ra Hà Nội dự lễ tôn vinh, Thượng úy Phạm Xuân Ninh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng 585 (Quảng Bình) vẫn mải miết trên những cánh đồng cùng đồng bào Rục gom phân chuồng, làm phân xanh cải tạo đất, hướng dẫn bà con huấn luyện trâu bò để cày bừa; rồi ủ giống, gieo mạ. Phạm Xuân Ninh bảo, giống lúa nước trồng nơi đồi núi này vốn đã khó, vụ chiêm năm nay sẽ còn khó hơn bởi đợt rét bất thường kéo dài hiện nay khiến việc tăng trưởng của mạ sẽ không như dự kiến. Vì vậy, dù đã ra tới Hà Nội, đang ở ngay Trụ sở Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng trên đường Trần Hưng Đạo, nhưng Phạm Xuân Ninh vẫn liên tục điện thoại, trao đổi với đồng đội cụ thể từng khâu, từng bước để giúp đỡ đồng bào cho vụ gieo trồng sắp tới.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 472, Lữ đoàn 147 Hải quân trước giờ hành quân làm nhiệm vụ. |
Phạm Xuân Ninh vốn tốt nghiệp kỹ sư nông lâm tại Trường Đại học Nông lâm Huế. Khi lên Đồn Biên phòng 585 công tác, được giao nhiệm vụ giúp đồng bào Rục ở bản Mò o ồ ồ phát triển cây lúa nước, anh đã cùng đồng đội đẩy mạnh tuyên truyền vận động đồng bào san lấp mặt bằng, cải tạo những đồi đất mấp mô thành từng ô ruộng, khắc phục tâm lý chán nản đang gia tăng trong đồng bào sau những vụ lúa năng suất thấp. “Mấy ngày gần đây, tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) lan tỏa trên cả nước, lan đến đồng bào các dân tộc huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) khiến không khí càng phấn khởi. Đến dự lễ tôn vinh lần này, tôi sẽ trình bày nguyện vọng của quân dân vùng biên giới, mong Đảng ta ngày càng mạnh lên, đưa đất nước, đưa người Rục ngày càng phát triển” – Phạm Xuân Ninh cho biết như vậy.
Khát vọng cống hiến
Thượng úy Nguyễn Danh Nhân, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đại đội Trinh sát (Lữ đoàn 215, Binh chủng Tăng-Thiết giáp) nhận được tin vui có tên trong danh sách 60 thanh niên tiêu biểu được ra Hà Nội báo công dâng Bác đợt này khi anh vừa hoàn thành nhiệm vụ trên giao, chỉ huy một lực lượng triển khai nhiệm vụ dân vận tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Phùng Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Quy hoạch Thiết kế tối ưu (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) quyết định hoãn chuyến công tác nước ngoài để có mặt trong ngày hội lớn. Trung úy Võ Thành Nguyên, Chính trị viên Đại đội 17, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 vừa cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập thì gác lại bộn bề công việc để góp mặt trong lễ tuyên dương...
Có thể nói, 60 gương mặt trẻ, 60 chiến công mới của thanh niên quân đội đều đã rất cố gắng để tụ hội về Thủ đô, cùng nhau báo cáo với Bác Hồ, với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội về ý chí, khát vọng của tuổi trẻ hôm nay. Đại úy Nguyễn Văn Tú, đến từ Lữ đoàn 573, Quân khu 5, người đã dầm mình trong lũ, cứu sống người dân bị lũ cuốn trôi cho biết: “Chúng tôi, thế hệ Bộ đội Cụ Hồ của thế kỷ 21 sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Ý chí, nguyện vọng của tuổi trẻ quân đội hiện nay và mãi mãi về sau sẽ vẫn như vậy, quyết không thay đổi. Tôi mong rằng, những chiến công mà chúng tôi dâng Đảng, dâng Bác Hồ kính yêu hôm nay sẽ là nguồn sinh lực mới để Đảng tự tin tiến hành công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đưa đất nước vững bước trên con đường đã chọn”.
Tweet